Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phong trào khởi nghiệp tại TP Hồ Chí Minh: Đã bắt kịp xu hướng thế giới?

Đặng Loan| 01/09/2017 07:08

(HNM) - Theo các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam năm nay đã bắt đầu bắt kịp guồng của startup trên thế giới.

Sàn giao dịch vận tải Gonow thuyết trình dự án với Ban giám khảo cuộc thi khởi nghiệp 2017.


Nhiều mô hình sáng tạo

120 mô hình khởi nghiệp tiêu biểu trên cả nước trưng bày tại Ngày hội Khởi nghiệp - Startup Day 2017 đã giới thiệu một bức tranh mới mẻ về xu hướng khởi nghiệp tại Việt Nam. Ngoài những dự án trong lĩnh vực công nghệ quen thuộc như thương mại điện tử, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ…, các mô hình khởi nghiệp năm nay thể hiện xu hướng mới lạ hơn như AI (công nghệ trí tuệ nhân tạo), FinTech (công nghệ tài chính), Edutech (công nghệ giáo dục), Thực tế ảo, Robot tự động hóa… Đặc biệt, có nhiều dự án khởi nghiệp trong những lĩnh vực có tác động xã hội cao như dự án giao thông thông minh kết nối công nghệ đỗ xe giúp người dùng tìm kiếm bãi đỗ trong điều kiện đô thị chật chội của nhóm PakMe; sàn giao dịch vận tải hành khách của nhóm Gonow; hệ thống camera thông minh của nhóm Ngỗng Trắng; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo giúp doanh nghiệp tư vấn - chăm sóc - bán hàng của nhóm Hana…

Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty Retail & Branchise Asia World Branchise Association, thành viên Ban giám khảo cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp - Startup Wheel 2017 đánh giá, chất lượng các dự án năm nay vượt trội hơn năm ngoái, mang đúng ý nghĩa startup hơn. Theo bà Nguyễn Phi Vân, nếu trước đây startup mang tâm lý chiếm lĩnh thị trường nội địa, ít quan tâm đến xu hướng tiêu dùng của sân chơi khu vực và thế giới thì hiện đã có nhiều thay đổi. Các dự án sử dụng đúng xu hướng kinh tế chia sẻ, sử dụng công nghệ để nối những tài nguyên sẵn có lại với nhau, sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản phẩm dịch vụ.

“Startup trên thế giới hiện nay là sử dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hướng vào thay đổi những sản phẩm dịch vụ sẵn có. 30 dự án vào vòng chung kết cuộc thi Startup Wheel 2017 đều sử dụng ứng dụng công nghệ theo đúng xu hướng này. Có thể thấy, các bạn trẻ đã bắt đầu bắt kịp guồng của startup trên thế giới”, bà Nguyễn Phi Vân chia sẻ.

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp

Để cộng đồng khởi nghiệp tiếp tục phát triển vững mạnh, có những dự án “sống” được ở thị trường, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Hiện TP Hồ Chí Minh cũng đang có nhiều chương trình hỗ trợ, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp. Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (SIHUB - thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh) hiện là cầu nối để cộng đồng khởi nghiệp có thể tận dụng được các nguồn lực công, tài chính… nhằm phát triển các dự án khởi nghiệp. SIHUB sẽ hỗ trợ các dự án đang trong giai đoạn phát triển sản phẩm, những dự án đạt kết quả cao trong các cuộc thi khởi nghiệp hoặc tốt nghiệp từ các vườn ươm khởi nghiệp... Các dự án làm việc tại SIHUB được hưởng các hỗ trợ về hạ tầng, tài chính, đào tạo nâng cao năng lực, được kết nối với các cố vấn, nhà đầu tư...

Ngoài ra, thành phố còn có Quỹ đầu tư khởi nghiệp và sáng tạo (HSIF) do Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP Hồ Chí Minh và Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP Hồ Chí Minh (HFIC) cùng sáng lập. Đây là quỹ dành cho cộng đồng khởi nghiệp tại TP Hồ Chí Minh với số vốn dự kiến là 100 tỷ đồng vào năm 2020… Thành phố cũng vừa xây dựng Trung tâm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (CSED). Trung tâm này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, cung cấp các phần mềm quản lý; cung cấp các dịch vụ phục vụ khởi nghiệp như không gian làm việc, dịch vụ báo cáo thuế, hải quan… Những hỗ trợ trên là “lực đẩy” cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tại Ngày hội Khởi nghiệp vừa qua, ông Hà Văn Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn TCS cho biết, TCS vừa được thành phố duyệt tài trợ 700 triệu đồng trong chương trình hỗ trợ khởi nghiệp để thực hiện Đề án Phát triển bộ sản phẩm máy hơ ngải cứu và nhang ngải cứu, một dự án sử dụng dược liệu và các sản phẩm cổ truyền để trị bệnh. “Sự hỗ trợ kịp thời này là động lực và nguồn lực cho những công ty khởi nghiệp trẻ của chúng tôi có thể bước ra cạnh tranh trên thị trường”, ông Lộc bày tỏ.

Dù vậy, cộng đồng khởi nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn thách thức. Theo các nhà kinh tế, ngoài vốn, thị trường… các doanh nghiệp khởi nghiệp còn gặp những vướng mắc khác như các ngành nghề mới, sáng tạo, chưa có trong hệ thống ngành nghề được Chính phủ quy định nên việc đáp ứng các điều kiện kinh doanh không phải lúc nào cũng thuận lợi. Những vướng mắc này nếu không tháo gỡ kịp thời có thể khiến startup non trẻ vuột mất cơ hội. Hiện các ý tưởng sáng tạo rất nhiều, tuy nhiên để hiện thực hóa các ý tưởng này, đặc biệt là để “sống” được trên thị trường, cộng đồng khởi nghiệp rất cần Nhà nước ngoài hỗ trợ tài chính, công cụ… còn nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp lý, đáp ứng đủ và kịp thời cho các ngành nghề mới, sáng tạo của các startup.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phong trào khởi nghiệp tại TP Hồ Chí Minh: Đã bắt kịp xu hướng thế giới?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.