Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phân tuyến hợp lý để giảm áp lực tuyển sinh vào các lớp đầu cấp

Thống Nhất| 11/04/2013 06:56

(HNM) - Công tác tuyển sinh (TS) năm học 2013-2014 vào các lớp đầu cấp (gồm mầm non, lớp 1, lớp 6) tại Hà Nội không thay đổi về phương thức. Tuy nhiên, việc tổ chức TS dự kiến sẽ có khó khăn nhất định do số HS trong độ tuổi đến lớp tăng, trong đó, tăng nhiều nhất là HS vào lớp 1 với khoảng 11.000 bé.


Bảo đảm chỗ học cho mọi học sinh

Theo kế hoạch, đến đầu tháng 7 các trường mới tổ chức TS cho năm học 2013-2014, song với mục tiêu công khai, công bằng, tạo điều kiện cho các nhà trường và phụ huynh hiểu rõ chủ trương của ngành để cùng thực hiện tốt phương án TS đầu cấp tại Hà Nội đã được công bố từ đầu tháng 3. Trong tuần này, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ hoàn thiện kế hoạch hướng dẫn thực hiện công tác TS chi tiết của các cấp học và triển khai tới các quận, huyện, thị xã. Những vấn đề nổi cộm trong công tác TS ở năm học trước đã được lãnh đạo Sở GD-ĐT, các phòng, ban chức năng và phòng GD-ĐT các quận, huyện, thị xã "mổ xẻ", cùng bàn phương án rút kinh nghiệm cho mùa TS năm nay.

Theo dự kiến, số lượng học sinh vào lớp 1 năm nay tăng song các nhà trường sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để đón học sinh. Ảnh: Trọng Hải



Mối lo lớn nhất của các đơn vị là làm sao đáp ứng đủ chỗ học cho HS trong điều kiện mạng lưới trường, lớp còn nhiều bất cập, số HS trong độ tuổi tới trường có chiều hướng tăng nhanh, nhất là ở khu vực nội thành. Số liệu dự báo cho thấy, quy mô HS ở hầu hết các cấp học đều sẽ tăng trong năm học 2013- 2014, trong đó, đáng lo nhất là cấp tiểu học khi số lượng HS trong độ tuổi vào lớp 1 tăng hơn so với năm ngoái tới 11 nghìn HS. Dù vậy, Sở GD-ĐT khẳng định sẽ bảo đảm chỗ học cho mọi HS có nguyện vọng và đủ điều kiện vào các lớp mầm non, lớp 1 và lớp 6 trên địa bàn thành phố. Riêng với cấp tiểu học, ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng GD-ĐT tiểu học (Sở GD-ĐT) cho biết: Dù số lượng HS vào lớp 1 năm nay tăng song các nhà trường sẽ tạo mọi điều kiện để đón HS. Quan điểm của ngành là HS lớp 1 phải được hưởng những điều kiện tốt nhất về giáo viên, cơ sở vật chất. Đây là chỉ đạo của ngành đối với các đơn vị từ năm ngoái nhằm nâng cao chất lượng học tập của HS ngay từ tiểu học, bởi nếu học vững từ lớp 1, các em sẽ có cơ sở học tốt ở các lớp tiếp theo. Trong trường hợp số HS vào lớp 1 quá đông, các trường có thể xem xét phương án dồn lớp đối với những khối lớp trên…

Giảm áp lực bằng phân tuyến hợp lý

Những tồn tại đáng kể nhất của năm học trước nằm ở việc phân tuyến và giao chỉ tiêu TS tại một số quận, huyện chưa hợp lý nên có trường tuyển thừa, trường lại không tuyển đủ số HS so với chỉ tiêu được giao. Tình trạng lớp quá đông, hoặc quá ít HS không chỉ ảnh hưởng đến việc duy trì hoạt động giáo dục, mà còn cản trở mục tiêu giảm dần sự cách biệt về điều kiện, chất lượng giáo dục giữa các trường trong cùng địa bàn mà Hà Nội kiên trì hướng tới trong nhiều năm qua. Khảo sát thực tế cho thấy, trong khi không ít trường có số HS bình quân/lớp phổ biến ở mức 50, thậm chí 55 HS/lớp thì một số trường chỉ đạt trên dưới 50% chỉ tiêu TS được giao. Trường THCS Láng Hạ (quận Đống Đa) chỉ tuyển được 48% so với chỉ tiêu, tại THCS Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) là 52%, THCS Khương Mai (quận Thanh Xuân) - 57%; THCS Hà Huy Tập (quận Hai Bà Trưng) - 58%...

Đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết, để giải quyết tình trạng này, nhất là trong bối cảnh quy mô HS tới lớp ngày càng tăng, mạng lưới trường, lớp còn thiếu thốn, có nơi chưa đáp ứng được nhu cầu, ngành GD-ĐT đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc triển khai quy hoạch mạng lưới trường lớp đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Tuy nhiên, giải pháp trước mắt vẫn là phân tuyến hợp lý để giải tỏa sự căng thẳng trong công tác TS, bảo đảm chỗ học cho mọi HS. Theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT, các quận, huyện, thị xã được giao quyền chủ động trong việc phân tuyến TS, tùy theo điều kiện cụ thể ở từng nơi mà xác định đâu là đối tượng HS đúng tuyến, thế nào là trái tuyến.

Dù đến cuối tháng 4 các quận, huyện, thị xã mới hoàn thành việc khảo sát và có kết quả chính xác về số lượng HS ở từng độ tuổi, song một số đơn vị đã lên phương án dự kiến về việc phân tuyến TS trên địa bàn. Thực tế tại quận Hoàn Kiếm nhiều năm qua cho thấy, việc phân tuyến càng rõ ràng, chi tiết bao nhiêu thì việc triển khai tổ chức TS càng thuận lợi bấy nhiêu. Ở Hoàn Kiếm, chỉ có cấp mầm non bảo đảm theo quy định là 1 phường có 1 trường mầm non công lập, còn ở tiểu học chỉ có 13/18 phường có trường, ở THCS là 7/18 phường. Việc phân tuyến TS ở đây được tính toán chi tiết đến từng số nhà. Còn ở quận Ba Đình, ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT quận cho biết, quy mô HS của quận trong vài năm gần đây liên tục tăng, đòi hỏi việc phân tuyến phải bám sát tình hình thực tế ở từng thời điểm. Trên địa bàn quận hiện còn phường Liễu Giai chưa có trường tiểu học và THCS, vì vậy, theo dự kiến, HS 6 tuổi ở khu vực này sẽ được chia vào 4 trường tiểu học là Nguyễn Bá Ngọc, Ba Đình, Đại Yên và Vạn Phúc; HS vào lớp 6 được phân cho 3 trường THCS là Hoàng Hoa Thám, Ba Đình và Thống Nhất. Phường Điện Biên, Quán Thánh, do chưa có trường THCS nên tùy theo điều kiện cụ thể mà HS được phân chia vào học ở những trường lân cận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại, học tập của HS.

- Hà Nội phấn đấu huy động 32% số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, 90% số trẻ trong độ tuổi mẫu giáo và 100% trẻ 5 tuổi đến trường mầm non; 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1; 100% HS hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6.
- Phương thức tuyển sinh: Việc xét tuyển, phân tuyến tuyển sinh do UBND quận, huyện, thị xã quy định
- Thời gian tuyển sinh: Từ ngày 1 đến ngày 15-7-2013

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phân tuyến hợp lý để giảm áp lực tuyển sinh vào các lớp đầu cấp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.