Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đêm nhạc "Giai điệu nước Pháp": Chút lạ lẫm với guitar

Thụy Du| 26/08/2013 06:23

(HNM) - Nhóm nhạc New Morning Quartet của Việt Nam sẽ có đêm trình diễn nhạc jazz với nhạc cụ guitar là chủ đạo trong chương trình


Cảm nhận vẻ đẹp nước Pháp của đêm nhạc Jazz "Melodies Francaises." (Ảnh: BTC)


- Nhắc đến jazz, người Việt thường nghĩ tới piano, saxophone. Vậy, chơi jazz bằng guitar có gì khác không?

- Đúng là ở Việt Nam người ta tiếp cận nhạc jazz với các nhạc cụ khác nhiều hơn guitar. Nhưng, với jazz, điều quan trọng không phải là nhạc cụ gì, vấn đề là chơi ra "hơi" của jazz, đó là cả một quá trình rèn luyện. Ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam có hẳn một khoa guitar jazz và tôi là giảng viên. Tất nhiên, mỗi nhạc cụ đều có tính năng riêng và vì thế, cách chơi cũng khác nhau. Guitar là một nhạc cụ khá phổ biến ở nước ta. Hy vọng rằng đêm nhạc tới sẽ là sự kết hợp các ưu điểm của jazz (nhạc ngẫu hứng, thư giãn, có chiều sâu) và guitar (dễ gần khán giả).

- Nhóm gồm 4 cái tên khá nổi, ngoài jazz còn chơi tốt ở nhiều dòng nhạc, như anh từng chơi Flamenco, Doãn Việt Dũng chơi guitar cổ điển, Hà Đình Huy là tay trống cho nhiều ban nhạc, Hoàng Hải Bằng là cây bass của nhóm rock Ngũ Cung. Phải chăng khi lập nhóm, các anh có ý định hình thành con đường riêng - chuyên chơi guitar jazz?

- Đấy là mơ ước và là điều chúng tôi theo đuổi. Quan trọng khi chơi nhạc jazz là phải có sự hòa hợp, hiểu ý, đối đáp, giao tiếp với nhau và với khán giả qua âm nhạc. Chúng tôi tìm được ở nhau, ở jazz điều ấy và tất cả quyết tâm theo đuổi. Lập ban nhạc, chúng tôi muốn đẩy mạnh và đưa tới khán giả những cái hay, đẹp, quyến rũ, phóng khoáng của
guitar jazz.

- Chương trình tới đây, có thể nói, là sự ra mắt chính thức của nhóm."Giai điệu nước Pháp" thể hiện qua guitar jazz sẽ thế nào?

- Chúng tôi muốn đem đến một đêm trình diễn mang đặc trưng của nhạc jazz Pháp, có sự ngẫu hứng, sôi nổi nhưng lại bay bổng, trữ tình. Là những người yêu và hiểu nước Pháp cũng như âm nhạc của họ, bản thân tôi từng học sau đại học chuyên ngành guitar jazz tại đó, tên ban nhạc cũng lấy từ một tụ điểm nhạc jazz nổi tiếng ở Pháp nên chúng tôi đã chọn danh mục nhạc phẩm quen thuộc với công chúng, nghe là người ta biết đó là nhạc Pháp. Tuy nhiên, trước đây, những tác phẩm này thường được biết đến qua phong cách nhạc khác, hoặc thông qua hát, nay chúng tôi chơi bằng guitar với sự ngẫu hứng và sáng tạo theo cách cảm của người Việt Nam đối với âm nhạc của nước bạn, thông qua các tác phẩm như "Lavie en rose" (Edith Piaf), "Made in France" (Bireli Lagrene), "Douce France" (Charles Trenet)… hay một vài sáng tác của nghệ sĩ tiêu biểu cho jazz Pháp là Django Reinhardt, Richard Galliano.

- Là nghệ sĩ chuyên nghiệp, anh có ý định sáng tác hay phối khí, biến tấu các tác phẩm Việt Nam cho guitar jazz không?

- Đối với một nghệ sĩ nhạc jazz, mỗi lần lên sân khấu là một lần sáng tạo. Cùng một tác phẩm ấy nhưng không lần trình diễn nào giống lần nào. Tác phẩm phụ thuộc vào sự ngẫu hứng, tâm trạng và sự kết hợp với người chơi lúc ấy. Là người Việt Nam, dù chơi bản nhạc jazz của quốc gia nào thì chúng tôi cũng muốn biến tấu theo cảm nhận của người Việt Nam. Về lâu dài, tôi rất muốn chuyển soạn hay sáng tác tác phẩm guitar jazz của Việt Nam.

- Anh đánh giá sao về khán giả nhạc jazz của Việt Nam?

- Trước đây, khán giả của jazz ở Việt Nam thường là người nước ngoài, nhưng gần đây jazz có nhiều công chúng là người Việt Nam. Họ đến nghe thường xuyên, tỏ rõ sự hiểu biết về jazz. Có thể do sự mở rộng giao lưu, công nghệ và nhiều người tìm được ở jazz sự đồng cảm, giao tiếp nội tâm khá lớn mà ít thể loại nhạc khác có được.

- Xin cảm ơn anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đêm nhạc "Giai điệu nước Pháp": Chút lạ lẫm với guitar

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.