Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng thương hiệu quốc gia: Cần sự tích cực, chủ động của doanh nghiệp

Thanh Hiền| 06/07/2016 06:58

(HNM) - Xây dựng thương hiệu quốc gia đang là chủ đề “nóng” và cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Thiếu thương hiệu mạnh

Việc xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm ngày càng có vai trò quan trọng trong khẳng định giá trị DN. Tuy nhiên, kết quả khảo sát của Bộ Công thương về thương hiệu hàng Việt mới đây cho thấy, dù đạt được những chuyển biến tích cực, nhưng hàng Việt chưa có nhiều thương hiệu mạnh, có khả năng truyền tải thông điệp ấn tượng tới khách hàng; chưa nâng cao nhận thức về quảng bá, bảo vệ, đăng ký bảo hộ thương hiệu, không chỉ ở thị trường nước ngoài mà cả trong nước. Đánh giá về vấn đề này, TS Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho rằng, đây là một quá trình cần có chiến lược xây dựng bền vững, dựa trên mối quan hệ mật thiết giữa Chính phủ, DN và người tiêu dùng. Những mặt hàng được lựa chọn để xây dựng thương hiệu quốc gia cần được tính toán để không chỉ mang lại lợi nhuận cho quốc gia, DN, mà còn góp phần cải thiện cuộc sống của người nông dân.

Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sữa Hà Nội Hà Quang Tuấn cho rằng, xây dựng thương hiệu quốc gia không phải là nhiệm vụ của riêng nhóm nào, mà cần có sự phối hợp giữa Chính phủ, DN và người dân. Việc lựa chọn sản phẩm phát triển thành thương hiệu quốc gia cũng cần được tiến hành cẩn thận, vì không phải sản phẩm nào cũng có thể làm được. Hơn nữa, muốn xây dựng thương hiệu chỉ có con đường duy nhất là xây dựng uy tín, từ quảng bá sản phẩm, từ khâu dịch vụ trước và sau bán hàng…

Ông Stephen Keppel, chuyên gia xây dựng thương hiệu quốc gia - Công ty Tư vấn National Consultancy cho rằng, Việt Nam đã bỏ phí hơn 20 năm đổi mới chỉ đóng khung trong vai trò gia công. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể đạt được thành tựu nếu có sự hợp tác giữa Chính phủ và khu vực DN tư nhân. Chính phủ là người quyết định sản phẩm nào sẽ được lựa chọn để trở thành thương hiệu quốc gia, từ đó đưa ra những định hướng, giải pháp với tầm nhìn dài hạn.

May 10 là thương hiệu Việt được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Viết Thành


Cần đáp ứng nhiều tiêu chí

Theo Bộ Công thương, DN và sản phẩm muốn đạt thương hiệu quốc gia phải đáp ứng nhiều tiêu chí, trong đó có 6 tiêu chí chính: Quy trình sản xuất và quản trị kinh doanh hiện đại, đáp ứng các yêu cầu, quy định của các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong từng thời kỳ. Sản phẩm được sản xuất và cung ứng bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, sử dụng nguyên vật liệu trong nước, có khả năng xuất khẩu và thay thế sản phẩm nhập khẩu. Chất lượng sản phẩm được bảo đảm bằng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và được công nhận theo các quy định hiện hành. Thiết kế và công năng sử dụng có tính ưu việt và sáng tạo. Thương hiệu sản phẩm được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ Việt Nam và được sở hữu bởi các DN, tổ chức kinh doanh thành lập tại Việt Nam. Cuối cùng, DN phải có chiến lược xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu; có bộ máy chuyên trách quản trị thương hiệu; sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường nội địa và kim ngạch xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tập trung hỗ trợ DN nâng cao nhận thức về xây dựng, quảng bá thương hiệu tại thị trường trong và ngoài nước. Riêng mặt hàng nông sản, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) sẽ ưu tiên hỗ trợ DN tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan giúp DN xây dựng, đăng ký bảo hộ, chỉ dẫn địa lý. Bộ sẽ tổ chức tập huấn, đào tạo, hỗ trợ chia sẻ thông tin, kết nối với hệ thống các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để giúp các DN đạt "Thương hiệu quốc gia Việt Nam" có điều kiện phát triển và quảng bá thương hiệu của mình. Tuy nhiên, khi điều kiện đầu tư của Nhà nước còn hạn chế, thì việc chủ động tham gia tích cực và quyết tâm của các DN là điều kiện quan trọng, để chương trình thương hiệu quốc gia mang lại hiệu quả tích cực nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng thương hiệu quốc gia: Cần sự tích cực, chủ động của doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.