Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bồi dưỡng văn chương ngắn hạn: Có làm nên chuyện?

Lưu Nguyễn| 19/04/2013 08:35

(HNM) - Từ hai lớp tại Hà Nội cho đến lớp vừa qua tại Hà Nam, có thể thấy mô hình đào tạo ngắn hạn trong sáng tác, cảm thụ văn chương đang manh nha hình thành với nhiều khả năng phát triển…


Lớp bồi dưỡng sáng tác văn học Hà Nam khóa I vừa được mở tại thành phố Phủ Lý (Hà Nam) với số lượng học viên lên đến 76 người, do Hội VHNT tỉnh và Ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Đó là các nhà văn, nhà thơ hội viên Hội VHNT tỉnh, thành viên CLB thơ, trong đó nhiều người là cộng tác viên Tạp chí Sông Châu - một ấn phẩm của Hội VHNT Hà Nam.

Họa sĩ Lê Minh Sơn, Chủ tịch Hội chia sẻ: Bồi bổ kỹ năng, nghiệp vụ sáng tác, thẩm định văn chương, góp phần nâng cao chất lượng sáng tác của các học viên, qua đó nâng cao chất lượng tạp chí chính là mục đích của BTC lớp học. Còn theo nhà văn Võ Thị Xuân Hà, Trưởng ban Nhà văn trẻ thì phía Hà Nam đã mong đợi lớp bồi dưỡng văn chương này từ lâu, nhưng nay mới tổ chức được và đáng mừng là được các học viên hưởng ứng nhiệt tình.

Đồng hành cùng lớp học là các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu như Lê Minh Khuê, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Việt, Ngô Văn Giá… Họ chia sẻ với các học viên không phải chỉ là những lý thuyết về nghề mà còn là thực tiễn sáng tác rất cụ thể. Nhiều giảng viên trong số này đã từng tham gia hai lớp bồi dưỡng văn chương ngắn hạn trước đó, cùng nhiều tác giả, nhà nghiên cứu, dịch giả như Khuất Quang Thụy, Phạm Xuân Nguyên, Chu Văn Sơn, Trần Đình Hiến… gồm "Lớp sáng tác và thẩm bình truyện ngắn" và "Lớp sáng tác và thẩm bình văn chương" do Khoa Viết văn, báo chí (Trường ĐH Văn hóa) tổ chức vào tháng 8-2012 và tháng 1-2013 vừa qua. Đáng chú ý, các lớp học này cũng như lớp học tại Hà Nam đã không chỉ hấp dẫn với các cây bút chuyên nghiệp mà còn thu hút cả những người viết không chuyên. Như nhận định của PGS-TS Ngô Văn Giá, Trưởng khoa Viết văn, báo chí (Trường ĐH Văn hóa) thì trong xã hội, trên rất nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau, có không ít người nuôi giấc mơ sáng tác, mong muốn học hỏi để nâng cao khả năng và các cây bút chuyên nghiệp cần giúp họ.

Tất nhiên, mong ước là một chuyện, để đổi lấy hai chữ "thành công" trong văn chương có khi không phải chỉ là chuyện mồ hôi, nước mắt mà là cả ở việc anh có tài thực sự hay không ? Vì vậy, không ai dám khẳng định tất cả những người tham gia các khóa học đều bỗng chốc thành tài. Nhưng chắc chắn, những cuộc truyền lửa nho nhỏ này làm lợi cho cả học viên, giảng viên và đời sống văn học nói chung. Vì sao? Mỗi khóa học giống như một sự gợi mở để các học viên tiếp cận, trao đổi về kỹ thuật, thủ pháp sáng tác, thẩm định tác phẩm, giải quyết ít nhiều những "bế tắc" trong nghề viết. Đời sống văn học của một bộ phận người viết ở các cơ sở nhờ thế mà sôi nổi và cập nhật hơn. Bên cạnh đó, phải nói rằng, cơ sở cũng chính là nơi có thể tìm kiếm những tài năng văn chương mới, là nguồn cảm hứng cho chính những cây bút đã thành danh. Đúng như chia sẻ của nhà văn Lê Minh Khuê, một giảng viên chăm chỉ đọc tác phẩm của tất cả các học viên rồi góp ý cho từng người một, thì "thực ra, chúng tôi cũng học hỏi được nhiều điều từ các học viên!".

Cũng mong những lớp bồi dưỡng văn chương vừa qua sẽ tiếp tục tạo động lực để các hội VHNT địa phương, các cơ sở đào tạo về văn học… mạnh dạn hơn trong việc kiến tạo những chương trình bồi dưỡng sáng tác, thẩm bình văn chương. Biết đâu đấy, nhiều năm sau nhìn lại, đây chẳng đã từng là một trong những chiếc nôi phát hiện và bồi dưỡng nhân tài văn học cho đất nước!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bồi dưỡng văn chương ngắn hạn: Có làm nên chuyện?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.