Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Hồng Sơn| 11/10/2017 07:09

(HNM) - Doanh nghiệp trong thế kỷ XXI, gắn liền với những giá trị cốt lõi, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững là định hướng và khát vọng chính đáng của mỗi đơn vị sản xuất, kinh doanh. Đó là nội dung chủ đạo được chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam...


Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, để tồn tại mỗi đơn vị đều cố gắng nắm bắt, tận dụng cơ hội; từ sự hỗ trợ của Chính phủ cũng như các yếu tố khách quan, chủ quan khác. Đặc biệt, trước yêu cầu hội nhập quốc tế và đòi hỏi của sự thay đối lớn về công nghệ, gắn liền với giá trị nhân văn thì các doanh nghiệp đang chuyển dần sang trạng thái phát triển cao hơn là phát triển bền vững. Đây là mục tiêu tối thượng, phù hợp với quy luật phát triển của nhân loại tiến bộ cũng như xét về trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp, doanh nhân với xã hội. Mục tiêu đặt ra là doanh nghiệp chủ động bảo đảm phát triển bền vững gắn chặt với một số mục tiêu cơ bản, quan trọng như: Tôn trọng và bảo vệ môi trường; chia sẻ quyền lợi, vì con người; giảm thiểu mức sử dụng tài nguyên, năng lượng; cải thiện môi trường lao động; chủ động tham gia phòng, chống và thích ứng với biến đổi khí hậu...

Đặc biệt, VCCI khuyến nghị, các doanh nghiệp cần tìm hiểu, tự giác thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững cụ thể, trong đó có việc xóa nghèo; khai thác hợp lý tài nguyên nước; giảm tình trạng bất bình đẳng; hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; công nghiệp đổi mới và cơ sở hạ tầng... Đây là “thước đo” để mỗi đơn vị soi vào, tìm biện pháp phù hợp để từng bước đáp ứng. Xét rộng hơn, các chuyên gia cho rằng, mỗi doanh nghiệp cần nghĩ đến yêu cầu này ngay từ khi mới khởi nghiệp và đó là phương cách tối ưu để bước vào thị trường và phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, Việt Nam đã cùng các nước ký thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và cam kết thực hiện nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm; trong đó tập trung nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác tài nguyên, bảo vệ thiên nhiên, chống biến đổi khí hậu để bảo vệ môi trường. Việt Nam cam kết cắt giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 bằng nguồn lực của mình.

Các chuyên gia khuyến nghị, mỗi doanh nghiệp, mà đứng đầu là doanh nhân lãnh đạo cần tìm hiểu, hòa mình vào mục đích phát triển bền vững bằng hành động thiết thực, phù hợp. Đó là đầu tư ứng dụng công nghệ mới, cho phép tiết kiệm năng lượng; hơn thế là sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Tùy hoàn cảnh, điều kiện hay lĩnh vực mà các đơn vị có thể lựa chọn cách vào cuộc khác nhau; đơn cử nếu làm nông nghiệp thì phải biết giảm thiểu phân bón hóa học, thực hành canh tác đúng quy trình kỹ thuật, giảm tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu, tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước... theo chuẩn quốc tế. Đây cũng là cách làm khôn ngoan, hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và qua đó sẽ xây dựng được hình ảnh, uy tín cho mình.

Về phía mình, doanh nghiệp cũng nêu những việc làm thiết thực nhằm bảo đảm phát triển bền vững. Đơn cử, ông Leo Evers, Tổng giám đốc Công ty Heineken Việt Nam cho biết, Công ty chủ động giảm mức sử dụng nước cũng như hạn chế mức xả chất thải, nước thải để đáp ứng yêu cầu sản xuất xanh và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, Heineken luôn ưu tiên sử dụng nguồn lực ngay tại địa phương, cả về nguyên liệu và con người.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.