Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điểm sàn - điểm nghẽn?

Quỳnh Phạm| 03/03/2013 07:52

(HNM) - Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập (ĐH, CĐ NCL) bấy lâu nay vẫn cho rằng những kiến nghị của họ đối với Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) chỉ như


Trong một cuộc gặp mặt tìm cách tháo gỡ khó khăn của các trường NCL gần đây, lãnh đạo nhiều trường đã tỏ ý kiên quyết đưa tiếng nói của hiệp hội tới cấp cao hơn. Vừa qua, họ đã thực hiện điều này với một công văn trực tiếp gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị về một số vấn đề liên quan đến sự tồn vong của hệ thống các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ NCL.

Hàng chục trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đang gặp khó khăn lớn trong công tác tuyển sinh. Ảnh: Viết Thành



Chịu nhiều áp lực

Ông Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường NCL đã nêu ra một số vấn đề sống còn đối với các trường NCL trong công văn gửi Thủ tướng. Trong đó, hiệp hội đề nghị Bộ GD-ĐT thực hiện ngay Luật Giáo dục ĐH (GDĐH) có hiệu lực từ ngày 1-1-2013, trong đó có Điều 34 về chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh. Theo đó, các "cơ sở giáo dục ĐH tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh"; "Phương thức tuyển sinh gồm: Thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp thi tuyển và xét tuyển".
Hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm phát triển mô hình giáo dục ĐH NCL; đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 14, Nghị định 69 của Chính phủ và các văn bản có liên quan, rút ra những bài học kinh nghiệm. Bên cạnh đó, theo lãnh đạo hiệp hội, cần tổ chức nghiên cứu những bài học thành công về phát triển giáo dục ĐH NCL của một số nước như Hàn Quốc, Malaysia, Singapore.

Ông Trần Hồng Quân cho rằng, hiện nay sự tồn tại của hệ thống các trường NCL đang bị đe dọa bởi những bất cập từ chính sách. Hàng chục trường có thể phải đóng cửa trong vòng 1-2 năm tới. Các trường đều gặp khó khăn về nguồn tuyển sinh trong khi với chính sách của Bộ GD-ĐT những năm qua, các trường sẽ rất rủi ro nếu quyết định đầu tư mới.

Theo ông Trần Hồng Quân, chủ trương xã hội hóa giáo dục khi được khởi thảo rất hoành tráng với hàng loạt đãi ngộ như giao đất sạch, miễn thuế, ưu đãi tín dụng để xây dựng trường; coi học sinh, sinh viên công lập và NCL như nhau... Còn hiện giờ, có sự thiếu bình đẳng giữa sinh viên trong và NCL: Các trường vẫn phải đóng 25% thuế (thực ra là tính vào học phí trên đầu sinh viên); sinh viên NCL chịu 100% chi phí, sinh viên công lập được Nhà nước hỗ trợ khoảng 70%. "Vô lý ở chỗ, tiền đầu tư của Nhà nước cho giáo dục là tiền đóng thuế của toàn dân nhưng cùng là sinh viên thì khối công lập được hưởng, còn NCL thì không", ông Quân bất bình.

Bên cạnh đó, các trường NCL còn phải chịu thêm áp lực nặng nề khi xã hội mất lòng tin vào chất lượng đào tạo của họ, nhiều nhà tuyển dụng khước từ "sản phẩm" của các trường NCL.

Loay hoay với điểm sàn

Những khó khăn nói trên càng khiến nguồn tuyển sinh vốn đã eo hẹp của các trường NCL thêm teo tóp. Hiện nay, cả nước có 81 trường ĐH, CĐ NCL song hệ thống này đang gặp khó khăn lớn khi chỉ tuyển được 14% số sinh viên so với quy mô đào tạo trong mùa tuyển sinh vừa qua.

Ông Trần Hồng Quân kiến nghị, để thoát khỏi tình trạng này, Bộ GD-ĐT chỉ nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, còn lại trao quyền tự chủ tuyển sinh ĐH, CĐ cho các trường ngay từ năm 2013. Tựu trung lại, cần chấm dứt "3 chung", hoặc nếu thi "3 chung" thì bỏ điểm sàn chung và xây dựng điểm chuẩn theo trường, vùng, miền.

Trước ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, Bộ khuyến khích các trường tuyển sinh riêng, trên nguyên tắc có đề án trình lên Bộ, thể hiện được năng lực của trường, cam kết không để xảy ra các tiêu cực khi tuyển sinh riêng để Bộ thẩm định. Bộ GD-ĐT tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả các trường. Trường nào có đề án tuyển sinh riêng hợp lý sẽ được trao quyền tự chủ tuyển sinh. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có trường nào trình Bộ đề án này, kể cả các trường công lập và NCL.

Về điểm sàn, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, đó là ngưỡng tối thiểu để bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực. Nếu bỏ điểm sàn, thí sinh có điểm thấp vẫn được gọi vào học, ra trường không đáp ứng được yêu cầu xã hội, doanh nghiệp không chấp nhận, là sự lãng phí lớn. "Còn thi 3 chung thì phải có điểm sàn bình đẳng cho cả trường công lập và NCL". Việc xét điểm sàn hiện nay chưa thực sự khiến dư luận và các trường hài lòng. Bộ sẽ nghiên cứu lại cách xác định điểm sàn. Ví dụ, có thể xác định theo phổ điểm của từng môn và lấy trung bình chung của các môn thi/ khối thi (thấp hơn hoặc bằng mức điểm này), đồng thời đề nghị các trường có những sáng kiến để xác định điểm sàn có tính thuyết phục nhất. Bộ cũng đang cố gắng ra đề thi cho phù hợp" - Thứ trưởng Bùi Văn Ga kiên quyết.

Góp ý với Bộ GD-ĐT, Hiệu trưởng Trường ĐH Đại Nam Phan Trọng Phước cũng cho rằng: "Bộ cần ra đề thi có phổ điểm phù hợp hơn; phổ điểm như năm vừa rồi rơi vào điểm 7 là không tốt. Bộ nên tổng kết, đánh giá lại công tác ra đề thi. Nếu số lượng thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên không phải là 400.000 em như năm vừa rồi mà là 700.000 - 800.000 em thì các trường sẽ đều có đầu vào".

Còn Hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh Nguyễn Văn Hùng, khảng khái: "Không cần có điểm sàn riêng vì điều đó động tới "lòng tự trọng" của các trường NCL". Tuy nhiên, ông Hùng đề nghị Bộ GD-ĐT cần phải xác định điểm sàn cho đúng. Cụ thể, năm tới phải công khai phổ điểm của thí sinh, sau đó lấy điểm sàn ở mức sao cho có số lượng thí sinh từ sàn trở lên bằng 50% số lượng thí sinh dự thi.

Những ý kiến nói trên của các trường, theo ông Bùi Văn Ga, sẽ được tập hợp và tham khảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điểm sàn - điểm nghẽn?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.