Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hỗ trợ doanh nghiệp vẫn là yêu cầu bức thiết

Hồng Sơn| 08/08/2015 07:10

(HNM) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 7 tháng năm 2015, cả nước có 32.373 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc chờ đóng mã số thuế, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2014.


Doanh nghiệp đang kỳ vọng

Mặc dù kinh tế vĩ mô đã có dấu hiệu ổn định và tăng trưởng khá, nhưng trước áp lực cạnh tranh trong xu thế hội nhập sâu rộng, hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của khối DN vẫn tiếp tục đối diện nhiều thách thức. Hơn bao giờ hết, DN lại trông đợi vào những hỗ trợ từ các cấp quản lý, chủ yếu là bằng biện pháp cải cách hành chính, giảm thiểu thủ tục liên quan đến các công đoạn, từ khi gia nhập đến khi rút khỏi thị trường đối với một đơn vị SXKD. Nhưng, xem ra đây vẫn là câu chuyện dài, cần sự nỗ lực và biện pháp đồng bộ hơn nữa.

Doanh nghiệp đang rất cần có giải pháp hỗ trợ để sớm vượt qua những khó khăn. Ảnh: Thái Hiền


Theo Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ (CIEM), có 8 chỉ số về môi trường kinh doanh, bao trùm toàn bộ chu trình SXKD nhằm xác định những thách thức trong thủ tục hành chính ở cấp địa phương phải vượt qua, cũng như đặt ra yêu cầu xây dựng các giải pháp để giải quyết các thách thức này. Đó là chỉ số khởi sự kinh doanh; cấp phép xây dựng; tiếp cận điện năng; nộp thuế; giao dịch thương mại qua biên giới; đăng ký quyền sở hữu tài sản; giải quyết tranh chấp hợp đồng và giải quyết phá sản DN. Các nỗ lực để thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh dựa vào những tiêu chí trên để đáp ứng một cách tối đa.

Tuy nhiên, kết quả trong cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh của các cấp, ngành hiện chưa thỏa mãn được sự mong mỏi của cộng đồng DN. Đơn cử, nếu có thể giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu xuống 14 ngày vào thời điểm cuối năm 2015 thì mới đạt mức trung bình của ASEAN 6 hiện nay; trong khi chưa tính đến việc các nước này cũng tiếp tục cải thiện và có thể đạt được mức tiến bộ cao hơn hiện tại. Ngoài ra còn nhiều áp lực khác cũng đặt ra đối với DN. Đây sẽ là những thách thức đòi hỏi sự cố gắng liên tục, với quyết tâm cao của cấp có thẩm quyền và chính quyền các địa phương.

Thời gian gần đây đã xuất hiện một thực tế đáng lo ngại là tuy số DN mới thành lập không giảm, nhưng quy mô về vốn đăng ký trung bình của DN đang có xu hướng giảm dần; phần lớn là có số vốn 5-20 tỷ đồng/DN, thậm chí dưới 5 tỷ đồng/DN. Điều đó cho thấy, sức thu hút nguồn vốn trong xã hội đang giảm dần do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan. Nhìn xa hơn còn thấy, đến nay Việt Nam hầu như chưa có DN đạt quy mô quốc tế, tức là thiếu những trụ cột để lan tỏa, làm chỗ dựa cho nhiều DN nhỏ, vì vậy càng chưa đủ sức mạnh để cạnh tranh, đối đầu với DN của các nước khác trên thị trường thế giới.

Sự quyết tâm của các cấp quản lý

Trước mục tiêu tập trung cải cách mạnh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết (NQ) số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Từ đó, các địa phương phải khẩn trương hiện thực hóa mục tiêu thông qua việc đáp ứng yêu cầu của NQ bằng cách giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho DN và phát huy lợi thế để phát triển kinh tế trên địa bàn. Đây sẽ là kỳ vọng lớn nhằm hướng tới sự thay đổi khá toàn diện. Các chuyên gia nhấn mạnh, NQ này nhắm vào mục tiêu là hỗ trợ DN quy mô nhỏ và vừa, bởi đây là đối tượng vốn dễ bị tổn thương và yếu thế nhất (nếu so sánh với tiềm lực của DNNN, hoặc DN FDI). Điều này cũng có nghĩa là gánh nặng sẽ đặt lên vai chính quyền các tỉnh, thành phố - địa bàn tiếp nhận, là nơi hoạt động của phần lớn số DN dân doanh quy mô nhỏ và vừa.

Các ngành chức năng đang phối hợp đồng bộ để tăng tốc độ thực hiện cải cách hành chính, hướng tới một số chỉ tiêu cơ bản tính đến hết năm 2016. Cụ thể, thời gian cấp phép xây dựng tối đa không quá 77 ngày; thời gian tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp tối đa 35 ngày; đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản không quá 14 ngày; tiếp cận tín dụng thuộc nhóm 30 nước đứng đầu; bảo vệ nhà đầu tư thuộc nhóm 50 nước đứng đầu; nộp thuế và bảo hiểm xã hội không quá 168 giờ/năm; thời gian xuất khẩu xuống dưới 10 ngày và nhập khẩu dưới 12 ngày; giải quyết tranh chấp hợp đồng tối đa 200 ngày; giải quyết thủ tục phá sản DN xuống còn tối đa 24 tháng...

Bên cạnh đó, một trong những giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh được nhiều chuyên gia kinh tế nhất trí là đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đầu tư, cung cấp dịch vụ công theo hình thức đối tác công - tư, kể cả một số dịch vụ quản lý nhà nước; cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công để chuyển sang hoạt động theo cơ chế DN; tăng cường cổ phần hóa… Làm được như vậy đồng nghĩa với sự "cởi trói" cho DN. Các chuyên gia cũng khuyến nghị cần tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; triển khai đồng bộ cơ chế một cửa... Đặc biệt, cần nhấn mạnh việc giám sát, đánh giá hiệu quả phục vụ DN của cơ quan công quyền, cũng như với từng cán bộ, công nhân viên nhằm tạo sự chuyển biến tích cực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ doanh nghiệp vẫn là yêu cầu bức thiết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.