Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cán bộ - khâu then chốt trong việc thực hiện mọi nhiệm vụ

Theo Báo Điện tử ĐCSVN| 12/02/2013 11:32

Điểm nhấn trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Hà Nội năm 2012 là công tác cán bộ. Hà Nội luôn xác định đây là khâu then chốt để thủ đô thực hiện thành công nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đề ra...

Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Thành ủyHà Nội. Ảnh: TH


Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hà Nội cho biết: Thành ủy Hà Nội tiến hành rất chủ động, nghiêm túc và tự giác việc tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Trong quá trình triển khai, tinh thần là cấp ủy cấp trên phải làm nghiêm túc để nêu gương cho cấp dưới. Tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của Thành phố đã tạo được không khí dân chủ, khơi dậy được tinh thần tự giác, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng ở nhiều cơ quan, đơn vị; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ; ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên được nâng lên.

Ngoài 3 nội dung lớn mà Nghị quyết Trung ương đã nêu, Thành ủy Hà Nội rất coi trọng chú ý kiểm điểm sâu. Ví dụ, ngay trong Ban Thường vụ thì ngoài khuyết điểm chung, Ban cán sự Đảng UBND Thành phố phải có trách nhiệm giải trình về yếu kém, khuyết điểm của các cấp chính quyền trong việc chỉ đạo, quản lý, điều hành công việc hằng ngày. Trong đó, các yếu kém, khuyết điểm nổi lên tương đối rõ như quản lý quy hoạch, đất đai, việc phê duyệt các dự án. Tiếp đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức trong quá trình giao tiếp, làm việc với người dân, doanh nghiệp thái độ chưa làm hết trách nhiệm, thậm chí có nhũng nhiễu, tiêu cực. Giải trình đó của Ban cán sự Đảng UBND Thành phố là một yêu cầu kiểm điểm sâu.

Tương tự như vậy, với các Đảng bộ trực thuộc, mặt yếu kém nào nổi lên nhiều thì Ban Thường vụ Thành ủy gợi ý kiểm điểm việc đó. Quá trình này làm cho việc kiểm điểm có địa chỉ cụ thể. Nó gắn với trách nhiệm, gắn với việc đánh giá chất lượng công việc lâu nay và rất chú ý lắng nghe dư luận của xã hội, của nhân dân. Dư luận xã hội, doanh nghiệp, nhân dân, người ta kêu ca phàn nàn về cái gì ở từng Sở như: Quy hoạch Kiến trúc, Kế hoạch – Đầu tư, Tài chính... Hà Nội tập hợp tất cả những dư luận, ý kiến đó để gợi ý cho các đơn vị kiểm điểm sâu và nhờ đó, chất lượng kiểm điểm, tự phê bình của tập thể cũng như cá nhân có chiều sâu và rất cụ thể.

Đồng chí Phạm Quang Nghị khẳng định, qua kiểm điểm, một số mặt công tác của Thành phố nói chung, của nhiều cơ quan, đơn vị nói riêng đã có chuyển biến tích cực, không chỉ ở trong nhận thức mà cả ở việc làm. Hà Nội đã góp ý cho nhau, kể cả tập thể và cá nhân về những yếu kém, khuyết điểm. Từng đồng chí một, ai cũng hiểu là thời gian qua mình đã có khuyết điểm, điểm yếu nào và phải tập trung vào đó để sửa. Tinh thần trách nhiệm trong công việc, ý thức phục vụ nhân dân, giao tiếp với doanh nghiệp, nhân dân ngày càng tốt lên. Tiếng kêu ca thì vẫn còn, song so với trước đã bớt đi. Thời gian giải quyết công việc đã nhanh hơn; đặc biệt, quy trình thủ tục đã được chú ý rà soát nghiêm túc, thận trọng và đúng quy định hơn. Ví dụ, về xử lý vi phạm trật tự đô thị, trật tự xây dựng: Khi một hiện tượng vi phạm nghiêm trọng xảy ra, ngoài việc báo chí, dư luận xã hội lên tiếng; nhờ có Nghị quyết Trung ương 4, việc chỉ đạo, yêu cầu khắc phục, sửa chữa quyết liệt, sát sao hơn, ý thức chấp hành cũng tốt hơn. Qua đó, không chỉ xử lý đối với người vi phạm mà đã xử lý kỷ luật những cán bộ trực tiếp có liên quan.

Trên các lĩnh vực khác, việc chấp hành các chủ trương chỉ đạo của Thành ủy nghiêm túc hơn, có tác động tích cực trong đời sống xã hội, như việc thực hiện Chỉ thị số 11 của Thành ủy về tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới theo tinh thần vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm; việc tạm ngừng đi công tác nước ngoài; việc tăng cường cải cách hành chính....

Cán bộ - khâu then chốt trong việc thực hiện mọi nhiệm vụ

Điểm nhấn trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Hà Nội năm 2012 là công tác cán bộ. Hà Nội luôn xác định đây là khâu then chốt để thủ đô thực hiện thành công nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, giúp thành phố luôn tăng trưởng mạnh. Thành phố chú trọng và nâng cao chất lượng đào tạo con người để vận hành bộ máy nhịp nhàng, đồng bộ. Trong năm 2012, chỉ riêng cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ quản lý đã có 31 người được luân chuyển. Thành phố kết nạp gần 13.000 đảng viên mới; triển khai đề án đào tạo 1.000 cán bộ nguồn đến năm 2020 và hàng trăm cán bộ được học tập nâng cao kiến thức quản lý.

Mới đây nhất là việc Hà Nội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 20 đồng chí cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Thành phố. Tinh thần chủ động, tự giác này của Hà Nội đã được Trung ương đánh giá cao, có việc đã tạo ảnh hưởng lan tỏa trong cả nước. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, giống như người đi học phải trải qua thi cử, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với cán bộ là thử thách mà mỗi người phải vượt qua, đồng thời cũng là cơ hội để cán bộ có năng lực khẳng định mình. Việc xuất hiện tâm lý băn khoăn, lo lắng của những người được đưa ra lấy phiếu cũng hết sức bình thường. Nhưng nếu người cán bộ không màng danh lợi cá nhân, thực lòng phấn đấu, cống hiến vì sự nghiệp chung thì không có gì phải lo ngại và họ sẵn sàng đón nhận. Sự tín nhiệm cao hay thấp của tập thể đánh giá mỗi cán bộ, vừa là sự ghi nhận, động viên, khích lệ hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa là sự nhắc nhở những người yếu kém về năng lực, phẩm chất, để kịp thời điều chỉnh. Việc làm này sẽ phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm. Cái được là rất lớn, bởi thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm, ai cũng phải thường xuyên chăm lo rèn luyện, phấn đấu.

Công việc này sẽ trở thành việc làm thường xuyên vào những năm sau. Vì vậy, Thành ủy chỉ đạo chặt chẽ và khoa học quy trình, thủ tục, tiêu chí để nhận xét, đánh giá phải bảo đảm thuận tiện cho việc thực hiện, không quá rườm rà, không quá nhiều tiêu chí. “Để đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người cán bộ, cần nhất hai tiêu chí cơ bản. Đó là năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao và phẩm chất đạo đức cá nhân. Cả hai thứ đó tổng hợp lại sẽ hình thành nên uy tín của người cán bộ trước tập thể. Được đánh giá là tốt hay không tốt, hoàn thành nhiệm vụ hay không hoàn thành nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, ai tín nhiệm nhiều thì chứng tỏ chất lượng làm việc của mình tốt và phẩm chất, đạo đức của mình được mọi người ghi nhận là tốt. Năm sau lại tiếp tục làm như vậy. Nếu 2 năm liền uy tín thấp thì sẽ phải thay. Sau một năm mà rất thấp cũng nên thay vì thật ra nếu uy tín đã rất thấp thì có cố để cũng không còn uy tín để lãnh đạo, điều hành nữa” – Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Tạo niềm tin trong những năm tiếp theo

Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu. Nhiệm vụ đặt ra cho các cấp uỷ, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp của Thành phố thời gian tới là tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) cùng với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với cải cách hành chính...; đồng thời, không tách rời khỏi việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và cá nhân mỗi cán bộ, đảng viên. Hà Nội chú trọng bằng những kết quả cụ thể, bằng những tiến bộ của cán bộ, đảng viên, bằng chất lượng công việc. Cùng với đó, Thành phố sẽ tập trung tuyên truyền nâng cao trình độ nhận thức, chú trọng khâu đào tạo và sớm bổ sung quy hoạch nguồn với những cán bộ có năng lực, tâm huyết với công việc...

Đặc biệt với chủ đề của năm 2013 được Thành phố xác định là năm “Kỷ cương hành chính”, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của các cấp, các ngành, tập thể và cá nhân cán bộ, đảng viên của thủ đô sẽ hướng mạnh vào việc tạo bước chuyển biến rõ nét về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

“Thành ủy Hà Nội chủ trương khuyến khích tinh thần đổi mới, mở rộng dân chủ, tăng cường sự công khai, minh bạch, tranh thủ sự đồng tình, hưởng ứng, giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Trên cơ sở kết quả kiểm điểm, các cấp, các ngành sẽ tiến hành xem xét, xử lý, công khai những vụ việc, cá nhân có vi phạm; đồng thời, sớm tổ chức thực hiện các giải pháp, biện pháp khắc phục thiếu sót, khuyết điểm đã được chỉ rõ, góp phần từng bước làm chuyển biến tình hình, tạo niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân” – đồng chí Phạm Quang Nghị nêu rõ/.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cán bộ - khâu then chốt trong việc thực hiện mọi nhiệm vụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.