Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần bắt tay, hợp tác, cùng có lợi

Hồng Sơn| 14/11/2016 06:51

(HNM) - Công bố mới nhất của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho thấy, hiện có tới 35% số doanh nghiệp (DN) dân doanh, chủ yếu là DN quy mô nhỏ và vừa vay vốn từ nguồn phi chính thức.

Đây là biện pháp bất đắc dĩ để DN có vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nguyên nhân thì có nhiều, như tâm lý ngại thủ tục phức tạp; thiếu tài sản thế chấp hoặc có tài sản, nhưng không đủ mức cần thiết; tâm lý e ngại mang nợ; thích vay từ các nguồn xã hội có yếu tố quan hệ thân hữu, gia đình… Điều đáng quan tâm là, tỷ lệ này cao hơn so với tỷ lệ DN vay từ nguồn ngân hàng là 25%. Thực tế đó đặt ra câu hỏi về việc có điều gì đáng lo ngại và có nên khuyến khích hoạt động này không?

Theo các chuyên gia, một xã hội phát triển theo hướng lành mạnh, tôn trọng pháp luật và hành xử chuẩn mực thì ngân hàng luôn đóng vai trò là nơi cung cấp vốn, là niềm tin để DN thực hiện các nguồn vay. Bởi, khế ước vay luôn có giá trị pháp lý đầy đủ, với những quy định bảo đảm sự công bằng và ràng buộc giữa hai bên vay - cho vay vốn. Ngược lại, nếu vay từ nguồn không chính thức sẽ tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi, có thể phát sinh đột ngột, gây ảnh hưởng hoặc hậu quả tiêu cực cho các bên liên quan. Từ đó, có thể gây hỗn loạn, tổn hại đến trật tự xã hội, vì vậy không nên khuyến khích.

Thiết nghĩ, nhu cầu vay vốn của DN để phục vụ sản xuất, kinh doanh là chuyện đương nhiên. Vấn đề đặt ra là các cấp có thẩm quyền cần nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường tuyên truyền để DN nâng cao nhận thức, hướng tới cách nghĩ tích cực, chuẩn mực nhằm bảo đảm quyền lợi của họ cũng như sự ổn định xã hội. Tóm lại, cần tạo điều kiện để DN và ngân hàng tự nguyện bắt tay, hợp tác hiệu quả thay vì nêu ra những hạn chế, rủi ro của vay vốn từ nguồn không chính thức.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần bắt tay, hợp tác, cùng có lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.