Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gợi mở một tiểu thuyết lịch sử!

Thi Thi| 15/08/2012 07:15

(HNM) - Sáng 14-8, tại Hà Nội, cộng đồng mạng lucbat.com cùng NXB Công an nhân dân tổ chức ra mắt cuốn sách


Gia đình đại tá Đào Đình Bảng trong lễ ra mắt cuốn sách do NXB Công an nhân dân tổ chức.  

Buổi ra mắt diễn ra trong không khí thân tình, với sự có mặt của gia đình gồm vợ, các con Đại tá Đào Đình Bảng và đặc biệt là những đồng chí, đồng đội đã cùng ông rong ruổi khắp những vùng biên ải xa xôi. Mọi người đều tin rằng, cho dù còn đang phải nằm viện vì tai biến, không thể đi lại, trò chuyện được, song ông sẽ cảm nhận được tình cảm ấm áp trong buổi ra mắt cuốn sách vào đúng ngày ông tròn 89 tuổi này.

"Dặm dài ải Bắc" chỉ gần 150 trang, do nhà văn Nguyễn Trường Thanh, nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Lạng Sơn, tác giả của nhiều tập truyện, tiểu thuyết lịch sử, thực hiện. Như tác giả chia sẻ, thì nhân vật chính của cuốn sách này - Đại tá Đào Đình Bảng là người thực sự sống trong lòng dân, nhưng đó cũng là một người ít nói về mình. Nhiều năm nay, nhà văn Nguyễn Trường Thanh cùng với gia đình Đại tá Đào Đình Bảng và các đồng chí, đồng đội của ông đã tìm kiếm tư liệu, soi tỏ hơn chân dung "một người lính Cụ Hồ 100%". Với lối viết giản dị, tác giả dẫn dắt người đọc qua những chặng đường mà người chiến sĩ Đào Đình Bảng đã qua, từ một học sinh yêu nước, cán bộ Tiền khởi nghĩa, đến một chiến sĩ, cán bộ quản lý, đại biểu Quốc hội... Mỗi chương là một câu chuyện dài như "Những ngày đầu tham gia cách mạng", "Hoạt động ở Yên Bái", "Chiến khu Vần", "Những thời khắc lịch sử", "Cuộc chiến đấu chống phỉ", "Giải oan cho một con người", "Xây dựng thế trận lòng dân"…

Đại tá Đào Đình Bảng không chỉ cống hiến khi đang đương chức Trưởng ty Công an tỉnh Yên Bái, Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn, Phó trưởng đoàn chuyên gia của Bộ Công an công tác tại Lào, đại biểu Quốc hội khóa II... Ngay khi vừa nghỉ hưu năm 1991, ông lại lao vào một hành trình mới là tìm kiếm, chứng minh, trả lại danh phận liệt sĩ cho hơn 50 cán bộ trẻ ngành y đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ trong một trận bom ở Yên Bái. Ông đã trở thành nhân vật chính trong bài báo "Sự thao thức của phẩm cách con người" của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng.

Cũng trong cuốn sách này, bạn đọc có thể tìm thấy nhiều câu chuyện thật sự xúc động như việc giải oan cho ông Lê Văn Đức, một trí thức yêu nước bị kết tội "phần tử nguy hiểm bất mãn". Đáp lời tri ân của ông Lê Văn Đức là chia sẻ vô cùng giản dị của Đại tá Đào Đình Bảng: "Không để lọt tội phạm, không để hàm oan cho người tốt, không chỉ là trách nhiệm, lương tâm mà còn là tư chất, phẩm cách của người chiến sĩ công an nhân dân".

Không hiểu sao, khi đọc cuốn sách này người viết lại liên tưởng đến Bí thư Tỉnh ủy Quyết Định, nhân vật chính trong tiểu thuyết "Một mình một ngựa" của nhà văn Ma Văn Kháng. Ông Quyết Định, hay Đại tá Đào Đình Bảng, danh phận khác nhau, có những vui, buồn riêng tư khác nhau, nhưng đều có một điểm chung xuyên suốt là một lòng vì nước, vì dân. Đọc "Dặm dài ải Bắc" thấy nổi lên quá nhiều chi tiết, nhiều câu chuyện có thể phát triển và mở rộng phục vụ cho một cuốn tiểu thuyết lịch sử có tầm vóc. Bỗng nhiên cuộc đời lặng thầm và đẹp đẽ của nhân vật chính lại vượt xa khỏi khuôn khổ một cuốn sách nhỏ bé. Nó cho thấy những số phận của văn học nói chung và đề tài lịch sử nói riêng ở đất nước ta không hề hiếm, mà ngược lại. Nó cũng thách thức các cây bút trong việc chuyển tải nhiều hơn, nhiều hơn nữa những nhân vật như vậy đến với người đọc bằng con đường xúc cảm của văn chương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gợi mở một tiểu thuyết lịch sử!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.