Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhạc sĩ Thái Cơ - "Rặng trâm bầu" đã trở về đất mẹ

ANHTHU| 05/04/2004 16:26

Nhạc sĩ Thái Cơ"ơ mưa nắng dãi dầu thêm trăm quý ngàn yêu ơ trâm bầu. Cây trâm bầu ơ cây cắm sâu vào lòng đất…" "Cây trâm bầu" đã ra đi, ở tuổi 70 (ông sinh ngày 6/1/1934). Để lại trong lòng bạn bè và người yêu nhạc bao nỗi nuối tiếc.

Nuối tiếc một nhạc sĩ tài danh. Nuối tiếc một nhạc sĩ, mà nói về ông, người ta có thể dùng từ "có bản sắc riêng" một cách chính xác nhất. Bản sắc của một nhạc sĩ mang dân ca vào những ca khúc hiện đại. Và luôn luôn, tìm cho mình những hình tượng âm nhạc độc đáo và rất "Thái Cơ".

Tên khai sinh là Đậu Vũ Như, quê quán Tiền Hải - Thái Bình, 18 tuổi Thái Cơ đã nhập ngũ và hoạt động trong đội văn nghệ của Trung đoàn 55 (Quân khu 4). Năm 1956, ông trở thành diễn viên đoàn văn công Tổng cục Chính trị. Và từ năm 1961, ông là cán bộ biên tập âm nhạc của Nhà xuất bản Văn hoá (sau này là Nhà xuất bản Âm nhạc). Đây là công việc Thái Cơ "trụ" lâu nhất. Ông đã được đánh giá là một trong những nhạc sĩ biên tập xuất sắc nhất của NXB.

Có một thời, người ta đã nhắc tới bốn cái tên An Chung - Thái Cơ - Xuân Giao - Lương Vĩnh - bốn nhạc sĩ cùng "điểm chung" là NXB Âm nhạc; và cùng có những tác phẩm đề lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người nghe. Trong "tứ trụ" này, Thái Cơnổi lên như một nhạc sĩ có nhiều bài hát được phổ biến rộng rãi trong quần chúng. Ông đặc biệt thành công với những ca khúc viết về đề tài nông thôn: "Tiếng còi thi đua" (Giải Nhì Hội Nhạc sĩ VN), "Thư ra tiền tuyến", "Tiếng hát hậu phương", "Nón trắng trên đồng"…

Có 3 nhạc phẩm của Thái Cơ có thể xếp vào hàng ca khúc "để đời", đó là "Rặng trâm bầu", "Qua bến đò Quan", "Khi thành phố lên đèn"… Cùng với chất liệu dân ca, những ca khúc này khi cất lên, cứ như một lời thủ thỉ kể chuyện, thấm - thấm rất sâu và ở rất lâu trong lòng người nghe. Giống như "cây cắm sâu vào lòng đất… ôm ấp bờ cây dài, sóng dội mà cây vẫnhát"… Bởi thế, nhiều người có thể không nhớ cái tên Thái Cơ, nhưng nói tới "Rặng trâm bầu", "Qua bến đò Quan" thì thế hệ trên 50 tuổi hiện nay đều biết và đều có thể hát vài hát vài câu được.

Được trao huy chương "Vì sự nghiệp âm nhạc Việt Nam", "tài sản" riêng thì mới có một tập "Ca khúc Thái Cơ" kèm băng cassette riêng xuất bản năm 1996. Khiêm tốn vậy. Nhưng những gì Thái Cơ để lại, người đời sẽ phải nhớ và hiểu rằng: nó chẳng khiêm tốn chút nào.

H.N

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhạc sĩ Thái Cơ - "Rặng trâm bầu" đã trở về đất mẹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.