Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm toán tại các doanh nghiệp nhà nước: Phát hiện hàng loạt sai phạm tài chính

Hương Ly| 01/09/2016 06:44

(HNM) - 6.220 tỷ đồng là tổng số tiền thuế và các khoản phải nộp ngân sách của các tập đoàn, tổng công ty buộc điều chỉnh tăng thêm sau kiểm toán năm 2015. Cùng với đó, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cũng phát hiện nhiều sai phạm về quản lý tài chính tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) như: Làm ăn thua lỗ, quản lý tài sản công lỏng lẻo gây thất thu lớn, góp phần đẩy tỷ lệ bội chi ngân sách tăng cao.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam là một trong những đơn vị kinh doanh thua lỗ nhiều nhất. Ảnh: Tiến Mạnh


Làm ăn thua lỗ, nợ khó đòi tăng cao

Kết quả kiểm toán năm 2015 tại 234 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, do KTNN vừa công bố cho thấy, 5/38 đơn vị làm ăn thua lỗ. Trong đó, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam lỗ hơn 3.478 tỷ đồng, Tổng công ty 15 (Bộ Quốc phòng) lỗ hơn 471 tỷ đồng, Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam lỗ hơn 131 tỷ đồng, Tổng công ty Mía đường II lỗ hơn 15 tỷ đồng... Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2014 của nhiều doanh nghiệp giảm mạnh, trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giảm 10,45%, Vinaconex giảm 3,3%.

Nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ dẫn đến nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn, như: MobiFone có 331 tỷ đồng (chiếm 30,4% nợ phải thu), Hapro 376 tỷ đồng, Vinataba 86 tỷ đồng… Riêng MobiFone chưa thực hiện đúng doanh thu, chi phí, chưa thực hiện đầy đủ các quy định về khuyến mãi, về xác định và báo cáo giá thành. KTNN cũng chỉ rõ, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty đều phải vay vốn ngân hàng, hệ số nợ phải trả cao, đầu tư vào bất động sản thất bại, phản ánh không đúng thu chi.

Qua kiểm toán, các khoản thuế và các khoản phải nộp ngân sách của các tập đoàn, tổng công ty được điều chỉnh tăng thêm 6.220 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam phải nộp thêm gần 4.563 tỷ đồng, Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP Hồ Chí Minh phải nộp thêm 758 tỷ đồng; Tổng công ty Bia rượu, Nước giải khát Hà Nội phải nộp thêm 210 tỷ đồng; MobiFone phải nộp thêm 201 tỷ đồng; Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam phải nộp thêm 128 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải nộp thêm 99 tỷ đồng...

Nhiều sai phạm trong chi ngân sách

Theo báo cáo kiểm toán năm 2015, tình trạng chi ngân sách vượt trần, quản lý tài chính lỏng lẻo diễn ra phổ biến tại các bộ, ngành, địa phương. 16/50 địa phương được kiểm toán cho thấy: Đã sử dụng nguồn dự phòng cho một số nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp bách; một số địa phương hụt thu ngân sách cấp tỉnh hoặc ngân sách cấp huyện nhưng không thực hiện rà soát, cắt giảm nhiệm vụ chi theo quy định. KTNN đã kiến nghị 21/50 tỉnh, thành phố phải hoàn trả nguồn hơn 1.600 tỷ đồng.

Về các sai phạm chi ngân sách, Phó Tổng KTNN Cao Tấn Khổng cho biết, một số đơn vị chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý, mua sắm, sửa chữa tài sản công, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, vượt định mức về số lượng ô tô. Đặc biệt, một số địa phương mua ô tô không phù hợp với mục đích trang bị; điều chuyển ô tô cho đơn vị không có tiêu chuẩn được trang bị xe. Nhiều đơn vị chưa hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa xử lý dứt điểm tình trạng nhà, đất bị lấn chiếm nhiều năm.

Tại cuộc họp báo công bố kết quả kiểm toán năm 2015 mới đây, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp KTNN Đào Văn Dũng cho biết, kiến nghị xử lý tài chính do KTNN đề xuất thực hiện đến tháng 5 năm 2016 là 14.733 tỷ đồng, đạt 64,3% tổng số kiến nghị (năm 2013 là 63,1%), trong đó kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước là 5.880 tỷ đồng, đạt 75% (năm 2013 là 66,2%). Sau khi thực hiện kiểm toán năm 2015, KTNN đã kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các đơn vị được kiểm toán thực hiện kiến nghị của KTNN đối với niên độ ngân sách 2014 là 19.863,5 tỷ đồng. Đơn vị cũng kiến nghị hủy bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung 103 văn bản không phù hợp với quy định chung của Nhà nước.

Theo báo cáo kiểm toán năm 2015, bội chi ngân sách nhà nước năm 2014 là 249.362 tỷ đồng, vượt 25.362 tỷ đồng so với mức Quốc hội quyết định, bằng 6,33% GDP thực tế. Dù tỷ lệ này giảm so với mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2013 (6,6%) nhưng không phù hợp với định hướng giảm bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015. Báo cáo kiểm toán cho biết, ngân sách nhà nước năm 2014 có mức chi thường xuyên theo dự toán Quốc hội quyết định và Chính phủ giao là hơn 704.000 tỷ đồng, quyết toán hơn 723.000 tỷ đồng (tăng 2,7%).
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm toán tại các doanh nghiệp nhà nước: Phát hiện hàng loạt sai phạm tài chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.