Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lộ diện những ứng viên Hoa hậu Dân tộc Việt Nam 2013

Hoàng Lân| 21/05/2013 07:56

(HNMO) - Tối 20-5, đêm bán kết cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam lần thứ III-2013 đã diễn ra thành công tại Hà Nội, sau 2 phần thi trang phục áo tắm và trang phục dân tộc truyền thống, BGK đã chọn ra 30 thí sinh xuất sắc nhất lọt vào vòng chung kết cuộc thi. Ngoài ra, người đẹp Nguyễn Thị Hải Yến - “ Người đẹp xứ Trà 2011” cũng được đặc cách vào thẳng vòng chung kết.

30 thí sinh vào vòng chung kết Hoa hậu Dân tộc 2013

Với các thí sinh người dân tộc, phần thi áo tắm luôn là một “thử sức” với họ. Trong đêm bán kết, nhiều thí sinh đến từ các dân tộc thiểu số không tránh khỏi sự bỡ ngỡ, căng thẳng khi phải đứng trên đôi giày cao gót, mặc bộ trang phục đi biển màu xanh ngọc. Tuy nhiên, các cô gái đều nỗ lực hoàn thành tốt phần thi của mình với nụ cười tươi tắn

Ở cuộc thi lần thứ III này, chiều cao của thí sinh khá lý tưởng, hầu hết là 1,69m-1,74m. Thí sinh người Gia Rai, Ksor H’Bem (đến từ Gia Lai) sở hữu chiều cao 1,69m. Thí sinh Hà Thị Phương (dân tộc Mường) đến từ Yên Bái sở hữu chiều cao 1,66m. Thí sinh hiện đang “sở hữu” chiều cao kỷ lục ở vòng bán kết phía bắc là thí sinh Nguyễn Thị Hồng Nhung đến từ Hải Phòng với chiều cao 1,77m. Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng đối với BTC cuộc thi, khi mà ở những cuộc thi trước, chiều cao cũng là một thử thách với các thí sinh dân tộc.

Phần thi trang phục dân tộc vẫn là phàn thi được mong chờ nhất. Thí sinh Hoàng Thị Kiều Anh(SBD 01) với bộ trang phục sườn sám của dân tộc Hoa và mái tóc gợi nhớ tới hình ảnh của nữ diễn viên nổi tiếng Thang Duy của Trung Quốc. Thí sinh Nguyễn Mai Anh (SBD 02), dân tộc Kinh, duyên dáng với chiếc áo dài có hình cậu bé chăn trâu thổi sáo.”Đạo cụ” mà Mai Anh mang lên sân khấu cũng là cây sáo, đã tạo cho cô gái dân tộc Kinh này nét thanh thoát rất đáng yêu. Không có “đạo cụ”, nhưng với màu áo dài đỏ rực rỡ mà Nguyễn Thị Ngọc Anh(SBD 03) chọn, cũng đã giúp thiếu nữ đến từ Thanh Hoá này toả sáng trên sân khấu. Thí sinh Lù Thị Mai (dân tộc Thái), SBD 27, khoe sắc trong bộ trang phục Thái giản dị nhưng tôn lên vẻ đẹp người con gái Thái với hàng cúc (gọi là “tém”), vốn thời xưa được làm bằng bạc, với áo chủ yếu là màu trắng, cổ áo khoét rộng, chân váy dài, màu đen nhánh, lấp lánh hàng dây xà tích.

Các thí sinh thi trang phục bikini


Cô gái Xinh Mun duy nhất Lò Thị Minh (Lai Châu), SBD 29, lại rạng rỡ giới thiệu về bộ trang phục dân tộc Xinh Mun với sự giao hoà của trang phục nhiều dân tộc anh em trong đất nước Việt Nam: Chiếc kiềng giống của người Kinh, chiếc túi đeo giống của người Thái nhưng có thêm những quả bông sặc sỡ; bộ váy áo cũng giống như của người Thái nhưng lại có sự giao thoa với trang phục người Lào… Tất cả tạo nên một bộ trang phục rất đặc sắc của riêng người Xinh Mun của Lò Thị Minh. Là thí sinh dân tộc Giáy duy nhất trong cuộc thi, cô gái đại diện cho dân tộc rất hiếm này là Lù Thị Kim Duyên (SBD 10), đến từ Lào Cai, thật duyên dáng với chiếc áo ngắn màu xanh và quần lụa đen, trang phục truyền thống của dân tộc cô.

Mỗi thí sinh, ngoài việc khoe sắc trong trang phục dân tộc của mình, còn mang theo lên sân khấu những đạo cụ rất đặc trưng của dân tộc như chiếc nón dân tộc La Chí của thí sinh Lù Thị Bích (SBD04), cây đàn tính của thí sinh dân tộc Tày, Hàn Thị Diệp (SBD 08). Thí sinh dân tộc Lào đầu tiên góp mặt trong cuộc thi Lò Thị Điểm (Điện Biên)- SBD 06 lại duyên dáng trong trang phục dân tộc Lào và mềm mại trong điệu múa Lăm Vông của dân tộc mình. Lò Thị Điểm tâm sự, cô rất vinh dự khi lần đầu tiên dân tộc cô được góp mặt trong cuộc thi nhan sắc của các dân tộc anh em trong đất nước Việt Nam chúng ta, cô mong muốn sẽ góp thêm một nét độc đáo của văn hoá dân tộc Lào trong vườn hoa trăm sắc của cuộc thi.

Thí sinh Nguyễn Thị Loan có hình thể đẹp

Trong đêm bán kết, sau 2 phần trình diễn trang phục bikini và dân tộc đã hé lộ một vài gương mặt sáng giá cho Hoa hậu Dân tộc Việt Nam lần thứ 3, đó là cô gái Nguyễn Thị Ngọc Anh với gương mặt rạng ngời, sáng sân khấu; Nguyễn Thị Loan với hình thể rắn rỏi, chỉ sổ 3 vòng chuẩn (cô cao 1,74m: 90-62,5-92,5)…

Kết quả, Ban giám khảo đã chọn ra 30 thí sinh xuất sắc nhất vào vòng chung kết cuộc thi. Bên cạnh đó, BTC cũng đặc cách người đẹp Nguyễn Thị Hải Yến - “ Người đẹp xứ Trà 2011” vào thẳng vòng chung kết. Vòng chung kết sẽ diễn ra từ ngày 10-27/6 tại địa điểm: Sunrise Hội An Beach Resort, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Phát biểu tại cuộc thi, TS Đoàn Thị Kim Hồng, Đệ nhất Hoa hậu Quý bà Thế giới, Phó trưởng Ban Tổ chức, khẳng định: Đây là cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia duy nhất trong năm 2013, nhằm tôn vinh vẻ đẹp về tài năng trí tuệ hình thể và tâm hồn của thiếu nữ các dân tộc Việt Nam. Cuộc thi này cón có ý nghĩa cao quý hơn đó là thắt chặt tình đoàn kết của 54 dân tộc anh em nhằm tôn vinh và giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam đến với mọi người trong và ngoài nước. Và đây là một trong những hoạt động chính của “Festival Di sản Quảng Nam” lần thứ V năm 2013, hưởng ứng kỷ niệm 10 năm Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

Thí sinh Nguyễn Ngọc Anh nổi bật bởi gương mặt sáng


TS Kim Hồng khẳng định, tỉnh Quảng Nam nằm ở trung điểm của cả nước, địa danh nổi tiếng với hai Di sản Văn hóa Thế giới đó là Đô thị cổ Hội An và Khu di tích Mỹ Sơn, Quảng Nam còn được biết đến là "Vùng đất văn hóa", nơi đã sản sinh ra nhiều thế hệ danh nhân và là mảnh đất "Trung dũng kiên cường", giàu lòng yêu nước truyền thống cách mạng. Thiên nhiên ưu đãi cho Quảng Nam với nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như đảo Cù Lao Chàm vừa được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần 3 năm 2013 được tổ chức tại tỉnh Quảng Nam cùng với sự kiện quan trọng này sẽ góp phần quảng bá hiệu quả hơn nữa địa danh du lịch hấp dẫn này.

* Một số hình ảnh trong đêm bán kết Hoa hậu Dân tộc 2013 khu vực phía Bắc:

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lộ diện những ứng viên Hoa hậu Dân tộc Việt Nam 2013

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.