Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẩn trương loại bỏ tâm lý e ngại

Ánh Tuyết| 14/10/2016 06:31

(HNM) - Mặc dù hoạt động đổi mới sáng tạo đã được khẳng định là xu thế tất yếu để doanh nghiệp (DN) tồn tại và phát triển, nhưng không phải DN nào cũng có thể triển khai thành công. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, kinh nghiệm từ các nước đi trước là vô cùng quý giá đối với Việt Nam và DN Việt cần kiên quyết


Khó đổi mới vì thiếu liên kết

Tại Việt Nam, nhiều DN gặp khó khăn trong việc áp dụng thành quả nghiên cứu khoa học - công nghệ (KH-CN) và đổi mới sản xuất kinh doanh. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này. Trước hết, 95% DN của Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chỉ hướng tới một mảng thị trường rất hạn chế. Không ít chủ DN chưa được đào tạo bài bản, chủ yếu kinh doanh dựa trên kinh nghiệm, một phần trong số đó không chịu đổi mới, thậm chí coi đó là đi ngược lại so với truyền thống. Trong khi đó, việc vận dụng tiến bộ KH-CN đòi hỏi các DN cần liên kết lại, tạo ra một quy mô “tới hạn” để tăng năng lực cạnh tranh. Một nhà kinh tế đưa ra ví dụ: Một DN nuôi một triệu con gà có thể ký hợp đồng cung ứng thức ăn gia súc trực tiếp với nhà máy thức ăn gia súc và nhờ đó, chi phí đầu vào có thể giảm ít nhất 5%. Trong khi đó, những DN chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn phải mua thức ăn gia súc qua nhiều tầng thương lái với chi phí cao và chất lượng không bảo đảm. Vì vậy, những DN này nên liên kết với nhau.

Ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất tại Công ty TNHH Tâm Hợp (Sóc Sơn).
Ảnh: Viết Thành



Khó khăn trong chuyển giao công nghệ cũng là một trong những lý do khiến không ít DN chậm đổi mới. Theo Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH-CN, tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ hiện chỉ đạt dưới 0,05% doanh thu. Trong khoảng 300 nghìn DN tại Việt Nam, có đến 98% là vừa và nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới. Tuy nhiên, hầu hết doanh thu của các DN vừa và nhỏ chỉ ở mức vài tỷ đồng/năm, chưa đủ để đầu tư cho KH-CN. Mặc dù DN có thể lập quỹ dành cho nghiên cứu khoa học, nhưng thực tế cho thấy nguồn kinh phí này rất ít khi được sử dụng. Nhiều DN có quan niệm rằng, nguồn kinh phí từ quỹ này giống như từ ngân sách nhà nước, tức là nhiều thủ tục, khó sử dụng.

Con đường duy nhất

Theo Bộ KH&CN, hiện có tới hơn 80% số DN không theo đuổi hoạt động nghiên cứu và phát triển KH-CN, vì vậy, phải có những hành động cụ thể và chính sách đột phá để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.

Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ Ngô Văn Mơ cho rằng: Tất cả các DN phải dành nguồn kinh phí để thành lập Quỹ Phát triển KH-CN trong DN, hoặc không thành lập quỹ thì có thể góp chung với quỹ của địa phương, bộ, ngành để hỗ trợ cho các DN có đóng góp.

Về phía DN, ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Chế tạo máy dược phẩm Tiến Tuấn, cho biết: Nhiều lãnh đạo DN rất ngại đổi mới công nghệ vì cho rằng đầu tư thì chi phí đội lên cao, sẽ khó bán sản phẩm. Họ không muốn đối diện với rủi ro. “Nếu chúng ta không xác định yếu tố KH-CN quyết định đến sức cạnh tranh của sản phẩm trên thương trường thì DN không thể dũng cảm đầu tư được”, ông Vũ Anh Tuấn khẳng định. Còn theo ông Nguyễn Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty TNHH Tư vấn y dược quốc tế (IMC), Nhà nước đã vào cuộc rất quyết liệt nhưng chưa tác động được vào các DN, vì chưa có bài toán phân tích cụ thể để các DN yên tâm đầu tư vào công nghệ cao. Ông Nguyễn Xuân Hoàng cũng nhấn mạnh: Không nhất thiết năm nào cũng phải đầu tư 10% lợi nhuận trước thuế cho nghiên cứu KH-CN, mà có thể dựa theo tình hình thực tế để quyết định đầu tư nhiều hoặc ít hơn. Đặc biệt, hiện nay, các DN được khuyến khích trích 10% lợi nhuận trước thuế cho công tác nghiên cứu khoa học, trong thời gian tới, cần có chế tài bắt buộc thực hiện việc này.

Điều đáng mừng là ở Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện làn sóng khởi nghiệp từ KH-CN. Đây là mô hình hội tụ các nhà khoa học và DN để tìm tiếng nói chung. Ông Trần Quốc Thắng, Giám đốc Ban quản lý dự án đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu KH-CN (FIRST), Bộ KH&CN, cho biết: Trên tinh thần thực hiện hiệp định đã được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới, thông qua các nội dung tài trợ của mình (dưới hình thức đối ứng), Dự án FIRST đang đồng hành với DN để chia sẻ những thách thức trong quá trình nghiên cứu, đổi mới sáng tạo công nghệ, thí điểm việc đưa những sản phẩm có hàm lượng công nghệ tiên tiến “made in Việt Nam” vào thị trường. Chủ trương hỗ trợ này nhằm “kích hoạt” các DN mạnh dạn đầu tư phần tài chính của mình cho hoạt động đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy sự chuyển biến về quan điểm đầu tư cho việc đổi mới công nghệ, phục vụ nâng cao năng lực cạnh tranh trực tiếp của chính DN, đồng thời góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khẩn trương loại bỏ tâm lý e ngại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.