Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đủ lý do trì hoãn giảm giá

Tuấn Lương| 12/11/2014 06:35

(HNM) - Các doanh nghiệp vận tải (DNVT) dường như đang phớt lờ ý kiến của Bộ Tài chính cũng như phản ứng của người tiêu dùng khi vẫn trì hoãn giảm giá cước, dù giá xăng dầu tiếp tục giảm sâu. Nhiều lý do đã được đại diện các hiệp hội vận tải, taxi và DNVT đưa ra nhưng đều không thỏa đáng.


Những lý giải khó hiểu

Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2014 đến nay, xăng đã giảm giá 9 lần với tổng mức giảm là 4.250 đồng/lít. So với thời điểm tăng giá cao nhất, xăng đã giảm giá 16,57%. Trong khi đó, dầu diezen cũng đã 15 lần giảm giá với tổng mức giảm là 3.580 đồng, tương đương 15,68%. Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các DNVT hành khách, hàng hóa đường bộ chấp hành nghiêm quy định về quản lý vận tải. Các đơn vị chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định và yêu cầu DNVT tính toán lại giá thành, kê khai giá cước phù hợp với biến động của chi phí nhiên liệu.

Trong khi cả xã hội đang chờ đợi sự điều chỉnh giá cước thì các DNVT lại tìm mọi lý do để trì hoãn giảm giá. Đến thời điểm này, trên địa bàn Hà Nội, chưa thấy DN taxi nào điều chỉnh giá cước để bảo đảm quyền lợi của khách hàng và phù hợp với quy luật của thị trường. Giải thích về vấn đề này, đại diện nhiều hãng taxi cho rằng mỗi lần tăng hoặc giảm giá cước (theo biến động của giá xăng dầu), DN đều phải chờ cơ quan kiểm định điều chỉnh đồng hồ tính cước, sau đó còn phải qua khâu dán tem, kẹp chì đồng hồ, thủ tục hành chính mất rất nhiều thời gian và tốn kém chi phí... Trong khi đó, giá xăng dầu tăng - giảm liên tục khiến các DNVT không thể chạy theo được.

Đại diện Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, một số hãng taxi đang cân đối kế hoạch để giảm giá cước nhưng chưa xác định thời điểm cụ thể. Phần lớn các hãng taxi vẫn đang duy trì mức giá 12.000 đồng/km đầu tiên. Một lý do "tế nhị" khác là các DN taxi còn "nhìn nhau" để xem xét thị trường.

Doanh nghiệp taxi trì hoãn, DNVT liên tỉnh cũng "không có gì phải vội vàng". Theo ông Nguyễn Văn Thắng - Tổng Giám đốc Công ty Vận tải Phượng Hoàng (đơn vị hiện có 30 xe hoạt động tuyến Hà Nội - Hưng Yên), là DN cổ phần, mọi quyết định tăng hay giảm giá đều phải được cổ đông thông qua và có kế hoạch dài hạn chứ không thể thực hiện tùy ý.

Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội cho rằng, vận tải là loại hình kinh doanh có điều kiện, dưới sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, kinh doanh vận tải có đặc thù, không giống với các ngành nghề kinh doanh khác và giá cước phải ổn định trong thời gian dài. Giá xăng dầu giảm nhưng các chi phí khác không giảm, do vậy rất khó hạ giá cước như yêu cầu của Bộ Tài chính.

Chỉ là "ngụy biện"

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, các lý do mà DNVT đưa ra nhằm trì hoãn giảm giá cước vận tải chỉ là "ngụy biện". Tính toán cho thấy, chi phí nhiên liệu chiếm tới 35-45% cước phí vận tải. Nếu các chi phí khác không tăng, trong khi xăng dầu giảm giá liên tục trong 4 tháng với tổng mức giảm 4.250 đồng/lít thì mức giảm cước vận tải dù ở mức 5-8% là chưa tương xứng.

Cần nhắc lại là những lần tăng giá xăng dầu trước đây, các DNVT ào ào tăng cước. Chẳng hạn, tháng 6-2013, khi giá xăng tăng lên mức 24.110 đồng/lít xăng, các hãng taxi đồng loạt tăng giá từ 11.500 đồng/km lên 12.000 đồng/km; tiếp theo, tháng 4-2014, một số hãng lại tiếp tục tăng thêm 200 đồng đến 1.000 đồng/km. Doanh nghiệp vận tải liên tỉnh cũng tăng đáng kể, ví dụ: Tuyến Hà Nội - Hải Phòng tăng liên tục từ mức 60.000 đồng/ người/vé từ đầu năm 2013 lên mức 65.000 đồng/người/vé (giữa năm 2013) rồi ổn định ở mức 70.000 đồng/người/vé hiện nay. Tuy nhiên, nếu khách chỉ đi nửa hành trình (Hải Dương), giá vé sẽ "đóng khuôn" 50.000 đồng/người/vé. Giá xăng nay tuy giảm nhưng giá vé vẫn giữ nguyên.

Một số ý kiến cho rằng, cước vận tải hành khách, hàng hóa không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, bình ổn giá. Tuy nhiên, Luật Giá cũng quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá. Cơ quan nhà nước có quyền kiểm tra các yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ khi giá có biến động bất thường. Đồng thời, mọi loại hàng hóa, dịch vụ, mọi loại hình doanh nghiệp đều bình đẳng trước pháp luật. Trong khi xăng dầu tăng giá, không chỉ người dân mà cả doanh nghiệp - đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải đều "than phiền" thì quả thật bất thường khi xăng dầu - nguyên liệu "đầu vào" của nhiều doanh nghiệp - giảm giá mà các loại hàng hóa, dịch vụ phụ thuộc lại phớt lờ. Điều đó có nghĩa là các cơ quan chức năng hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý để chấn chỉnh tình trạng "một mình một ngựa" của các DNVT như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đủ lý do trì hoãn giảm giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.