Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kết quả hoạt động một số dự án thua lỗ ngành Công Thương có cải thiện

Khánh Khoa| 25/09/2017 06:53

(HNM) - Theo Bộ Công Thương, trong 12 dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả đang phải xử lý theo chỉ đạo của Chính phủ, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có 4 dự án...


Hiện, 4 dự án này đã hoạt động, thời gian chạy máy đạt 19 - 24 ngày. Trừ Nhà máy Đạm Ninh Bình đang dừng sản xuất để sửa chữa lớn theo kế hoạch, 3 nhà máy còn lại đang vận hành với phụ tải trên 80%. Kết quả sản xuất - kinh doanh tiếp tục cải thiện. Từ tháng 8-2017, Công ty cổ phần DAP - Vinachem đã có lãi trong kỳ khoảng 4 tỷ đồng, tháng 9-2017 ước lãi 6,766 tỷ đồng, dự kiến cuối năm 2017 có lãi lũy kế. Tuy nhiên, 3 đơn vị còn lại vẫn lỗ, do gặp nhiều khó khăn vì giá nguyên liệu cao, trong khi giá sản phẩm thấp và nhiều chính sách chưa được áp dụng.

Đối với 5 dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), Bộ Công Thương đã chỉ đạo tập đoàn khẩn trương xem xét, xây dựng phương án tái khởi động Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất và Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước, để có thể cung cấp sản phẩm ethanol (E100) ra thị trường từ đầu năm 2018. Đến nay, đã có 4 nhà đầu tư đăng ký tham gia, 1 nhà đầu tư đã nộp hồ sơ đề xuất hợp tác kinh doanh. Có 2 đối tác mong muốn hợp tác vận hành lại nhà máy.

Về Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVtex), tình trạng vẫn đang rất khó khăn, chưa khởi động lại. Trong khi đó, tại Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất, trong 8 tháng năm 2017, số lãi chỉ đạt 19,63 tỷ đồng; nếu không có một khoản hoàn nhập tiền trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi ở những năm trước thì còn tiếp tục lỗ 26,26 tỷ đồng.

Đối với Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, hiện vẫn “đắp chiếu”. Tuy nhiên, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước đã hoàn thành rút 1.000 tỷ đồng vốn theo chỉ đạo của Chính phủ. Việc quyết toán với nhà thầu Trung Quốc vẫn chưa hoàn thành. Trong khi, Dự án Nhà máy Thép Việt - Trung (VTM), 9 tháng năm 2017 lãi 163 tỷ đồng. Tuy nhiên, VTM vẫn còn nhiều khó khăn

về nguyên liệu, nhiên liệu tăng mạnh, chi phí tài chính, khấu hao lớn, cân đối trả nợ, khả năng thanh toán còn thấp… Bộ Công Thương cũng quyết định tiếp tục góp vốn để đầu tư dây chuyền cán thép công suất 500.000 tấn/năm, nguồn vốn thực hiện do các bên liên doanh tự góp 30%, vay thương mại 70%. Hiện, VTM đã hoàn thành thiết kế cơ sở trình Bộ Công Thương thẩm định.

Đối với Nhà máy Bột giấy Phương Nam, đến nay Tổng công ty Giấy Việt Nam đã tổ chức bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho 2 lần, nhưng đều không thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết quả hoạt động một số dự án thua lỗ ngành Công Thương có cải thiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.