Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảng dạy toán ở Anh thế kỷ XVIII

Vũ Kim Thủy - Hoàng Trọng Hảo| 23/11/2014 06:23

Từ cuối thế kỷ XVII, một số trường đại học lớn ở Anh đã chú trọng giảng dạy toán ứng dụng trong vật lý. Cùng với việc thành lập Hội Hoàng gia Anh, nhiều trường cao đẳng mới được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa và đô thị hóa ở Anh.

Những thành tựu toán học và khoa học mới ở Châu Âu đã thúc đẩy việc giảng dạy toán học tại Anh. Đặc biệt, những công trình của Issac Newton đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của khoa học và toán học trong suốt mấy thế kỷ. Trong xã hội hình thành những chuyên gia độc lập, tự do giảng dạy những kiến thức toán mà họ mới nghiên cứu. Một số ngành đại cương và khoa học trong một số trường đại học, như Đại học Cambridge bắt buộc thi sát hạch đầu vào môn toán, đã thúc đẩy việc dạy và học toán trong trường phổ thông.

Đầu thế kỷ XVIII, cải cách giáo dục ở Anh đã rất hiệu quả. Một phần là nhờ vào những thành tựu của thế kỷ trước, phần khác là do luật đã quán triệt và thực thi thống nhất. Một phần nữa là hệ thống các trường phổ thông với đại học đã liên thông chặt chẽ, dưới sự đồng thuận, kết hợp của chính quyền và giáo hội. Tuy vậy, dần dần, chương trình giáo dục này bị cho là không khuyến khích suy nghĩ tiến bộ, dẫn đến sự trì trệ. Một số trường đã tìm cách tạo ra chương trình đào tạo tốt hơn bằng cách liên kết với cơ sở giáo dục tư nhân. Học sinh của những trường này được phép theo học một số môn tại trường khác trong cùng địa phương. Nhiều cơ sở giáo dục tư nhân được lập ra bởi những nhà hảo tâm hoặc những thương gia. Họ đã cung cấp một nền giáo dục thiết thực hơn cho bản thân nhu cầu của con cái họ. Họ cũng làm tốt việc truyền bá kiến thức, nhất là với môn toán. Đồng thời, những học sinh nghèo ngày càng được tiếp cận tốt hơn với giáo dục thông qua các cơ sở giáo dục này. Do nhu cầu của xã hội, số trường dạy các khóa học về toán và kế toán ngày càng nhiều. Những giáo viên giỏi trong các trường đã mở thêm các khóa học vào ban đêm do người học chi trả học phí.

Đến năm 1717, nhờ sự góp sức của hội toán học mới được thành lập, giáo trình toán và phương pháp giảng dạy toán đã tốt lên rất nhiều. Những bài giảng công cộng, những phương pháp dạy tốt được phổ biến. Những khóa học toán trở nên thú vị và thường có tới 300 người theo học. Từ sự thành công trong giáo dục và giảng dạy toán ở Anh, năm 1760, ở Scotland đã thành lập một loạt các trường, học viện để cạnh tranh với các trường lâu đời của Anh. Học viện Perth được thành lập và đã cải tiến giáo trình theo hướng nâng cao hơn của Anh. Các môn học chủ yếu được giảng dạy là: Số học, đại số, logic, hình học Euclide, lượng giác, hàng hải, địa lý, vật lý, quang học, giải tích... Nhờ sự thành công của học viện này, nhiều trường nhỏ hơn đã sao chép, áp dụng giáo trình trong giảng dạy. Những thương gia giàu có, các nhà hảo tâm tiếp tục mở các trường theo mô hình này để cạnh tranh, góp phần thúc đẩy sự phát triển.

Kết quả kỳ trước: Issac Newton từng học tại Đại học Cambridge. Trao giải 50.000 đồng/người cho bạn Nguyễn Đức Minh (143 Mai Hắc Đế).

Kỳ này: Em có biết Trường ĐH Cambridge thành lập năm nào không? Câu trả lời gửi về chuyên mục “Toán học, học mà chơi”, Tòa soạn Báo Hànộimới, 44 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giảng dạy toán ở Anh thế kỷ XVIII

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.