Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp chân chính, người tiêu dùng thiệt hại

Minh Châu| 15/04/2016 07:35

(HNM) - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết: Trong thời gian tới, sẽ tiến hành thanh tra diện rộng việc chấp hành các quy định của pháp luật về đo lường, chất lượng trong kinh doanh, sản xuất vàng, vàng trang sức, mỹ nghệ.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng sẽ được siết chặt hơn.Ảnh: Khánh Huy


Đây sẽ là đợt ra quân tổng lực nhằm chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm. Ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN đã trả lời phỏng vấn của Báo Hànộimới về những vấn đề xoay quanh hoạt động này.

- Ông có thể cho biết rõ hơn lý do của đợt thanh tra chuyên đề này, thưa ông?

- Năm 2015, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường, chất lượng, Thanh tra Sở KH&CN các địa phương đã kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ của các tổ chức, cá nhân. Kết quả cho thấy còn nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.

Có 25% số cơ sở thanh tra trong năm 2015 có dấu hiệu vi phạm. Các hành vi thường là ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, sử dụng cân không kiểm định, cân không đạt yêu cầu về đo lường, cân không phù hợp về phạm vi đo và cấp chính xác, vàng không đạt chất lượng theo công bố. Kết quả này đã phản ánh rất rõ tình hình thực tế sau 2 năm triển khai thực hiện Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN ngày 26-9-2013 để quản lý về đo lường trong hoạt động kinh doanh vàng và chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường.

Thực trạng trên đang gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, ảnh hưởng xấu đến văn minh thương mại. Chính vì vậy, Bộ KH&CN quyết định tổ chức, chỉ đạo các lực lượng trong toàn ngành triển khai "Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đo lường trong kinh doanh vàng; về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa trong sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ".

- Mục tiêu đặt ra cho đợt thanh tra chuyên đề này là gì, thưa ông?

- Hoạt động thanh tra này nhằm mục tiêu: Tạo bước chuyển biến về nhận thức và hành động của các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh vàng nói chung và kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ nói riêng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Người tiêu dùng được tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, hiểu rõ các quy định của pháp luật chuyên ngành để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Việc này cũng bảo vệ những tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chân chính, đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành KH&CN. Hoạt động thanh tra giúp phát hiện, phòng ngừa và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương về công tác quản lý nhà nước. Cuộc thanh tra sẽ tập trung trong các tháng 7, 8 và 9-2016.

- Từ quan điểm của nhà tổ chức hoạt động thanh tra, ông có khuyến cáo gì với người tiêu dùng?

- Người tiêu dùng không nên mua, sử dụng những loại vàng trang sức mỹ nghệ không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không ký hiệu của nhà sản xuất, không bảo đảm yêu cầu về đo lường, chất lượng. Thực tế cho thấy, người tiêu dùng dù có bức xúc nhưng rất ngại đến cơ quan quản lý để khiếu kiện các vi phạm. Một phần lý do là nhiều sai phạm thường ở quy mô, phạm vi rất nhỏ. Song tính gộp nhiều nhà sản xuất, kinh doanh cố tình vi phạm thì số tiền gian lận là rất lớn. Nếu người tiêu dùng nâng cao ý thức, chung tay với nhà quản lý thì những sai phạm sẽ được hạn chế rất nhiều.

Còn các cơ sở kinh doanh và Hiệp hội Kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về đo lường, chất lượng, ghi nhãn. Hiệp hội Kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ cần tích cực phối hợp với cơ quan nhà nước trong việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn hội viên thực hiện đúng quy định của pháp luật. Các cơ quan quản lý, các chi cục tiêu chuẩn đo lường, chất lượng cần tăng cường tập huấn, phổ biến và tuyên truyền những quy định của pháp luật, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát…

- Ông có thể chia sẻ những biện pháp để ngăn chặn việc tái diễn các hành vi vi phạm sau đợt thanh tra diện rộng này?


- Để tạo hiệu ứng dư luận nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận, bảo đảm sự công bằng cho các nhà sản xuất chân chính, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, ngoài việc xử phạt theo đúng quy định pháp luật các đối tượng vi phạm, chúng tôi cho rằng cần phải truyền thông để người dân biết và tẩy chay những nhà sản xuất, kinh doanh gian dối. Để làm điều này, những sai phạm cố tình, được phát hiện qua thanh tra sẽ được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời, Bộ cũng sẽ định hướng công tác thông tin tuyên truyền để cuộc thanh tra đạt kết quả tốt. Kết quả thanh tra sẽ được công bố rộng rãi vào quý IV năm 2016.

- Cảm ơn ông về những thông tin trên!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp chân chính, người tiêu dùng thiệt hại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.