Theo dõi Báo Hànộimới trên

Theo bước chân phóng viên chiến trường

Hải Giang| 30/04/2010 07:09

(HNM) - Hơn 100 bức ảnh sống động mang tên

Bức ảnh “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của tác giả Lê Minh Trường tại triển lãm.


Khoảnh khắc lịch sử

Không có từ nào hơn 4 từ trên, thể hiện đầy đủ giá trị, ý nghĩa của những bức ảnh được ghi lại trong ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết; giữa nỗi lo lắng với niềm tin xốc tới ngày giải phóng ấy.

Tổng Giám đốc TTX Việt Nam Trần Mai Hưởng, một trong những phóng viên chiến trường ngày ấy, cho biết: Hơn 100 bức ảnh này được các phóng viên TTX Việt Nam thực hiện trong những năm tháng khốc liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Trong số này, có những tác phẩm đã đi vào lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam, thành công ở cả hai phương diện báo chí và nghệ thuật như "Từ thần sấm xuống xe trâu" của Văn Bảo, "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" của Minh Trường, "Mẹ con ngày gặp mặt" của Lâm Hồng Long… Đặc biệt là khoảnh khắc san lấp hố bom của tiểu đội các cô gái ngã ba Đồng Lộc đã mãi mãi đi vào huyền thoại, mà phóng viên Văn Sắc kịp ghi lại.

Để còn mãi những khoảnh khắc lịch sử này cho mai sau, nhiều phóng viên nhiếp ảnh của TTX Việt Nam đã nằm lại chiến trường. Và, trong số những người may mắn còn sống, có một số "tay máy" như Đinh Quang Thành, Hoàng Thiểm, Ngọc Đản… đã có mặt tại triển lãm, góp phần làm sống dậy những khoảnh khắc lịch sử do các anh và đồng nghiệp ghi lại. Có thể kể đến giây phút người lính xe tăng chạy trên bậc thềm Dinh Độc lập; Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh cúi đầu khi bị áp giải đến Đài PTTH để tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, rồi nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn - Nguyễn Trung Kiên, người dẫn đường cho quân giải phóng tấn công Dinh Độc lập và sân bay Tân Sơn Nhất…

Mãi mãi, cho dù là thời gian sẽ phủ bụi lên những lớp ảnh, nhưng những khoảnh khắc đã được ghi lại sẽ còn lay động các thế hệ người Việt Nam.

Tấm bản đồ cho ngày giải phóng

Trong cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, trên 260 phóng viên (trong đó có hơn 40 phóng viên nhiếp ảnh) của TTX Việt Nam đã hy sinh.
Trong đó phóng viên nhiếp ảnh, liệt sĩ Bùi Đình Túy (tức Đinh Thúy) là nhà nhiếp ảnh duy nhất được đặt tên cho một cây cầu và một đường phố ở TP Hồ Chí Minh.
TTX Việt Nam dự kiến sẽ chọn và biên soạn nhiều bộ sách ảnh về chiến tranh giải phóng của Việt Nam.

Trong lúc chuyện trò, nguyên TGĐ TTX Việt Nam - nhà báo Đỗ Phượng - bỗng vỗ vai tác giả Đinh Quang Thành và nói: "Ông này chính là người mang bản đồ vào cho quân giải phóng". Chuyện rõ dần theo dấu chân tổ "mũi nhọn" của TTX năm xưa. Nhà báo Đinh Quang Thành trên đường cùng tổ này vào chiến trường miền Nam, khi qua Đà Lạt (lúc này đã giải phóng), tới Nha bản đồ của ngụy, anh phóng viên trẻ đã nhanh tay tìm được 8 mảnh, ghép thành 2 tấm bản đồ Sài Gòn khổ lớn mang theo. Ngày 29-4, tại rừng cao su Xuân Lộc (Đồng Nai) Trung đoàn 66 (sư 304, Quân đoàn 2) chuẩn bị tiến công vào Sài Gòn, nhưng tấm bản đồ có được không chỉ quá nhỏ (khổ A4) mà còn mờ tịt. Vậy là mấy mảnh bản đồ của Thành lúc ấy đã kịp thời làm nhiệm vụ dẫn đường, góp phần không nhỏ cho chiến thắng của quân ta.


Không nhiều người biết câu chuyện này, nhà báo Đinh Quang Thành đến giờ vẫn cho là sự may mắn ngẫu nhiên. Đúng thế, nhưng đó là sự may mắn đến sau những nỗ lực không mệt mỏi của cả một dân tộc.

Còn rất nhiều câu chuyện tương tự như tấm bản đồ nói trên. Trong ngày đầu triển lãm, cựu chiến binh Tô Kiều Thẩm (nguyên bộ đội Trung đoàn Đặc công 198, Quân đoàn 3, đánh phía Tây Bắc Sài Gòn) bùi ngùi mãi trước tấm ảnh một người lính Cụ Hồ đang kề chiếc bi đông rót nước cho một tù binh ngụy, dưới chân là những đổ nát sau trận đánh cao điểm 550 tại Đường 9 nam Lào 1971. Ông Tô Kiều Thẩm xúc động: Một bức ảnh nhưng gợi lại cho tôi biết bao phẩm chất tốt đẹp của người lính Cụ Hồ bộc lộ ngay giữa cuộc chiến khốc liệt.

Một câu chuyện khác sau bức ảnh bộ đội ta tấn công sân bay Tân Sơn Nhất. Người thanh niên Sài Gòn chở nhà báo Đinh Quang Thành từ Dinh Độc lập tới sân bay đã đề nghị đổi chiếc đồng hồ mới của anh lấy một đồng tiền có hình Bác Hồ, để mang về tặng mẹ. Nhà báo Đinh Quang Thành không đổi mà tặng anh một tờ tiền màu xanh với hình Bác như ước nguyện…

Sẽ còn và mãi còn những câu chuyện phía sau những tấm ảnh để kể cho muôn đời sau về cuộc chiến tranh giải phóng đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Theo bước chân phóng viên chiến trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.