Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân: "Đừng bao giờ so sánh phim nhựa với phim truyền hình"

TUYETMINH| 31/03/2005 10:52

Việc Nguyễn Thanh Vân - đạo diễn nổi tiếng trong lĩnh vực điện ảnh với những Cây bạch đàn vô danh, Đời cát, Người đàn bà mộng du... nhận làm 12 tập phim truyền hình Một thời đã sống (khởi quay đầu tháng 4/2005) của Hãng phim Truyền hình TP.HCM khiến rất nhiều khán giả ngạc nhiên...

Đạo diễn Thanh Vân

Việc Nguyễn Thanh Vân - đạo diễn nổi tiếng trong lĩnh vực điện ảnh với những Cây bạch đàn vô danh, Đời cát, Người đàn bà mộng du... nhận làm 12 tập phim truyền hình Một thời đã sống (khởi quay đầu tháng 4/2005) của Hãng phim Truyền hình TP.HCM khiến rất nhiều khán giả ngạc nhiên...

* Thưa đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, anh nhận lời mời làm phim của TFS vì lý do gì: kịch bản hay, vì mưu sinh, hay vì chưa có kế hoạch làm phim nhựa trong năm nay?

- Vì cả ba. Nhưng cũng phải nói ngay rằng đây là một kịch bản hay của Nguyễn Anh Dũng (Hãng phim truyện VN), mang dáng dấp của một tiểu thuyết. Tôi đã hoàn thành kịch bản phân cảnh, chọn được bối cảnh quay và đang lựa chọn diễn viên.

* Anh có thể nói qua về nội dung phim ?

- Tôi đã đổi tên phim từ Bổn phận sang Một thời đã sống. Bối cảnh chính là một làng quê vùng khai hoang của miền núi phía Bắc trong thời gian từ những năm 60 kéo dài đến sau giải phóng miền Nam. Một gia đình có 2 anh em cùng yêu một cô gái. Cô gái yêu người em, khi họ trở thành vợ chồng cũng là lúc người em phải lên đường vào chiến trường, và người vợ có mang. Thời gian sau, nhận được tin người em đã hy sinh, người anh và cô gái thành vợ chồng, có con. Rồi một ngày người em trở về... Những nhân vật trong kịch bản đã thu hút tôi bởi số phận, tính cách khá đầy đặn, bộn bề. Câu chuyện lại xảy ra trong một giai đoạn đất nước có nhiều biến động.

* Dường như anh rất có duyên với số phận những người phụ nữ nhiều sóng gió, trắc trở. Liệu TFS mời anh có phải vì lý do này?

- (Cười) Cũng có thể. Nhưng quan trọng là tôi nhận thấy sự tin cậy rất cao của TFS dành cho mình.

* Anh có hay xem phim truyền hình nhiều tập không?

- Rất lười. Duy nhất bộ phim truyền hình nhiều tập mà tôi xem đầy đủ nhất, trong tâm trạng háo hức chờ đợi là Tam quốc diễn nghĩa của Trung Quốc phát sóng trên Truyền hình Việt Nam cách đây khá lâu.

* Anh đã làm phim truyền hình nhiều tập chưa?

- Đó là 2 tập phim Vết trói làm cho Đài Truyền hình Việt Nam năm 1997. Thực chất đó là một phim điện ảnh làm bằng video. Tôi đã triển khai về không gian, bối cảnh, hình ảnh, cách khai thác nhân vật hoàn toàn theo tư duy của một phim điện ảnh, bởi hồi đó tôi chưa nhiều kinh nghiệm cũng như chưa hiểu thật vững về nguyên tắc làm phim truyền hình. Sau 8 năm, bây giờ tôi sẽ cố gắng làm Một thời đã sống bằng tất cả sự hiểu biết, kinh nghiệm đang có của tôi về phim truyền hình.

* Không ít đạo diễn điện ảnh coi việc làm phim truyền hình là sự hạ thấp tay nghề của mình, anh nghĩ sao?

- Không đúng. Nếu cứ theo quan niệm ấy thì tôi lại phải nói rằng có không ít người làm điện ảnh nhưng chẳng khác gì đang làm truyền hình bằng chất liệu phim nhựa. Cách đánh giá cao hay thấp của tay nghề mà lại dựa vào chất liệu làm phim, đó là sự nhầm lẫn cực kỳ tai hại. Hoặc đó chỉ là một cách ngụy biện cho sự yếu kém, cẩu thả của người làm phim. Theo tôi, đừng bao giờ so sánh giữa phim nhựa và phim truyền hình vì đặc trưng, mục đích, đối tượng, nhu cầu thưởng thức của hai loại hình này là khác nhau. Vấn đề là hiệu quả mà bộ phim đó đạt được. Có những phim nhựa còn kém gấp vạn lần so với phim truyền hình. Chắc chẳng ai cho rằng những phim truyền hình nổi tiếng như Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Bạch tuộc (phần 1) lại kém phim nhựa.

* Anh có sợ áp lực không khi khán giả rất trông chờ xem một Thanh Vân "đình đám" trong điện ảnh làm phim truyền hình nhiều tập như thế nào?

- Thường là khi làm phim xong rồi tôi mới "ngửi" thấy mùi áp lực. Còn khi đang làm phim, tôi chẳng để ý đến thứ gì khác ngoài việc cố gắng làm tốt nhất những gì có thể, cố gắng vượt qua chính mình.

* Anh có thể tiết lộ thù lao đạo diễn?

- Đủ để tôi sống "xông xênh" cả năm.

Theo TN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân: "Đừng bao giờ so sánh phim nhựa với phim truyền hình"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.