Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm tính minh bạch, “nước rút” về đích

Hương Ly| 26/06/2015 06:15

(HNM) - Thống kê của Ban Chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp cho thấy, tính đến ngày 23-6, đã cổ phần hóa (CPH) 61/289 doanh nghiệp nhà nước thuộc diện phải CPH trong năm nay. Như vậy, mới chỉ đạt 21,1% kế hoạch.



Tại cuộc giao ban về tình hình thực hiện tái cơ cấu (TCC) DNNN 6 tháng đầu năm 2015 diễn ra sáng 25-6 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh khẳng định, thời gian không còn nhiều nên các bộ, ngành cần nghiêm túc thực hiện nhằm hoàn thành đúng hạn mục tiêu CPH DNNN trong năm nay.

Tập đoàn Than - Khoáng sản đã có 5 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa. Ảnh: Yến Ngọc


Ngổn ngang việc phải làm

Báo cáo của BCĐ Đổi mới và Phát triển DN cho biết, trong 6 tháng đầu năm, bên cạnh 61 DNNN đã thực hiện CPH, có 2 DNNN được bán. Các đơn vị cũng đã giải thể 1 DN, sáp nhập 1 DN, chuyển 3 DN thành công ty TNHH hai thành viên, nâng tổng số DN được sắp xếp, CPH trong 6 tháng đầu năm lên 68 DN. Các đơn vị thực hiện CPH tốt gồm: Hà Nội (19 DN), Tập đoàn Than - Khoáng sản (5 DN), Nghệ An (4 DN).

Về kết quả bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO), tính đến giữa tháng 6-2015, đã có 46 DN thực hiện IPO với 110 triệu cổ phiếu chào bán thành công, đạt 19,7% tổng số lượng cổ phần chào bán. Trong thực hiện tái cơ cấu DNNN, các đơn vị đã tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý nội bộ, sắp xếp lại bộ máy quản lý, điều hành và tăng cường kiểm soát nội bộ. Đối với thoái vốn nhà nước, trong 6 tháng đầu năm, đã thoái được 7.522 tỷ đồng giá trị sổ sách, thu về 11.161 tỷ đồng, cao hơn 1,48 lần so với kế hoạch. Trong đó, việc thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư tại 5 lĩnh vực nhạy cảm gồm: bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư là 3.368 tỷ đồng, thu về 3.863 tỷ đồng, bằng 1,15 lần giá trị sổ sách, đạt 15% số vốn cần thoái. Một số DN đã bán bớt phần vốn nhà nước tại các DNNN không cần nắm giữ, thu về 3.863 tỷ đồng, bằng 1,76 lần giá trị sổ sách.

BCĐ cũng cho biết, từ nay tới cuối năm, 5 lĩnh vực nhạy cảm nói trên còn 85% khối lượng công việc cần phải thực hiện thoái vốn. Đặc biệt, tình trạng các bộ chậm ban hành chính sách về đổi mới tổ chức quản lý và TCC DNNN trong 6 tháng qua cũng đã làm chậm tiến trình CPH. Trên thực tế, còn 7 dự thảo nghị định, quyết định và đề án (chiếm 63% kế hoạch) chưa được trình Chính phủ ban hành. Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn "nợ" 4 dự thảo nghị định, quyết định và đề án; Bộ Tài chính "nợ" 2 dự thảo; Bộ Thông tin và Truyền thông "nợ" 1 nghị định.

BCĐ cho rằng, hiện các bộ, ngành, địa phương chưa tập trung cho việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách theo đúng kế hoạch, chưa tháo gỡ kịp thời vướng mắc phát sinh, đặc biệt là hoạt động CPH, thoái vốn nhà nước. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và những khó khăn của nền kinh tế đã tác động tiêu cực đến thị trường tài chính, chứng khoán và việc bán cổ phần, thoái vốn ra công chúng. Đặc biệt, nhiều DN sắp xếp, CPH hiện nay có quy mô lớn và có nhiều tiềm lực tài chính nên cần thời gian để chuẩn bị, xử lý hiệu quả.

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Là một trong những đơn vị được BCĐ chấm điểm "tốt", song UBND TP Hà Nội cũng mang tới hội nghị nhiều vướng mắc và đề nghị sớm tháo gỡ. Liên quan đến việc xử lý cổ phần không bán hết, đại diện lãnh đạo TP Hà Nội cho biết, theo hướng dẫn của BCĐ, lượng cổ phần không bán hết được phép chào bán công khai cho các nhà đầu tư đã tham dự đấu giá theo phương thức thỏa thuận trực tiếp, bảo đảm nguyên tắc không thấp hơn giá khởi điểm (áp dụng với trường hợp bán thỏa thuận trước cho nhà đầu tư chiến lược) hoặc không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất (áp dụng với trường hợp xử lý cổ phần không bán hết của cuộc đấu giá công khai) nhưng trên thực tế nhiều cuộc đấu giá thành công nhưng một số nhà đầu tư lại bỏ cuộc và chịu mất tiền đặt cọc. Các nhà đầu tư còn lại rất đông (30-100 người) nên nếu thỏa thuận giá sẽ phức tạp, mất nhiều thời gian, thậm chí không thỏa thuận được giá bán, số lượng. TP Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lựa chọn phương án bán đấu giá tiếp số cổ phần không bán hết tại Sở Giao dịch chứng khoán hoặc công ty tư vấn có chức năng đấu giá cổ phần hoặc bán theo phương thức thỏa thuận trực tiếp.

Về việc xử lý cổ phần dôi dư, TP Hà Nội kiến nghị, hiện chưa có quy định giải quyết chế độ lao động dôi dư với xí nghiệp cấp huyện và đơn vị sự nghiệp thực hiện sáp nhập vào công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu, sau đó thực hiện CPH. Vì vậy, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép được xử lý lao động dôi dư với một số đơn vị thuộc diện này…

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, song Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Văn Ninh cũng khẳng định, TCC DNNN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phải hoàn thành để kết thúc nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2010-2015. Mặc dù hầu hết các bộ, ngành, địa phương đều triển khai tốt công việc và cơ bản đáp ứng tiến độ song khối lượng công việc còn lại rất lớn. Trách nhiệm của người đứng đầu là rất lớn bởi có những nơi chưa thực sự quan tâm đến chỉ đạo, bắt tay vào tháo gỡ khó khăn, thậm chí có nơi thực hiện chưa nghiêm. Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là nếu không làm được thì đứng sang một bên.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành sớm hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động TCC DNNN, song nhấn mạnh phải bảo đảm tính minh bạch, hạn chế thất thoát, tiêu cực. Các bộ, ngành phải nghiêm túc thực hiện kế hoạch TCC, bảo đảm hoàn thành đúng thời hạn mục tiêu CPH DNNN trong năm nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm tính minh bạch, “nước rút” về đích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.