Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Đầu ra" ngày càng ổn định, hiệu quả

Thanh Hiền| 07/10/2015 07:20

(HNM) - 49 hợp đồng đã được ký giữa các đơn vị phân phối tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp (DN) sản xuất tại hội nghị

Chương trình do Bộ Công thương phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trong nước, đề xuất các giải pháp nhằm tạo mối liên kết giữa ba nhà: quản lý - sản xuất - phân phối, góp phần thực hiện thành công cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".



Theo Bộ Công thương, sau gần hai năm thực hiện, hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa đã lan tỏa rộng, với sự tham gia của nhiều DN trong cả nước. Thực tế cho thấy, việc phát triển mạng lưới phân phối tại các tỉnh, thành phố đã giúp gắn kết việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết lao động và thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường tại các địa phương. Tại khu vực phía Bắc, nổi bật là hoạt động kết nối của Sở Công thương Hà Nội với các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương nhằm hỗ trợ nông dân tiêu thụ trái cây, nông sản như vải, nhãn, ổi, na… Qua chương trình, nhiều DN phân phối của Hà Nội đã tích cực hỗ trợ tiêu thụ nông sản của tỉnh Hải Dương, Bắc Giang. Cụ thể, 2.000 tấn vải thiều đã được đưa vào hệ thống siêu thị Hapro; 1.000 tấn vào hệ thống siêu thị Co.opmart; 100 tấn/tháng vào Big C… Các đơn vị còn cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ các tỉnh đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều trong những năm tiếp theo. Ngoài ra, tỉnh Thái Bình đã tổ chức liên kết tiêu thụ nông sản thực phẩm, thủy sản với Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh. Tỉnh Lạng Sơn liên kết với các tỉnh Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Kạn, Yên Bái, Hà Nội, nhằm khai thác chế biến khoáng sản, tạo sản phẩm có giá trị cao, hướng tới thay thế hàng nhập khẩu.

Công tác hợp tác liên kết trong lĩnh vực công thương giữa các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc thời gian qua đã được triển khai tích cực và hiệu quả; sự gắn bó giữa các tỉnh, thành phố ngày càng chặt chẽ hơn, nhất là đối với công tác khuyến công, xúc tiến thương mại. Việc kết nối cung - cầu giữa nhà cung ứng với hệ thống phân phối được thực hiện qua mô hình liên kết theo chuỗi sản xuất - phân phối - tiêu thụ hàng hóa đã được nhiều DN lớn, như Tổng công ty Hapro, Saigon Co.op Hà Nội, Vinmart, Big C, TH TrueMilk… lựa chọn và có xu hướng phát triển mạnh. Trong đó, không thể không nhắc đến hoạt động đầu tư hợp tác liên kết các nhà sản xuất trong nước nhằm đẩy mạnh chiến lược tạo nguồn hàng và giá ổn định của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Saigon Co.op. Việc liên kết với các nhà sản xuất uy tín trong nước để phát triển hàng nhãn riêng cũng là biện pháp hữu hiệu giúp tối đa hóa năng lực sản xuất của các DN "nội", đồng thời giúp người tiêu dùng tiết kiệm hơn khi sản phẩm luôn bảo đảm chất lượng, nhưng giá thấp hơn thương hiệu cùng loại 5-30%. Hệ thống siêu thị Big C, ngay từ khi mới thành lập đã đặt mục tiêu tập trung kinh doanh hàng "nội" và trở thành cầu nối đưa hàng Việt Nam ra thị trường thế giới...

Theo Sở Công thương Hà Nội, qua hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, kết nối tiêu thụ hàng hóa nông sản, đặc sản từng địa phương, các sản phẩm của làng nghề, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nhỏ sẽ tìm được cơ hội tiếp cận để đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại. Từ đó, giúp DN giải quyết "đầu ra", tạo cơ sở vững chắc phát triển sản xuất, mở rộng thị phần. Sở Công thương Hà Nội đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành phố chủ động tiếp cận, rà soát DN, đơn vị sản xuất có tiềm năng để nghiên cứu chính sách hỗ trợ đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm… đáp ứng nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình hợp tác nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển lĩnh vực công thương; tạo điều kiện cho DN, cơ sở sản xuất các tỉnh, thành phố có cơ hội giao lưu, kết nối cung cầu hàng hóa. Cụ thể, hợp tác trong lĩnh vực thương mại nội địa, phát triển công nghiệp nông thôn; lĩnh vực điện năng, tiết kiệm năng lượng; trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động quản lý nhà nước ngành Công thương. Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn cũng khẳng định, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện các nội dung liên kết, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại nội địa, nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thế mạnh của các địa phương.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Đầu ra" ngày càng ổn định, hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.