Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo môi trường để doanh nghiệp phát triển

Hà Phong| 27/01/2018 07:50

(HNM) - Trong thời gian qua, mặc dù số lượng ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp rất lớn, nhưng Chính phủ, bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo các địa phương đã tích cực chỉ đạo giải quyết, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Số lượng kiến nghị rất lớn

Thời gian qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tiếp nhận và chuyển tới các cơ quan 1.152 kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có 954 kiến nghị được xử lý, giải quyết, trả lời, đạt tỷ lệ 82,4%. Các kiến nghị chưa được xem xét, giải quyết chủ yếu là các vấn đề chung về môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, sửa đổi pháp luật, cơ chế chính sách đang được các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu.

Các bộ, ngành đã tập trung cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển. Ảnh: Mạnh Hùng


Bên cạnh đó, tại hệ thống tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ do Văn phòng Chính phủ điều hành (www.doanhnghiep. chinhphu.vn) đã tiếp nhận và chuyển các bộ ngành, địa phương 891 kiến nghị từ các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp. Trong đó có 735 kiến nghị đã được xử lý, giải quyết và trả lời (đạt 82,49%). Ngoài ra, có 211 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ tướng Chính phủ hoặc phải giải quyết theo quy trình khiếu nại, tố cáo đã được Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ xử lý theo quy trình khiếu nại, tố cáo theo quy định.

Từ những băn khoăn của các đơn vị cho thấy, vấn đề được kiến nghị nhiều nhất vẫn là cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Phần lớn kiến nghị tập trung vào cải tiến thủ tục thuế, hải quan, tiếp cận đất đai, thanh tra, kiểm tra, môi trường; tinh thần, thái độ phục vụ của các công chức làm việc trong lĩnh vực trên. Trong đó có nhiều đề xuất như, kiến nghị các cơ quan nhà nước bình đẳng với các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; tập trung phát huy hiệu quả các quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa... Các doanh nghiệp cũng kiến nghị bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh... Qua kiến nghị của doanh nghiệp phản ánh thực tế, có quy định được soạn thảo, ban hành hoặc thực thi bởi ít nhất 10 bộ chuyên ngành.

Nâng cao trách nhiệm giải trình

Trong bối cảnh có đến 35% doanh nghiệp đang dành trên 10% quỹ thời gian để thực hiện thủ tục hành chính, việc Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương mở thêm nhiều kênh thông tin để lắng nghe, phản hồi ý kiến đã giúp cộng đồng doanh nghiệp có thêm hứng khởi, niềm tin và tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Năm 2017 đã có gần 120.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 14% so với năm 2016. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI cũng cao nhất trong 10 năm, vốn thực hiện trên 17,5 tỷ USD. Môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới nhờ vào hàng loạt cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó có 24.349 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Theo VCCI, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, UBND TP Hà Nội… là những bộ, ngành, địa phương trả lời kiến nghị của doanh nghiệp khá kịp thời và đầy đủ. Đặc biệt, hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp có địa chỉ tại www. doanhnghiep.chinhphu.vn trực tiếp do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chỉ đạo thực hiện có những phản hồi nhanh. Các câu hỏi, thông tin tiếp cận của doanh nghiệp với Chính phủ; các câu trả lời của Chính phủ giải đáp cho vướng mắc của doanh nghiệp được đăng tải công khai, minh bạch để bất cứ ai quan tâm cũng có thể truy cập. Văn phòng Chính phủ đã nhận được 39 thư cảm ơn của doanh nghiệp và các tổ chức, hiệp hội.

Tuy vậy, nhìn tổng thể, chất lượng trả lời kiến nghị vẫn cần quan tâm; không phải nội dung trả lời nào cũng được giải quyết ngay vướng mắc, nhất là những phản ánh cần sự hỗ trợ của liên ngành. Thậm chí, có kiến nghị trả lời nhiều lần, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thấy sự vào cuộc đều tay của cơ quan quản lý như giải trình của Bộ Giao thông - Vận tải với kiến nghị của Công ty cổ phần Công nghệ Việt - Séc về việc đăng kiểm cano (mã hiệu sản xuất H30 và H38 của Công ty cổ phần Công nghệ Việt - Séc) có sức chở trên 12 người. Sự lúng túng của bộ chủ quản đã dẫn đến không thể khuyến khích việc áp dụng công nghệ, vật liệu mới trong sản xuất cano…

Thực tế trên cho thấy, để nâng cao trách nhiệm giải trình cần gắn với việc xây dựng chế tài cụ thể trong các trường hợp tiếp nhận và xử lý quá hạn. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, với những kiến nghị đã giải quyết, nhưng vẫn không nhận được sự đồng tình, Văn phòng Chính phủ tiếp tục là đầu mối đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc. Đồng thời đây phải là cơ quan nghiên cứu, giải quyết những nội dung các bộ, ngành, địa phương không thống nhất được phương án xử lý với sự tư vấn của các chuyên gia pháp luật có uy tín, trình độ, kinh nghiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo môi trường để doanh nghiệp phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.