Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thoát khỏi cảnh “nền văn chương xa lạ”

Thi Thi| 29/12/2013 06:33

(HNM) - Từ gần hai năm qua, Tiến sĩ văn học Đoàn Cầm Thi (hiện là Phó Giáo sư tại Viện Ngôn ngữ và văn minh phương Đông - Inalco, Pháp) và bạn bè, người thân, đồng nghiệp của chị, trong đó có các nhà văn Việt Nam đã cùng nhau xây dựng

- Có kỷ niệm ấn tượng nào với chị và đồng nghiệp trong những ngày đầu khởi động Tủ sách?

- Tủ sách mới ra đời được hơn một năm, còn quá sớm để nói về kỷ niệm. Với chúng tôi, tất cả còn ở phía trước.

Tiến sĩ Đoàn Cầm Thi.


- Cảm xúc của chị khi cuốn sách văn học Việt Nam đầu tiên trong Tủ sách được ra mắt bằng tiếng Pháp, ngay tại nước Pháp?

- Tôi không nhớ chính xác nữa. Đương nhiên là vui, nhưng đâu đó trong tôi có lời tự nhủ: Cuốn sau có lẽ phải đẹp hơn…

- Đến nay Tủ sách đã có bao nhiêu đầu sách được xuất bản? Dự kiến xuất bản trong thời gian tới?

- Đã có 5 tựa sách được xuất bản, gồm "T mất tích", "Khmer Boléro", "Cơ hội của chúa", "Thang máy Sài Gòn" và tuyển tập truyện ngắn "Delete". Năm 2014, chúng tôi sẽ xuất bản "Thoạt kỳ thủy" của Nguyễn Bình Phương, "Song song" của Vũ Đình Giang, "Giữa dòng chảy lạc" của Nguyễn Danh Lam, "Blogger" của Phong Điệp, "Paris 11 tháng 8" của Thuận…

- Tôi rất tò mò muốn biết quy trình để một dịch phẩm được ra đời?

- Chúng tôi luôn đặt tiêu chí chất lượng lên đầu. Mỗi năm chúng tôi họp với nhà xuất bản hai lần, để bình chọn những cuốn sách cần dịch và giới thiệu. Sau đó, các dịch giả sẽ chia việc, thường thì cần ít nhất một năm để dịch một cuốn tiểu thuyết. Tiếp theo là các thao tác kỹ thuật. Những việc này rất công phu nhưng hoàn toàn có thể lên lịch trước. Cái khó chính là phần giới thiệu. Làm thế nào để tạo được thời cơ cho từng cuốn sách, từng tác giả ? Điều này đòi hỏi sự nhạy cảm nhất định, đặc biệt là khả năng thuyết phục. Nói chung là phải vừa mềm dẻo vừa quyết liệt. May thay, vì là "tủ sách trẻ" nên được Nhà xuất bản Riveneuve ưu ái hơn. Hơn nữa, đại đa số dịch giả là giảng viên đại học, nên chúng tôi nhận được sự hỗ trợ rất lớn của giới nghiên cứu.

- Một nhà văn Việt Nam rất xúc động khi thấy chị và các đồng nghiệp phải tự thân vận động rất nhiều cho sự ra đời và hoạt động của Tủ sách. Hiện nay, khó khăn lớn nhất với Tủ sách là gì? Có khi nào mọi việc rơi vào bế tắc?

- Vẫn là thiếu dịch giả giỏi và những Mạnh thường quân tâm huyết. Nhưng đó không phải là bế tắc, mà chỉ là những khó khăn nhất thời.

- Để làm được công việc giới thiệu văn học đương đại Việt Nam thì phải đọc. Chị thường tìm đọc văn học Việt Nam đương đại ở đâu?

- Tôi tìm đọc bằng mọi cách. Khi thì trên mạng, khi thì trên giấy. Bạn bè sang đây đều được "nhờ" mang sách thay vì mang bánh dẻo, bánh cốm, ô mai. Thêm nữa, mỗi bạn văn là một cái ăng-ten giúp tôi "bắt sóng"…

- Vậy còn công việc nghiên cứu văn chương Pháp trong mối quan hệ tương tác với văn chương đương đại Việt Nam?

- Tôi sống ở Pháp nên không thể bàng quan với văn học Pháp và những hoạt động nghiên cứu liên quan đến nó. Tôi đã bắt đầu bằng văn học Pháp, tin rằng nó còn mang lại cho cá nhân tôi những niềm vui bất ngờ. Chẳng hạn, cuốn "Nỗi đau" của Marguerite Duras mà tôi dịch từ năm 2000, đến nay vẫn lôi cuốn tôi như ngày nào. Mỗi lần đọc lại, nó mang lại cho tôi sự liên tưởng và những khám phá mới. Nhiều khi, nó rọi ánh sáng mới đến những cuốn sách Việt mà tôi đang đọc. Và ngược lại. Tôi yêu thích sự va chạm, với mọi nghĩa của từ này.

- Xét cho cùng, mục tiêu lớn nhất mà Tủ sách theo đuổi là gì?

- Mục tiêu sâu xa của Tủ sách vẫn là hấp dẫn được giới chuyên môn và giới nghiên cứu Pháp. Chừng nào các tác giả Việt Nam chưa được các nhà văn Pháp quan tâm, chưa bước qua được ngưỡng cửa các trường đại học Pháp thì họ vẫn chỉ là những đại diện của một nền văn chương "xa lạ"... Với tinh thần đó, chúng tôi hoàn toàn ý thức được sự nỗ lực cần có của những người điều hành Tủ sách cũng như của các đồng nghiệp và những người yêu mến văn chương Việt Nam.

- Năm 2014 là năm Việt Nam tại Pháp. Tủ sách có những chuẩn bị gì để tranh thủ sự kiện này nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, nhà văn hai nước?

- Các hoạt động chính đều đã thành hình. Ví dụ "Tuần lễ Việt Nam đương đại: Văn chương, điện ảnh, ngôn ngữ" vào tháng 3-2014, gồm hội thảo 3 ngày tại Viện Nghiên cứu ngôn ngữ và văn minh phương Đông, Hội sách Paris, gặp mặt tại một số thư viện và thảo luận bàn tròn tại Bảo tàng Le Grand Palais. Sau đó, vào tháng 6, chúng tôi sẽ có hội thảo xoay quanh tiểu thuyết Việt Nam đương đại tại Thư viện quốc gia Pháp. Năm 2014, nước Pháp tổ chức kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Marguerite Duras, Tủ sách đã được mời tham gia bàn tròn với tiêu đề "Văn học Việt Nam trong ngôn ngữ của Duras".

Thực ra, kế hoạch của chúng tôi cho năm 2015 cũng đã có. Để tồn tại, chúng tôi phải chạy nhanh hơn cả thời gian vật lý.

- Xin chân thành cảm ơn chị!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thoát khỏi cảnh “nền văn chương xa lạ”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.