Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Đàn bà đẹp" - Tập truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy: Thổ cẩm văn chương!

Nguyễn Chí Hoan| 06/07/2013 08:00

(HNM) - Cùng với tập tản văn

Mười hai truyện trong “Đàn bà đẹp” đều xoay quanh những chuyện tình không thể thành công, trong đó, các nhân vật đàn bà đều đẹp, đôi lúc vẹn toàn cả tài - sắc, khiến ta không thể không nghĩ đến cái tiên đề bất trắc xưa “hồng nhan bạc mệnh”.



Ở đây, khi khám phá tiêu đề kinh điển ấy trong những kiếp người gắn đời mình với núi đá nương ngô, con ngựa, cây anh túc, cây bạc hà và hoa tam giác mạch… Đỗ Bích Thúy cho thấy lại một điều ít ai lưu tâm: người Mông vốn có một nền văn hóa riêng dày dặn, lịch lãm văn minh, từng trải và cao cấp, chứ không giản đơn chỉ là một sắc tộc thiểu số sống trong mây. Có lẽ bởi vậy, chị đã dồn sức mà không mấy khó khăn dệt nên những tấm thổ cẩm văn chương này, tái hiện cái phong cách trang trí rực rỡ, ước lệ sống động, đầy cảm xúc, từ những chất liệu hồn nhiên và mênh mang buồn. Và dấu ấn tác giả hoàn toàn rõ nét trong một phong cách “bưu ảnh” trọn vẹn hiếm thấy: các truyện hầu hết đều gọn, tỉa tót rất khéo và gợi vài ba nét đặc trưng phong tục - truyền thống - khung cảnh, từ đó toát ra không phải “ý nghĩa” mà là cảm thức về thân phận, hồn người.

Những mảnh thêu rực rỡ và ưu uẩn như thế có thể thấy ở cả bảy truyện kể về những bản Mông trên vùng núi đá Hà Giang, mà tập trung nhất trong truyện dài nhất - “Lặng lẽ dưới vực sâu”. Mô-típ tình tay ba rất đặc thù: Súa yêu Vừ, nhưng vào ngày hẹn để được “cướp” về làm vợ, Súa lại bị Phống cướp mà không hay biết. Theo phong tục, Súa cam chịu. Phống mê mẩn song không chinh phục được tình cảm của Súa nên lồng lộn đủ cách, rồi đến một ngày kia hóa ra bất lực, phẫn chí ra đi, khiến Súa hối hận theo chân chồng xuống vực…; trong lúc đó, Vừ đeo đẳng thuyết phục Súa bỏ chồng theo mình, những tưởng đã sắp “cướp” lại được người yêu sau bao năm vất vưởng thì lại một lần nữa đứng mãi trong một đêm “cướp” hụt…

Hình ảnh một “đàn bà đẹp” gây ấn tượng nhất trong câu chuyện u sầu này. Nhân vật Súa, “đứa con gái Mông đẹp nhất vùng”, “mười thằng trai nhìn thấy Súa thì cả mười thằng bị Súa cho hít thuốc mê” được nhấn mạnh thêm bằng hình ảnh nhân vật Nhí, em gái của Phống, một cô bé câm, cũng xinh đẹp, khao khát tình yêu và yêu một người chăn ong lãng du xa lạ - tình yêu mà dường như đã khiến người chăn ong phải bất đắc kỳ tử.

Những chuyện tình như vậy, cùng hình ảnh những “đàn bà đẹp” và những câu ca Mông ưu uẩn đến sững sờ khiến cho mỗi câu chuyện ở đây hé ra vài ô cửa nhỏ sâu hút, cho thấy bề dày kinh lịch của một nền văn hóa đặc thù trên xứ đá tai mèo.

Và tất cả những chuyện tình say đắm theo những tình huống khác biệt đó nói lên một điều hết sức căn bản, mà có lẽ bởi sống trong cảnh cheo leo cô biệt, những con người này đã nhận ra một cách hồn nhiên, thẳm sâu, như chính sự thật: “Và làm sao mà con người lại cần nhau đến thế?”. Câu hỏi khiến cho những tấm “bưu ảnh” văn chương này mang lại một cảm giác lắng đọng, vương vấn, bùi ngùi.

Và có một vài nỗi ám ảnh điểm xuyết qua các truyện khiến ta nghĩ tác giả có lẽ vẫn còn giữ những bí mật cho các sáng tác sau này của chị. chẳng hạn, hình ảnh nhân vật cô gái câm xuất hiện đến hai lần, trong hai truyện dài nhất tập, truyện vừa kể trên và truyện cuối “Trong thung lũng”. Rất có thể, đấy là tín hiệu về những chương khác tiềm tàng của tác giả này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Đàn bà đẹp" - Tập truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy: Thổ cẩm văn chương!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.