Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng viêm não mô cầu: Đã tiêm vắc-xin AC, có cần tiêm vắc-xin BC?

Hànộimới| 07/03/2016 14:43

(HNMO) - Để độc giả hiểu rõ về bệnh viêm não mô cầu và biết cách phòng tránh, chiều 7/3, Báo Hànộimới Điện tử tổ chức buổi tư vấn trực tuyến với ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội.

Để độc giả hiểu rõ về bệnh viêm não mô cầu và biết cách phòng tránh, chiều 7/3, Báo Hànộimới Điện tử đã tổ chức buổi tư vấn trực tuyến về bệnh này. Tham gia tư vấn là ông Nguyễn Nhật Cảm-Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội.

Dưới đây là nội dung buổi tư vấn:

-Xin ông cho biết, bệnh viêm não, viêm màng nào do mô cầu là gì? Viêm não do mô cầu và viêm màng nào do mô cầu khác nhau như thế nào? (bạn Hồng Thúy, quận Cầu Giấy).

-Ông Nguyễn Nhật Cảm: Viêm màng não do não mô cầu là bệnh viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu gây nên (hay còn gọi là màng não cầu), là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, có thể lây lan thành dịch, với các biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, nôn, chóng mặt, li bì…nặng có thể hôn mê, sốc và có thể tử vong. Tỷ lệ tử vong khoảng 10-20% nếu không được điều trị kịp thời.

Vi khuẩn não mô cầu có ái tính với màng não nên thường gây viêm màng não, nhưng cũng có thể gây viêm não, hoặc kết hợp gây viêm màng não-não và thường là rất nặng nề, có thể tử vong và để lại di chứng như điếc, liệt, chậm phát triển trí tuệ, thần kinh…Vậy viêm não do não mô cầu và viêm màng não do não mô cầu là cách gọi khác nhau của bệnh viêm màng não do não mô cầu.

Ông Nguyễn Nhật Cảm tại buổi tư vấn trực tuyến tại Hànộimới điện tử

-Tôi xin hỏi: Những trường hợp nào hay mắc bệnh do não mô cầu? (độc giả Thanh Minh, quận Hoàn Kiếm)

- Ông Nguyễn Nhật Cảm:Ai cũng có thể mắc bệnh do não mô cầu nếu chưa có miễn dịch chống lại bệnh. Tuy nhiên gần đây chúng tôi thấy lứa tuổi trẻ (dưới 30) thường hay gặp hơn các nhóm tuổi khác.

-Bệnh này thường xảy ra vào mùa nào? Miền Bắc hay miền Nam dễ mắc bệnh hơn? (bạn Quỳnh Thu, quận Hoàng Mai)

- Ông Nguyễn Nhật Cảm: Thực tế chúng tôi thấy bệnh có thể tản phát, rải rác quanh năm, bất kỳ mùa nào. Nhưng số mắc nhiều hơn vào thời điểm cuối năm tháng 11,12 và đầu năm tháng 1 đến tháng 4 là mùa đông xuân ở miền Bắc thời tiết thường lạnh và ẩm thuận lợi cho việc lây lan của những bệnh lây qua đường hô hấp trong đó có bệnh viêm màng não do não mô cầu. Bệnh có ở cả 2 miền. Chúng tôi không thấy miền nào dễ mắc bệnh hơn, đều có nguy cơ như nhau.

-Xin ông cho biết: Những biểu hiện cụ thể của viêm não, viêm màng não do mô cầu? Bệnh lây truyền qua những con đường nào? (độc giả Tuấn Hà, huyện Đan Phượng)

-Ông Nguyễn Nhật Cảm: Viêm màng não do não mô cầu thường rất đột ngột và diễn biến rất nhanh với sốt cao (39-40 độ C), mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn và nôn. Người bệnh có thể mê sảng, lú lẫn, mất ý thức, có thể có co giật, hôn mê và xuất hiện các ban xuất huyết hoại tử trên da.

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tức là khi hít phải các giọt bắn từ người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn. cũng có thể lây truyền gián tiếp qua tiếp xúc với đồ vật, dụng cụ, bị nhiễm vi khuẩn nhưng ít gặp hơn.

- Khi mắc viêm não, viêm màng não do mô cầu, cần kiêng những gì? (bạn Thái Bình, quận Hoàng Mai)

- Ông Nguyễn Nhật Cảm: Khi bị viêm màng não, viêm não do não mô cầu, cần phải được nhập viện điều trị càng sớm càng tốt và phải được cách ly để không lây bệnh cho những người xung quanh. Chế độ ăn uống, sinh hoạt phải theo hướng dẫn của bác sỹ điều trị.

-Tôi nghe nói, nếu mắc viêm não mô cầu nguy hiểm, bệnh nhân có thể tử vong chỉ sau một ngày. Xin hỏi có đúng không? Vậy, thông thường, từ lúc mắc bệnh đến khi bị tử vong (nếu có) có lâu không? (anh Hoàng Hà, quận Thanh Xuân)

- Ông Nguyễn Nhật Cảm:Đúng. Bệnh do não mô cầu có nhiều thể, ở thể rất nặng (nhiễm khuẩn huyết kịch phát có sốc) tỷ lệ tử vong cao và có thể chỉ trong 1 đến 3 ngày. Thông thường từ 1-7 ngày. Hiện nay tỷ lệ tử vong có xu hướng giảm do công tác điều trị tốt hơn. Và nếu bệnh nhân nhập viện sớm, khả năng phục hồi rất cao.

-Viêm màng não và viêm não do mô cầu thường hay bị nhầm với bệnh gì và cách phân biệt? (bạn Huỳnh Minh, Long Biên)

- Ông Nguyễn Nhật Cảm: Viêm màng não do não mô cầu có thể nhầm với viêm màng não do các vi khuẩn khác, như tụ cầu, phế cầu, vi khuẩn Heamephilus influenza và bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn liên cầu lợn…Phân biệt được cần dựa vào các đặc điểm dịch tễ ví dụ như đã tiếp xúc với người bệnh khác trong ổ dịch…nhưng thực tế là khó và cần có bác sỹ chuyên khoa và cần xét nghiệm để xác định chính xác vi khuẩn gây bệnh.

-Xin  bác Cảm cho biết các biện pháp để phòng chống bệnh này là gì? (độc giả Thái Sơn, Long Biên)

- Ông Nguyễn Nhật Cảm: Bạn cần tránh tiếp xúc với người nghi nhiễm bệnh này, nếu đã tiếp xúc thì phải dùng thuốc dự phòng; súc họng hằng ngày bằng nước muối hoặc các dung dịch sát trùng mũi họng; giữ vệ sinh thân thể, thông thoáng nhà cửa, nơi làm việc; tránh làm việc quá sức và có thể đi tiêm vắc xin phòng bệnh.

-Tiêm vắc xin phòng bệnh do não mô cầu cần tiêm mấy mũi? Vắc xin này có nằm trong chương trình Tiêm chủng mở rộng hay không? Tôi nghe nói hiện nay đang khan vắc xin này. Vậy tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội hiện có vắc xin này không, nếu không thì khi nào có? (bạn Văn Hòa, quận Nam Từ Liêm).

- Ông Nguyễn Nhật Cảm:Vắc xin này cần tiêm 2 mũi. Vắc xin chưa có trong chương trình tiêm chủng mở rộng và bạn cần đến các điểm tiêm chủng dịch vụ để được khám, tư vấn và chỉ định tiêm phòng đúng lịch. Hiện nay ở Việt Nam Bộ Y tế cấp phép cho 2 loại vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu, một là vắc xin phòng 2 típ vi khuẩn A và C có tên thương mại là Meningo AC do Pháp sản xuất, tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, tiêm 2 mũi cách nhau 3 năm; hai là vắc xin phòng 2 típ vi khuẩn B và C có tên thương mại là VA-MENGOC-BC do Cu Ba sản xuất, theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin này tiêm 2 mũi mỗi mũi cách nhau 6 đến 8 tuần cho trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên, tuy nhiên theo hướng dẫn của Cục quản lý dược Bộ Y tế hiện nay chỉ tiêm cho trẻ 6 đến 10 tuổi, có thể thời gian tới vắc xin này sẽ được cấp phép tiêm từ 3 tháng tuổi trở lên. 

Hiện Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội có vắc xin do Cu-ba sản xuất tiêm cho đối tượng trẻ từ đủ 6 đến 10 tuổi. Vắc xin do Pháp sản xuất có thể có trong tháng 4/2016, để chắc chắn bạn nên liên hệ trước khi đến tiêm, số điện thoại tư vấn tiêm chủng: 04.3.903.5688


-Tôi ở Hà Đông, muốn đi tiêm phòng bệnh này thì đến đâu tiêm? Độ tuổi nào thì tiêm được? Giá của mỗi lần tiêm? Xin cảm ơn. (bạn đọc Thủy Nguyễn, quận Hà Đông)


- Ông Nguyễn Nhật Cảm: 
Bạn có thể đến phòng tiêm chủng vắc xin của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, số 70 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội từ 7 giờ 30 đến 16 giờ 30 tất cả các ngày trong tuần, trừ ngày lễ. Hiện chúng tôi có vắc xin cho trẻ từ đủ 6 tuổi đến 10 tuổi, cần tiêm 2 mũi và giá mỗi lần tiêm là 200.000 đồng. Chi tiết hơn bạn có thể liên hệ số điện thoại: 04.3.903.5688.


-Em đang ở Bình Dương. Con em năm nay 5 tuổi nhưng chưa chích ngừa bệnh viêm não mô cầu. Em xin hỏi: Muốn phòng ngừa bệnh này thì trẻ chích ngừa ở độ tuổi nào, chích mấy lần? Xin cảm ơn (bạn đọc Ngô Khanh, ở Bình Dương)

Ông Nguyễn Nhật Cảm: Trẻ từ 2 tuổi trở lên thì cần chích ngừa vắc xin này, lịch tiêm cơ bản là 2 liều. Bạn cần tới các điểm tiêm chủng vắc xin dịch vụ gần nơi bạn sinh sống để hỏi cụ thể xem có vắc xin hay không và loại vắc xin nào để đưa cháu đi tiêm kịp thời. Hiện tại phòng tiêm chủng của chúng tôi tại Hà Nội chưa có vắc xin tiêm cho trẻ 5 tuổi. Chào bạn.

-Bệnh do não mô cầu có lây như bệnh SARS không? Thường ở độ tuổi nào dễ mắc bệnh này? (bạn Hoàng Hà, quận Bắc Từ Liêm)

- Ông Nguyễn Nhật Cảm:Bệnh do não mô cầu và SARS đều lây qua đường hô hấp, nhưng SARS là bệnh mới xuất hiện năm 2003, tốc độ, khả năng lây lan mạnh hơn, nguy hiểm hơn, có thể gây đại dịch toàn cầu, tuy nhiên đã được khống chế ngay trong năm 2003 đến nay sau 13 năm không xuất hiện trở lại. Bệnh do não mô cầu đã có từ lâu và thời gian gần đây ít gây thành dịch, tại Hà Nội 10 năm nay chúng tôi chỉ ghi nhận các trường hợp đơn lẻ, tản phát, chưa có các ổ dịch với nhiều người mắc. Mọi người, mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh nhưng chúng tôi hay gặp ở lứa tuổi trẻ hơn (dưới 30 tuổi).

-Bệnh viêm màng não, viêm não mô cầu nguy hiểm như thế nào? (độc giả Hồng Anh, quận Long Biên)?

- Ông Nguyễn Nhật Cảm:Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và có thể lây thành dịch. Bệnh có thể để lại hậu quả nặng nề là tử vong (10%-20% các trường hợp mắc) và di chứng sau khỏi bệnh như điếc, liệt, rối loạn tâm thần…

- Cho tôi hỏi: Theo thông tin trên thì tất cả các trung tâm tiêm chủng từ 5/3/2016 đã đều có thuốc viêm não mô cầu BC dành cho trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên nhưng khi tôi gọi điện lên các trung tâm thì được trả lời  "chỉ dành cho trẻ từ 6 tuổi đến 10 tuổi mới được tiêm". Như vậy là như thế nào? Con tôi 1 bé 27 tháng, 1 bé 3 tháng tuổi đến bao giờ mới được tiêm? Và bao giờ có thuốc AC dành cho bé trên 2 tuổi vậy? Nếu đã tiêm BC rồi thì có phải tiêm AC nữa không ạ? (bạn đọc Trang Do Thi Huyen)


-Ông Nguyễn Nhật Cảm:Hiện nay theo Hướng dẫn hiện hành của Cục quản lý dược, Bộ Y tế vắc xin viêm màng não mô cầu BC như chị hỏi đúng là chỉ tiêm cho các bé từ đủ 6 tuổi đến 10 tuổi. Trong tháng 4 có thể có vắc xin cho trẻ trên 2 tuổi. Trẻ đã tiêm vắc xin phòng 2 típ B và C rồi (BC) thì vẫn có thể tiêm vắc xin phòng 2 típ A và C (AC) nữa. Cần thêm thông tin về tình hình vắc xin, chị có thể liên hệ số điện thoại: 04.3.903.5688 để được tư vấn. Chào chị.

-Thưa bác sỹ: Em năm nay 26 tuổi, vừa có con gần 10 tháng và đang trong thời gian cho con bú. Vậy bác sỹ có thể cho em biết: Bây giờ em có thể tiêm vắc xin phòng viêm não mô cầu không? Nếu tiêm có ảnh hưởng đến em bé không? (con em vừa tiêm vắc xin 3 trong 1 và chuẩn bị tiêm vắc xin phòng viêm phổi và viêm tai giữa). Em xin chân thành cảm ơn (bạn đọc Bùi Thị Trang)

- Ông Nguyễn Nhật Cảm: Hiện tại vắc xin dùng cho người lớn là loại của Pháp sản xuất không có tại Hà Nội, trong tháng 4 có thể có, bạn có thể đi tiêm nếu có vắc xin mà không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của cháu bé. Để chủ động thông tin về vắc xin trước khi đến tiêm bạn có thể gọi tư vấn vào số 04.3.903.5688. Cảm ơn bạn

-Xin các bác sỹ cho tôi hỏi. Có cách nào để phòng bệnh viêm não mô cầu không ạ? Theo dõi báo-đài mà người dân chúng tôi hoang mang và lo sợ quá. Sự sống của con người ngày càng bị đe doạ. (Dung Dũng)

- Ông Nguyễn Nhật Cảm:Cảm ơn bạn đã hỏi, tuy nhiên bạn không nên quá hoang mang lo lắng vì những năm gần đây bệnh do não mô cầu tại Hà Nội là tản phát, chỉ gồm những trường hợp riêng lẻ, không thành dịch. Hơn nữa khi bệnh nhân bị bệnh, nhập viện sớm và được chẩn đoán, điều trị kịp thời thì khả năng hồi phục là rất cao. Hai trường hợp mắc bệnh tại Hà Nội năm 2016 hiện tại đã hồi phục hoàn toàn.

Để phòng bệnh bạn có thể đưa trẻ đến các điểm tiêm chủng để được tư vấn và tiêm chủng phòng bệnh này, hiện tại ở Hà Nội có vắc xin cho trẻ từ đủ 6 đến 10 tuổi, vắc xin cho người lớn có thể có trong tháng 4/2016. 

Ngoài ra bạn cần giữ vệ sinh nơi ở nơi làm việc sạch sẽ thông thoáng, làm việc, học tập, thể dục thể thao điều độ, tránh làm việc quá sức, súc họng nước muối hoặc các dung dịch sát khuẩn, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và tránh tiếp xúc với người nghi mắc bệnh sẽ giúp bạn phòng bệnh.


-Chào bác Cảm. Cháu có nghe thời sự và có biết về bệnh viêm não mô cầu. Bác cho cháu hỏi có thuốc vacxin phòng bệnh này không ạ? Bé nhà cháu được 15 tháng ạ. Cháu cảm ơn (bạn đọc Zinzin).

-Ông Nguyễn Nhật Cảm: Hiện nay ở Việt Nam Bộ Y tế cấp phép cho 2 loại vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu, một là vắc xin phòng 2 típ vi khuẩn A và C có tên thương mại là Meningo AC do Pháp sản xuất, tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, tiêm 2 mũi cách nhau 3 năm, hai là vắc xin phòng 2 típ vi khuẩn B và C có tên thương mại là VA-MENGOC-BC do Cu-ba sản xuất, theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin này tiêm 2 mũi, mỗi mũi cách nhau 6 đến 8 tuần cho trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên, tuy nhiên theo hướng dẫn của Cục quản lý dược Bộ Y tế hiện nay chỉ tiêm cho trẻ 6 đến 10 tuổi, có thể thời gian tới vắc xin này sẽ được cấp phép tiêm từ 3 tháng tuổi trở lên. Hiện Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội có vắc xin do Cu-ba sản xuất tiêm cho đối tượng trẻ từ đủ 6 đến 10 tuổi. Vắc xin do Pháp sản xuất có thể có trong tháng 4/2016.

-Mấy ngày qua thấy báo đài đưa về bệnh viêm não mô cầu mà tôi thấy lo quá. Bác Cảm cho tôi hỏi hiện Hà Nội đã có bao nhiêu ca nhiễm bệnh, có ca nào tử vong chưa? Liệu bệnh có bùng phát thành dịch? Xin cảm ơn (độc giả Hồng Quỳnh, quận Nam Từ Liêm).


-Ông Nguyễn Nhật Cảm:
Thưa chị, 2 tháng đầu năm 2016, Hà Nội ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh này và đều đã hồi phục tốt, sắp ra viện. Khả năng bùng phát thành dịch là thấp. Chị không nên quá lo lắng. Để có thêm thông tin chị có thể tham khảo trên trang web của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội: ytdphanoi.gov.vn. Cảm ơn chị.

-Em đọc thông tin có đưa là vắc xin hiện không có, trong khi Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên phòng tránh bằng tiêm vắc xin. Vậy người dân phải làm thế nào ạ? Có đúng là hiện không có vắc xin phòng bệnh không ạ? Trách nhiệm của trung tâm y tế dự phòng trong việc phòng bệnh và tuyên truyền cho người dân như thế nào? Hành động cụ thể là gì? Xin cảm ơn (bạn đọc Anh Ngọc)

-Ông Nguyễn Nhật Cảm: Hiện tại chúng tôi có vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu tại Phòng tiêm chủng vắc xin số 70 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội. Vắc xin này dùng cho trẻ từ đủ 6 tuổi đến 10 tuổi, để phòng được bệnh trẻ cần tiêm đủ 2 mũi cách nhau 2 tháng.

Theo tôi biết thì vắc xin này còn có ở các điểm tiêm chủng dịch vụ khác trên địa bàn Hà Nội, bạn có thể liên hệ trực tiếp để hỏi cụ thể. Theo hướng dẫn của Cục quản lý dược, Bộ Y tế hiện tại vắc xin chỉ dùng cho lứa tuổi trên, trong thời gian tới có thể có vắc xin phòng bệnh cho các lứa tuổi khác.

Khi phát hiện có bệnh nhân nghi ngờ, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội sẽ tổ chức điều tra dịch tễ và xử lý ngay tại cộng đồng, hạn chế và không cho dịch lây lan, hiệu quả là như bạn thấy bệnh chỉ là các trường hợp tản phát mà không lây lan rộng. Chúng tôi cũng đã hết sức chủ động tuyên truyền cho người dân các thông tin và biện pháp để phòng bệnh, đã đăng bài tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của Trung tâm (ytdphanoi.gov.vn) và các bài trên các báo, đài khác. Đã tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng bệnh này ngay cho người dân có nhu cầu tại phòng tiêm chủng vắc xin. 

Chúng tôi khuyến cáo mọi người không nên quá hoang mang lo lắng, bệnh viêm màng não do não mô cầu là bệnh đã có từ lâu và khả năng bùng phát thành dịch là thấp. 

Để phòng bệnh mọi người cần giữ vệ sinh chung, thông thoáng nhà cửa nơi làm việc, súc họng bằng nước muối hoặc các dung dịch sát khuẩn mũi họng, làm việc, học tập điều độ, kết hợp thể dục thể thao tránh quá sức, không tiếp xúc với người nghi mắc bệnh này, và khi phát hiện người bệnh cần đưa đến cơ sở điều trị càng sớm càng tốt và thông báo ngay cho đơn vị y tế dự phòng (Trạm Y tế, Trung tâm Y tế) để điều tra, xử lý tránh lây lan.

-Xin chào các bác sĩ. Cháu nhà em hiện nay được 2,5 tuổi, đã tiêm 2 mũi viêm não mô cầu BC và có hẹn nhắc lại mũi thứ 3 vào tháng 11/2015 nhưng không có thuốc để chích. Em có liên lạc với trung tâm y tế dự phòng nhưng được thông báo là thuốc này hiện không có nữa. Xin cho em hỏi nếu bé tiêm thiếu 1 mũi như thế có còn tác dụng thuốc nữa không? và nếu bay giờ tiêm thế thuốc khác có được không ạ? Em xin cảm ơn ạ! (bạn đọc Ngọc Nguyễn Thị Nguyên)

-Ông Nguyễn Nhật Cảm: Vắc xin não mô cầu BC như chị nói tiêm 2 mũi đúng lịch là đã có tác dụng phòng bệnh tốt. Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, không cần thiết phải tiêm nhắc lại.

Vắc xin nào phòng bệnh ấy, không thay thế được. Nhưng chị vẫn có thể tiêm phòng vắc xin viêm màng não mô cầu AC cho cháu được, để phòng thêm típ A cho cháu (nếu có vắc xin) và còn các vắc xin phòng các bệnh khác nữa trong độ tuổi tiêm chủng của cháu. Cảm ơn chị.

-Bé đã được tiêm 2 mũi về não mô cầu, mũi nhắc lại (mũi thứ 3) theo lịch là tháng 11/2015 nhưng đến nay vẫn chưa có và em được trả lời là sẽ không có nữa. Anh Cảm cho em hỏi: Có thể thay thế vắc xin viêm não mô cầu bằng vắc xin khác được hay không? Nếu không thì thì liệu 2 liều tiêm kia có tác dụng không ạ? E xin chân thành cảm ơn ạ! (độc giả Nguyen Thi Nguyen Ngoc)

-Ông Nguyễn Nhật Cảm:Thưa chị, hiện không có vắc xin thay thế được và theo hướng dẫn của nhà sản xuất chỉ cần tiêm 2 mũi như cháu nhà chị là đã có tác dụng và có khả năng phòng được bệnh. Cảm ơn chị. 

-Em đọc thông tin có đưa là vắc xin hiện không có, trong khi Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên phòng tránh bằng tiêm vắc xin. Vậy người dân phải làm thế nào ạ? Có đúng là hiện không có vắc xin phòng bệnh không ạ? Trách nhiệm của trung tâm y tế dự phòng trong việc phòng bệnh và tuyên truyền cho người dân như thế nào? Hành động cụ thể là gì? Xin cảm ơn (bạn đọc Anh Ngọc)

-Ông Nguyễn Nhật Cảm: Hiện tại chúng tôi có vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu tại Phòng tiêm chủng vắc xin số 70 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội. Vắc xin này dùng cho trẻ từ đủ 6 tuổi đến 10 tuổi, để phòng được bệnh trẻ cần tiêm đủ 2 mũi cách nhau 2 tháng.

Theo tôi biết thì vắc xin này còn có ở các điểm tiêm chủng dịch vụ khác trên địa bàn Hà Nội, bạn có thể liên hệ trực tiếp để hỏi cụ thể. Theo hướng dẫn của Cục quản lý dược, Bộ Y tế, hiện tại vắc xin chỉ dùng cho lứa tuổi trên, trong thời gian tới có thể có vắc xin phòng bệnh cho các lứa tuổi khác.

Khi phát hiện có bệnh nhân nghi ngờ, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội sẽ tổ chức điều tra dịch tễ và xử lý ngay tại cộng đồng, hạn chế và không cho dịch lây lan, hiệu quả là như bạn thấy bệnh chỉ là các trường hợp tản phát mà không lây lan rộng. Chúng tôi cũng đã hết sức chủ động tuyên truyền cho người dân các thông tin và biện pháp để phòng bệnh, đã đăng bài tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của Trung tâm (ytdphanoi.gov.vn) và các bài trên các báo, đài khác. Đã tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng bệnh này ngay cho người dân có nhu cầu tại phòng tiêm chủng vắc xin. 

Chúng tôi khuyến cáo mọi người không nên quá hoang mang lo lắng, bệnh viêm màng não do não mô cầu là bệnh đã có từ lâu và khả năng bùng phát thành dịch là thấp. 

Để phòng bệnh mọi người cần giữ vệ sinh chung, thông thoáng nhà cửa nơi làm việc, súc họng bằng nước muối hoặc các dung dịch sát khuẩn mũi họng, làm việc, học tập điều độ, kết hợp thể dục thể thao tránh quá sức, không tiếp xúc với người nghi mắc bệnh này, và khi phát hiện người bệnh cần đưa đến cơ sở điều trị càng sớm càng tốt và thông báo ngay cho đơn vị y tế dự phòng (Trạm Y tế, Trung tâm Y tế) để điều tra, xử lý tránh lây lan.

-Chào bác Cảm, năm nay cháu 28 tuổi hiện đang có bầu được khoảng 2 tháng, hai hôm nay cháu bị đau sau vai gáy, cổ họng ấn vào đau, nuốt nước bọt cũng bị đau, nhưng không bị sốt, liệu cháu có bị nhiễm viêm não mô cầu không ạ?


-Ông Nguyễn Nhật Cảm: Với các biểu hiện như bạn kể, khả năng bạn bị nhiễm não mô cầu là rất thấp. Để chắc chắn bạn nên đi khám bác sỹ vì còn có thể có những bệnh khác nữa.

- Kính chào các bác sỹ, con nhà cháu năm nay 12 tuổi đã tiêm vắc xin viêm màng não mô cầu A+C được 2 mũi nhưng mũi thứ 2 cách đây 4 năm rồi, nay hết thuốc A+C để tiêm, mà thuốc B+C cho trẻ dưới 10 tuổi. Cháu muốn hỏi như vậy con cháu có nguy cơ mắc bệnh cao không? Còn một cháu sang tuổi thứ 6 cũng tiêm được 2 mũi A+C rồi còn B+C thì Trung tâm tiêm phòng bảo không cần tiêm nữa, như vậy nguy cơ con cháu bị nhiễm có cao không ạ? Cháu xin cảm ơn các bác sỹ nhiều.

-Ông Nguyễn Nhật Cảm:
Vắc xin phòng Viêm màng não do não mô cầu típ A+C do Pháp sản xuất, tiêm 2 mũi như 2 cháu nhà chị là phòng được bệnh do 2 nhóm típ này. Chị có thể yên tâm, nguy cơ mắc bệnh của các cháu nhà mình là không cao. Hiện tại, các cháu từ đủ 6 tuổi đến dưới 10 tuổi vẫn có thể tiêm phòng vắc xin B+C sau khi tiêm đủ 2 mũi vắc xin A+C. Do vậy cháu thứ 2 nhà chị khi đủ 6 tuổi thì chị có thể đưa cháu đi tiêm thêm vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu típ B và C do Cuba sản xuất, 2 mũi cách nhau 2 tháng. Chào chị.

-Thưa bác sỹ, cho em hỏi chút ạ. Vacxin viêm não mô cầu AC và BC là như thế nào ạ? Hiện tại đang có dịch viêm não mô cầu nhưng vắc xin AC đã hết, vậy vắc xin BC có ngừa được viêm não mô cầu hiện đang xảy ra không ạ?. Nếu em chích cho bé BC xong rồi lại có vắc xin AC em có cần chích tiếp cho bé nữa không ạ? Xin bác sỹ tư vấn giúp. Em cảm ơn bác sĩ.

-Ông Nguyễn Nhật Cảm:
Hiện nay vắc xin phòng bệnh do não mô cầu tại Việt Nam có 2 loại được Bộ Y tế cấp phép lưu hành: Một loại phòng bệnh do nhóm típ A và C do Pháp sản xuất có tên thương mại là Meningo AC tiêm cho trẻ từ đủ 2 tuổi trở lên, lịch tiêm là 2 mũi cách nhau 3 năm, một loại phòng bệnh do nhóm típ B và C do Cuba sản xuất có tên thương mại là VA-MENGO-BC tiêm cho trẻ từ đủ 6 tuổi đến 10 tuổi, lịch tiêm là 2 mũi cách nhau 2 tháng. Đây là 2 loại vắc xin khác nhau, độ tuổi, lịch tiêm khác nhau cùng phòng 1 bệnh, nhưng khả năng phòng bệnh không giống nhau vì 1 loại phòng 2 típ A và C, 1 loại phòng 2 típ B và C.

Vắc xin viêm màng não mô cầu BC có thể phòng được bệnh do não mô cầu típ B và C. Tại Việt Nam lưu hành cả hai típ A và B nên vắc xin viêm màng não mô cầu BC không hoàn toàn phòng được bệnh nếu nhiễm vi khuẩn thuộc nhóm típ A.

Trẻ có thể sử dụng cả hai loại vắc xin AC, BC để phòng bệnh. Việc chỉ định và lịch tiêm cụ thể cho các cháu cần có bác sỹ khám và tư vấn lịch tiêm cụ thể. Cảm ơn chị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng viêm não mô cầu: Đã tiêm vắc-xin AC, có cần tiêm vắc-xin BC?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.