Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Trên 7.000 lượt DN, cơ sở CNNT sẽ được hỗ trợ từ Chương trình khuyến công

Lan Hương| 02/10/2015 15:16

(HNMO) – Đó là mục tiêu từ Chương trình khuyến công TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020 vừa được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Tổng kinh phí thực hiện chương trình dự kiến 163,4 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp chi cho hoạt động khuyến công.

.

Thông qua chương trình khuyến công sẽ tạo việc làm cho khoảng 60.000 - 75.000 lao động nông thôn. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ tăng bình quân 12-15%/năm, năm 2020 đạt kinh ngạch trên 400 triệu USD. Tạo ra trên 2.500 sản phẩm thủ công mỹ nghệ có thiết kế mới phục vụ xuất khẩu. Chú trọng truyền nghề cho các làng thuần nông, phấn đấu trên 250 làng thuần nông được truyền nghề tiểu thủ công nghiệp, góp phần hình thành thêm 100 làng nghề mới.

Chương trình khuyến công Thành phố giai đoạn 2016-2020 gồm các nội dung: Truyền nghề, nhân cấy nghề với khoảng 600 lớp truyền nghề, nhân cấy nghề, thời gian dưới 3 tháng gắn với các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) để tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 21.000 lao động nông thôn.

Ảnh minh họa.


Chương trình còn tập trung nâng cao năng lực quản lý cho lãnh đạo, cán bộ quản lý các doanh nghiệp, cơ sở CNNT; ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất; Phát triển sản phẩm CNNT với 5 hội chợ quốc tế chuyên ngành thủ công mỹ nghệ tại Hà Nội và hỗ trợ 8 huyện, thị xã tổ chức hội chợ triển lãm trong khuôn khổ lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống do UBND cấp huyện tổ chức; Hỗ trợ phòng trưng bày quảng bá, giới thiệu sản phẩm CNNT của TP; Cung cấp thông tin, hỗ trợ phát triển mẫu mã sản phẩm; Chương trình liên kết với các tỉnh, thành phố trong nước; Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công trên địa bàn TP.

Theo UBND TP Hà Nội, chương trình trên nhằm mục tiêu phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngoại thành theo hướng công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội cho khu vực nông thôn, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp, cơ sở CNNT thuộc các ngành có khả năng phát huy lợi thế cạnh tranh, có tiềm năng về thị trường tiêu dùng trong nước và có thế mạnh xuất khẩu như: Dệt may, da giày, chế biến nông sản thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống. Ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp không gây ô nhiễm môi trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Trên 7.000 lượt DN, cơ sở CNNT sẽ được hỗ trợ từ Chương trình khuyến công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.