Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chấm thi THPT quốc gia: Phấn đấu bảo đảm khách quan, công bằng

Khánh Vũ| 07/07/2015 06:02

(HNM) - Theo quy định của Bộ GD-ĐT, việc chấm thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 phải được các sở, trường chủ trì, hoàn thành trước ngày 20-7.


Phức tạp hơn mọi năm

Năm nay, trong số gần 1 triệu thí sinh dự thi, số môn có nhiều thí sinh dự thi nhất là toán với hơn 957 nghìn học sinh, môn ngữ văn có gần 930 nghìn thí sinh, môn ít bài thi là lịch sử với 153 nghìn bài thi, ít nhất là một số môn ngoại ngữ. Nếu như trước đây, các trường chỉ phải chấm thi những môn đã quen thuộc thì năm nay sẽ phải đảm nhiệm tất cả các môn có tổ chức thi nên gặp một số bất lợi về nhân lực chấm thi, đặc biệt là với các môn tự luận. Môn ngoại ngữ năm nay có phần thi viết, việc chấm thi cũng phức tạp hơn so với thi trắc nghiệm. Có cụm chỉ có duy nhất một thí sinh thi môn tiếng Nhật, nên đã phải gửi bài thi cho Bộ GD-ĐT để nhờ chấm. Trong các cụm thi tại Hà Nội, có lẽ chỉ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là có lực lượng cán bộ chấm thi đáp ứng được yêu cầu của trường, thậm chí có thể còn hỗ trợ việc chấm thi tại các trường khác. Các cụm thi cho biết sẽ huy động sự hỗ trợ của lực lượng giáo viên phổ thông để cùng gánh vác trách nhiệm chấm thi.

Thí sinh làm bài thi tại Hội đồng Trường THPT Quang Trung. Ảnh: Nhật Nam


Ở những cụm thi lớn, tuy khối lượng công việc nhiều nhưng lại có thuận lợi trong việc huy động cán bộ chấm thi. Ông Nguyễn Ngọc Huyên, Hội đồng thi Cụm Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, nhà trường đã nhờ giáo viên của Sở GD-ĐT Hà Nội cùng Sở GD-ĐT Bắc Ninh tham gia chấm thi nên sẽ không gặp khó khăn đáng kể. Trường ĐH Lâm nghiệp đã nhờ tới giáo viên các sở: GD-ĐT Hà Nội và Hòa Bình. Trường cũng gửi riêng phần tự luận bài thi ngoại ngữ tiếng Trung Quốc, Nga, Nhật, Đức về trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội để nhờ chấm thi. Học viện Kỹ thuật quân sự chỉ có thể đảm nhận việc chấm các môn toán, ngoại ngữ, với các môn khác thì hoàn toàn trông vào sự trợ giúp của giáo viên phổ thông.

Trước khi kỳ thi diễn ra, ông Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi đã nêu băn khoăn: Với những môn phải nhờ đến giáo viên phổ thông, nếu để trường tự mời những trường THPT trên địa bàn thì có thể rơi vào tình huống giáo viên sẽ chấm cho chính học sinh của mình. Có cụm cũng có sự băn khoăn như ĐH Thủy lợi nên đã tự tìm giải pháp. Ông Kiều Xuân Thực, Hội đồng thi Cụm trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết: Cụm thi này có thí sinh tỉnh Vĩnh Phúc và quận Nam Từ Liêm, Hoài Đức của Hà Nội dự thi. Dù không bắt buộc nhưng trường sẽ tránh mời các giáo viên ở những địa bàn trên để loại trừ khả năng giáo viên chấm bài thi của học sinh mình dạy. Giáo viên phổ thông được trường mời chấm thi là của các trường THPT Tân Lập, Đan Phượng, thuộc huyện Đan Phượng và Thượng Cát của quận Bắc Từ Liêm.

Đã lường trước vấn đề

Trước sự băn khoăn về việc liệu các cụm thi có quá tải với việc chấm thi, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, khẳng định: Việc chấm thi đã được Bộ tính toán từ trước. Bộ đã căn cứ vào dự kiến quy mô cụm thi, số nhân lực chấm thi của địa bàn để quyết định đặt cụm thi ở đâu. Ngay sau khi có quyết định đặt cụm thi, các Sở GD-ĐT cũng đã tính đến việc này.

Tuy nhiên, không chỉ có nỗi lo quá tải, dư luận quan tâm hơn rất nhiều tới sự công bằng, khách quan của việc chấm thi trong kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức lần đầu tiên này. Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng cho biết, Bộ đã có hướng dẫn chấm thi cụ thể đối với từng môn thi và có tính tới sự phù hợp với đặc trưng của từng bộ môn, bảo đảm chấm chính xác bài thi của mỗi thí sinh, đánh giá được sự sáng tạo, ý kiến riêng, nhất là với các đề thi môn xã hội. Cán bộ chấm thi, bao gồm giảng viên của trường ĐH và giáo viên phổ thông, đều phải đạt các điều kiện của Bộ GD-ĐT về năng lực và phẩm chất. Chính các Sở GD-ĐT phải chịu trách nhiệm về giáo viên chấm thi do Sở tuyển chọn.

Những người đảm nhiệm vị trí tổ trưởng tổ chấm thi, thanh tra, giám sát chủ yếu là giảng viên các trường ĐH, hoặc giáo viên phổ thông có kinh nghiệm trong chấm thi và điều hành việc chấm thi. Việc chấm thi tuân thủ nghiêm túc quy trình chấm hai vòng độc lập, các quy định về việc thảo luận chung, chấm kiểm tra. Công tác thanh tra, giám sát sẽ bảo đảm công tác chấm thi chính xác, khách quan, công bằng.

Ngoài ra, trong thời gian các cụm thi tiến hành chấm thi và sau khi có kết quả chấm thi, nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường thì Bộ GD-ĐT sẽ chấm thẩm định. Các hội đồng chấm thi bắt buộc phải thực hiện việc chấm kiểm tra ngẫu nhiên đối với ít nhất 5% số bài thi/môn.

Theo quy chế, bài thi được chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25, không quy tròn điểm. Điểm xét tốt nghiệp được tính từ điểm 4 bài thi thí sinh đăng ký để xét công nhận tốt nghiệp, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12. Những thí sinh đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật từ mức hủy bài thi trở lên, tất cả các bài thi đều đạt trên 1 điểm và có điểm xét tốt nghiệp từ 5 trở lên, được công nhận tốt nghiệp THPT. Các trường ĐH, CĐ sẽ đưa ra điểm xét tuyển riêng với những thí sinh đạt tốt nghiệp và có đăng ký thi để xét tuyển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chấm thi THPT quốc gia: Phấn đấu bảo đảm khách quan, công bằng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.