Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bền bỉ ngọn lửa đam mê thơ Bác

Vương Trọng| 01/01/2014 06:22

(HNM) - Trong thời gian 40 năm, từ năm 1973 đến 2013, nhà nghiên cứu, phê bình văn học Lê Xuân Đức đã ra mắt bạn đọc 12 tập sách viết về thơ Bác Hồ, do các nhà xuất bản Văn học, Giáo dục, Thanh niên, Quân đội nhân dân và Chính trị quốc gia ấn hành.

Đạt được danh hiệu “chuyên gia số một” này là một niềm vinh hạnh lớn, nhưng đối với ông, danh hiệu đó vẫn chưa nói hết được sự đam mê, bền bỉ, niềm hạnh phúc khi bình giảng thơ Bác, từ tập Nhật ký trong tù đến những bài thơ khác của Bác Hồ, trong đó có những bài thơ chúc Tết quen thuộc với đồng bào cả nước. Trải thời gian khá dài, với nhiều đề tài khác nhau… ông đã bình toàn bộ thơ Bác cả thơ tiếng Việt và thơ chữ Hán nên thật khó có được sự nhận định thấu đáo nên trong bài viết này, tôi chỉ muốn nêu cảm nhận của mình qua những bài bình giảng của ông đối với tập Nhật ký trong tù.


Chúng ta biết rằng Nhật ký trong tù do Bác Hồ viết trong thời kỳ bị Quốc dân đảng Trung Quốc bắt giam từ ngày 29-8-1942 đến 10-9-1943, gồm 377 ngày, trải qua 30 trại giam của tỉnh Quảng Tây. Là tập thơ, nhưng trước hết, nó mang chất nhật ký, nghĩa là tác giả ghi lại những gì xảy ra trong ngày, không phải ngày nào cũng ghi, nhưng khi đã ghi, thì là chuyện của ngày đó. Chữ “chuyện” ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ ghi lại những gì tác giả chứng kiến trong tù hoặc dọc đường lưu đày, mà một phần đáng kể là suy nghĩ, hoặc bình luận, nhận định của tác giả về con người, xã hội, thời cuộc. Và trong một số trường hợp, tác giả chỉ ghi tâm trạng của mình, chứ không kể chuyện…

Là quyển nhật ký bằng thơ của một nhà thơ có tài, có tâm, có tầm nên có nhiều bài thơ thật hay, có thể xếp ngang hàng với các bài thơ chữ Hán hay của các nhà thơ Việt Nam trong lịch sử, nhà phê bình văn học Lê Xuân Đức đã nghiên cứu thi phẩm hết sức cẩn trọng từ thời gian và hoàn cảnh ra đời của bài thơ, phân tích cái hay, cái đẹp ẩn giấu trong từng con chữ. Và đặc biệt, người bình thơ đã chuyển đến người đọc ý nghĩa của bài thơ cũng như nhân sinh quan của tác giả. Ở đây, kiến thức của một giảng viên dạy văn ở bậc đại học, với vốn Hán học hiện có và từng trải, cộng với lòng đam mê thơ Bác, những bài bình giảng của ông không chỉ chuyển tải nội dung, ý nghĩa bài thơ, mà trong nhiều trường hợp, còn chuyển được lòng đam mê thơ Bác của ông đến với bạn đọc.

Theo thống kê của nhà phê bình văn học Lê Xuân Đức, trên sách báo trung ương và địa phương, các nhà nghiên cứu từ trước đến nay chỉ phân tích, bình giảng được 39 bài, cộng thêm một số bài được trích dẫn và bình luận trong các cuộc hội thảo. Như vậy, với 133 bài thơ của Bác trong Nhật ký trong tù, thì giới nghiên cứu, phê bình văn học mới phân tích, bình luận chưa được một phần ba số bài! Vì sao vậy? Có lẽ nguyên nhân chính cũng từ nội dung qua tên gọi Ngục trung nhật ký. Nếu như là Ngục trung thi tập, thì chắc chắn Bác Hồ sẽ chỉ đưa vào tập sách những bài thấm đẫm chất thơ, từ ngôn ngữ sử dụng, đến cấu tứ bố cục. Nhật ký trong tù, trước hết mang chức năng nhật ký, nghĩa là ghi “những cái” xảy ra trong ngày. Tôi dùng hai từ “những cái”, mà không dùng “những chuyện”, vì không chỉ những chuyện, mà ghi cả ý nghĩ, tâm tư, tình cảm… của tác giả trong ngày đó. Bởi vậy, có khi là những mẩu chuyện đơn thuần, Bác chỉ có ý ghi lại để nhớ. Ở những bài đó, lời lẽ Bác không chỉ giản dị, mà rõ ràng như một sự đưa tin. Với các bài thơ nói về công việc đơn giản, lời lẽ rõ ràng thì nhà phê bình văn học biết làm gì đây. Loại thơ này dễ cho người đọc mà khó cho người bình. Đó là lý do xưa nay các nhà nghiên cứu, lý luận tránh né. Với nhà phê bình văn học Lê Xuân Đức thì không thế. Ông biết bình giảng những bài thơ đó là rất khó, nhưng với lòng đam mê thơ Bác của mình, ông vẫn có cách dắt dẫn, để sau khi đọc lời bình của ông, bạn đọc ghi nhận thêm bao điều như tình cảm, tư tưởng, lòng nhân đạo của tác giả.

Tôi là người làm thơ và cũng thích bình thơ, nhưng đứng trước nhiều bài thơ trong Nhật ký trong tù, tôi cảm thấy thật nan giải. Bởi vậy tôi hăm hở đọc lời bình của Lê Xuân Đức, và khi đọc xong thì cảm nhận được ngay: Nhà nghiên cứu đã tìm được lời giải tối ưu khi bình giảng các bài thơ đó! Hãy đơn cử một vài ví dụ: Bài Đồng Chính được dịch thơ như sau: Bình Mã thế nào, Đồng Chính vậy/Bữa lưng bát cháo, bụng cồn cào/Nước và ánh sáng thì dư dật/Ngày lại hai lần mở cửa lao. Ông Lê Xuân Đức bình: “Cái hay, cái độc đáo của bài thơ là, từ sự việc thực, chi tiết thực, tác giả đã phát hiện ra một mâu thuẫn, một sự mỉa mai: Ấy là ngày ngày cháo thì chỉ lưng bát nhưng nước và ánh sáng thì tha hồ “xơi” thỏa thích”! Hai chữ “mỉa mai” là “nhãn tự” trong câu bình này, vì nó điểm đúng cái “huyệt” của bài thơ, điều mà chính tác giả muốn nói. Những nhà phê bình văn học ngày nay thường dùng nhiều từ khi bình một bài thơ, chứ các cụ ngày xưa, như Đại thi hào Nguyễn Du bình thơ trong tập Hoa nguyên thi thảo, mỗi bài bình chỉ điểm huyệt mấy từ. Với bài thơ Đồng Chính, hai từ “mỉa mai” ông Lê Xuân Đức dùng đã điểm trúng thần thái của bài thơ; Hay như bài Long An - Đồng Chính: Vùng này tuy rộng, đất khô cằn/Vì thế nhân dân lại kiệm cần/Nghe nói xuân nay trời đại hạn/Mười phần thu hoạch chỉ đôi phần. Người đọc có thể lĩnh hội ngay toàn bộ ý của bài thơ, bởi lời lẽ dễ hiểu, ý tứ rõ ràng. Sau khi giới thiệu địa lý và thời tiết vùng đất này, nhà phê bình văn học không phân tích từng câu chữ, mà chuyển tới một thông điệp khác, giúp người đọc hiểu thêm phẩm chất cao đẹp của Bác, thể hiện trong phần kết bài bình: “Điều đáng nói, đáng trân trọng ở đây là, người tù ấy đang bị cực hình, cực khổ, đang bị lưu đày mà vẫn sẻ chia, đồng cảm với cái khổ của người khác, là một tấm lòng cao cả, một chủ nghĩa nhân văn sâu rộng biết ngần nào”; Với bài Nhập lung tiền (Tiền vào nhà giam): Mới đến nhà giam phải nộp tiền/Lệ thường ít nhất năm mươi nguyên/Nếu anh không có tiền đem nộp/Mỗi bước anh đi mỗi bước phiền”. Ý thơ rõ ràng, phản ánh một thực tế ở nhà tù Quốc dân đảng. Nhà phê bình văn học biết rằng giảng giải những câu thơ kia là thừa, nên ông muốn cung cấp cho bạn đọc chuyện nhà tù thu tiền tù nhân đã thành hệ thống. Ông “thống kê” lại những câu thơ trong những bài khác mà Bác đã nói chuyện này, như ở nhà lao Nam Ninh: Thổi một nồi cơm trả sáu hào/Nước sôi một chậu, một đồng trao; ở nhà lao Tân Dương: Vào lao thì phải nộp tiền đèn/Tiền Quảng Tây vừa đúng sáu mươi nguyên… và dẫn đến chuyện nộp tiền ở nhà lao này: Mới đến nhà lao phải nộp tiền/Lệ thường ít nhất năm mươi nguyên, rồi nhà phê bình văn học đúc kết lên án: “Té ra nhà tù cũng là một nơi thu tiền như quán trọ, cũng kinh doanh, mà kinh doanh trên thân xác người tù”… Điểm qua một vài ví dụ để nói rằng, nhà nghiên cứu văn học Lê Xuân Đức đã có cách xử lý linh hoạt và hiệu quả trước những bài thơ rất khó bình giảng của Nhật ký trong tù. Điều đó góp phần đưa đến thành công của ông.

Khi trò chuyện với nhà nghiên cứu văn học Lê Xuân Đức cũng như khi đọc tác phẩm của ông, tôi nhận thấy ông thấm đẫm trong “từ trường” thơ Hồ Chí Minh. Ông không chỉ thuộc lòng toàn bộ thơ của Bác, từ nguyên văn chữ Hán, dịch nghĩa và các bản dịch thơ của các dịch giả khác nhau. Không những thế, với óc liên tưởng phong phú, nên trước một bài thơ của Bác, ông không chỉ cung cấp cho người đọc, với đề tài này, Bác đã từng nói ra sao ở các bài thơ khác, mà còn cho bạn đọc biết, các nhà cách mạng khác, các nhà thơ khác từng nói như thế nào, làm cho bạn đọc cảm thấy lý thú.

Kiến thức uyên thâm, tính tình trầm tĩnh, với lòng bền bỉ đam mê thơ Bác, nhà nghiên cứu phê bình văn học Lê Xuân Đức đầy cảm hứng khi bình giảng thơ Bác, nhưng không theo lối ngẫu hứng, khoa trương… mà luôn luôn bám sát văn bản, phân tích tường tận một cách khoa học. Ông cũng đã huy động sự liên tưởng phong phú của mình để hội tụ những câu, những ý tiềm ẩn trong kiến thức có liên quan, làm cho bạn đọc không những hiểu sâu bài thơ đang bình, mà còn được mở rộng hơn về kiến thức văn học.

Nhà nghiên cứu, phê bình làm được như vậy khó lắm!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bền bỉ ngọn lửa đam mê thơ Bác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.