Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đào tạo theo chế độ cử tuyển: “Đầu vào” yếu, “đầu ra” khó

Quỳnh Phạm| 08/10/2013 06:27

(HNM) - Sau 6 năm thực hiện đào tạo theo chế độ cử tuyển, tổng số học sinh được cử tuyển vào các trường ĐH, CĐ là 12.805 người.

Nhiều hạn chế

Từ năm 2007 đến nay, trong tổng số gần 13.000 học sinh vào các trường ĐH, CĐ, có gần 84% vào 72 trường ĐH, còn 16% vào 32 trường CĐ. Tương quan này được Bộ GD-ĐT đánh giá là không hợp lý bởi tỷ lệ học CĐ thấp hơn ĐH khá nhiều. Học sinh đăng ký cũng không đồng đều mà tập trung vào một số nhóm ngành: Sư phạm chiếm 23,3%, y tế chiếm gần 26%, kỹ thuật chiếm 16%, kinh tế chiếm 17%... Trong khi đó, nhiều ngành trong số này mang tính đặc thù, việc học tập đòi hỏi sinh viên có trình độ khá cao.

Một lớp học viên cử tuyển Học viện Quân y. Ảnh: Lê Tuấn



Về phía các cơ sở đào tạo, Bộ GD-ĐT cũng đã ghi nhận phản ánh của nhiều trường rằng kiến thức văn hóa "đầu vào" của học sinh còn yếu, khả năng tiếp thu chậm do hạn chế về vốn từ tiếng Việt. Nhiều học sinh phải học lại với thời gian kéo dài, kết quả thấp. Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh có 3/37 sinh viên bị buộc thôi học vì học kém. Tại các Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Cần Thơ, ĐH Đà Nẵng, nhiều em phải dừng tiến độ học tập để bổ sung kiến thức. Trường ĐH Dược Hà Nội khóa 2009 có 61 sinh viên hệ cử tuyển nhập học thì chỉ có 33 người tốt nghiệp, 10 người thôi học. Khóa tiếp theo có tới 13 sinh viên thôi học. Khóa nhập học năm 2011 chưa có sinh viên tốt nghiệp nhưng đã có đến 35 người thôi học. Có nhiều trường hợp học 8 - 10 năm vẫn không thể qua được kỳ thi tốt nghiệp. Các trường đều cho rằng, việc áp dụng đào tạo theo học chế tín chỉ rất khó khăn cho học sinh cử tuyển. Những lý do trên đã khiến chất lượng đào tạo hệ này hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội nhiều địa phương.

Trước những băn khoăn nói trên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Bộ đã đề nghị các địa phương cân đối về trình độ học sinh được cử đi học. Ở một số lĩnh vực chỉ cần trình độ CĐ nhằm phù hợp với năng lực của học sinh và cử cán bộ theo hướng học bồi dưỡng nâng cao, vừa học vừa làm, bằng 2, liên thông, không cử học sinh về các trường có điểm thi "đầu vào" quá cao.

Các trường muốn tham gia sơ tuyển

Bên cạnh "đầu vào" gây nhiều băn khoăn, việc bố trí công việc cho "đầu ra" cũng là vấn đề đáng lo ngại. Thống kê từ các địa phương với niên khóa 2007-2008 cho thấy, tới thời điểm hiện tại khóa này mới chỉ có 852 người đã tốt nghiệp được bố trí việc làm trên tổng số hơn 2.100 người hoàn thành việc học, tức là chỉ chiếm khoảng 40%. Mặt khác, đối với sinh viên tốt nghiệp ra trường mà không về địa phương công tác, nhiều địa phương không cương quyết trong việc bồi hoàn kinh phí đào tạo, chính sách cũng không có chế tài nên khó thực hiện.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, xảy ra tình trạng trên là do các địa phương chưa có cán bộ chuyên trách để phối hợp với cơ sở đào tạo, quản lý học sinh sinh viên trong quá trình học tập cũng như khi trở về địa phương. Về việc tổ chức tiếp nhận cán bộ, các quy định trong chính sách cử tuyển và quy định tuyển dụng cán bộ của các địa phương còn thiếu đồng bộ, dẫn đến tình trạng nhiều tỉnh đã không sử dụng sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp, gây lãng phí nhân lực. Ngoài ra, một số tỉnh xét tuyển tỷ lệ học sinh người Kinh cao hơn quy định. Có tỉnh vì không có đồng bào người dân tộc đã cử toàn người Kinh đi học, nhiều dân tộc thiểu số trong nhiều năm không có học sinh cử tuyển. Việc phân bổ, giao và thực hiện chỉ tiêu hằng năm còn chậm, số lượng và ngành nghề chưa căn cứ vào nhu cầu cán bộ và chuẩn bị nguồn tuyển của các địa phương. Thời gian đầu, toàn quốc đã có 55/63 tỉnh, thành có học sinh cử tuyển, nhưng rồi số địa phương cử học sinh giảm dần đến năm 2012 chỉ còn 29. Trong thực tế, quá trình thực hiện việc xét tuyển của một số địa phương còn thiếu chặt chẽ, thiếu chính xác, tuyển sai khu vực, không đúng đối tượng...

Nhiều ý kiến từ lãnh đạo các cơ sở đào tạo cho rằng, các trường cần được tham gia công tác sơ tuyển. Quá trình sơ tuyển cần phải có sự tham gia tư vấn, định hướng của những người có chuyên môn nghiệp vụ để có thể chọn ra nguồn tuyển chất lượng cao cho hệ cử tuyển. Ghi nhận ý kiến này, Bộ GD-ĐT khẳng định, Bộ sẽ xây dựng cơ chế cho phép các trường tham gia xét tuyển học sinh cử tuyển, đồng thời sẽ tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ cử tuyển từ cấp cơ sở, bảo đảm thực hiện đúng đối tượng, minh bạch trong xét tuyển. Bộ cũng đã yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch tổng thể đào tạo cán bộ, xác định nhu cầu ngành, nghề, trình độ đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo theo chế độ cử tuyển: “Đầu vào” yếu, “đầu ra” khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.