Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải tự tạo sức bật

THÙY LINH| 14/11/2014 06:43

(HNM) - Ngành da giày Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn đến từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang được Chính phủ đàm phán. Tuy nhiên, đi cùng cơ hội là rất nhiều thách thức. Đó là ý kiến của các nhà quản lý và các chuyên gia tại hội nghị nâng cao năng lực doanh nghiệp da giày

Doanh nghiệp da giày “nội” phải tự tạo “sức bật” cho mình.



Ông Olive Ng, đại diện Tập đoàn Ever Rite cho biết, cách đây vài năm tập đoàn đã đóng cửa nhà máy ở Indonesia và tháng 9-2013 doanh nghiệp này dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc. Hiện tất cả nhà máy của Ever Rite đều đặt tại Việt Nam. Ông Chris Helzer, Giám đốc Đối ngoại khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn Nike cũng cho biết, thời gian gần đây Nike không ngừng tăng cường các đơn hàng tại Việt Nam. Cụ thể, năm 2013, lượng sản xuất tại Việt Nam chiếm 42% tổng số giày dép mang nhãn hiệu Nike trên toàn cầu (năm 2012 là 41%). Trong khi đó, tỷ trọng giày dép được sản xuất tại Trung Quốc năm qua chỉ đạt 30%, giảm 2% so với năm 2012. Ông Scott Thomas, đại diện Công ty Wolverine (một công ty có doanh số dự kiến khoảng 1,7-1,8 tỷ USD trong năm 2014) cũng cho biết, đang dịch chuyển dần sản xuất đến Việt Nam.

Lý do chuyển sản xuất vào Việt Nam, theo các công ty, năng suất lao động Việt Nam không có khác biệt lớn so với ở Trung Quốc, nhưng người Việt Nam cẩn thận hơn. Mặt khác, Việt Nam rất gần Trung Quốc, vốn là nơi có chuỗi cung ứng toàn cầu hoàn thiện nhất. Đặc biệt các FTA đã và đang đàm phán là lợi thế của Việt Nam về thuế suất và là yếu tố rất quan trọng cho quyết định dịch chuyển sản xuất đến Việt Nam.

Tuy nhiên việc dịch chuyển sản xuất của các nhà đầu tư nước ngoài để đón đầu các hiệp định thương mại cũng đặt ra bài toán cạnh tranh đối với ngành da giày nội địa, khi nhiều DN Việt Nam rất yếu về vốn nếu so với các tập đoàn nước ngoài. Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaso, các nhà đầu tư đến Việt Nam để tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại thì DN Việt Nam chỉ có lựa chọn là phải phát triển. Chính phủ đã có những chính sách trợ giúp như phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, còn mỗi DN phải có kế hoạch phát triển kinh doanh của mình. Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso cũng cho rằng, đây là thời điểm mà ngành da giày có nhiều cơ hội, từ Nghị định của Chính phủ về công nghiệp hỗ trợ và các hiệp định thuế quan. Vấn đề là các DN phải tự tạo "sức bật" cho mình chứ không phải là chờ cơ chế chính sách nữa.

Ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) cho biết, ngành da giày luôn nằm trong nhóm hàng xuất khẩu dẫn đầu với kim ngạch đứng hàng thứ ba. Trong tương lai, ngành sẽ còn tiếp tục phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, song hành cùng thuận lợi là những thách thức như nguồn cung ứng nguyên liệu tại chỗ, tăng năng suất lao động, quản trị doanh nghiệp… Ông Phan Chí Dũng cũng cho biết, Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ gián tiếp cho ngành da giày trong đào tạo, mở rộng thị trường... Bộ Công thương đang trình Chính phủ Nghị định hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó có ngành da giày, sẽ giúp tạo ra chất xúc tác giải quyết vấn đề nguyên liệu, yếu tố chủ chốt để ngành da giày phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải tự tạo sức bật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.