Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Cần có thêm giải pháp mới

Hải Giang| 24/01/2014 06:19

(HNM) - Trong hai tháng qua, việc tổng kết quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa đã được Đảng ta chỉ đạo thực hiện nghiêm túc trên phạm vi cả nước, trong đó, quan trọng nhất là Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển


Đằng sau việc tổng kết nêu trên thấy rõ một tinh thần tập trung, quyết tâm làm sâu sắc hơn văn bản chiến lược này, để đi đến cùng trong công cuộc bồi bổ sức mạnh nội sinh của dân tộc.

1. Giải pháp mới phù hợp với tình hình mới

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh nêu rõ, ngoài việc tổng kết thì hội nghị còn nhằm kiến nghị bổ sung về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho phù hợp với tình hình mới, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đoại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Như vậy, Đảng ta đang lắng nghe nhằm hoàn thiện đến mức cao nhất có thể cương lĩnh văn hóa trong thời kỳ mới. Đây cũng là mong mỏi chung của nhân sĩ, trí thức, đại biểu dự hội nghị, thể hiện qua ý kiến đề xuất xây dựng một nghị quyết mới về văn hóa. Tất cả cho thấy tinh thần chung là phải có những điều chỉnh, bổ sung trong các nội dung quan trọng của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) cho phù hợp thực tiễn.

Kỳ họp thứ 10 của Hội đồng Lý luận TƯ, cơ quan tư vấn cấp cao cho Đảng và Nhà nước về công tác lý luận diễn ra ngày 16-1 càng cho thấy rõ điều này. Ý kiến của các thành viên góp phần làm sáng rõ những điểm cần điều chỉnh, bổ sung, thể hiện rõ trong dự thảo báo cáo của Hội đồng. Ví như xác định mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể cho phát triển văn hóa. Trong đó, mục tiêu chung cần hướng tới là "Xây dựng và phát huy hệ giá trị con người - hệ giá trị xã hội Việt Nam thành nguồn lực nội sinh của dân tộc…"; "Hình thành trong thực tiễn đời sống hệ giá trị con người, hệ giá trị xã hội Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế…".

Còn mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2020, tầm nhìn 2030 gồm: "Định hình rõ hệ giá trị con người - hệ giá trị xã hội Việt Nam trong giai đoạn mới; Tăng cường tiềm lực văn hóa quốc gia; tập trung phát triển nguồn lực con người…". Dự thảo báo cáo tư vấn cũng đưa ra các ý kiến đề xuất rất cụ thể về việc rà soát, bổ sung, làm gọn, nhấn mạnh các nội dung của Nghị quyết, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, các nhóm giải pháp. Ví như đề nghị bổ sung quan điểm về sứ mệnh cao cả của văn hóa là "xây dựng con người, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người với hệ giá trị cốt lõi là yêu nước, sáng tạo, nhân văn".

Rõ ràng, hai tiếng "con người" đã đậm nét hơn, từ những hình dung vĩ mô cho đến những tiêu chí cụ thể. Đây là điều mà trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) chúng ta đã nhận thức được, nhưng chưa làm nổi bật được.

2. Thực tế và hiệu quả

Mới rồi, khi khánh thành rạp chiếu đầu tiên cho phim hoạt hình Việt Nam, trong nỗi xúc động, lãnh đạo của Công ty TNHH MTV Hãng phim Hoạt hình Việt Nam bày tỏ: "Nếu không có con người văn hóa, con người yêu nước thì lấy ai bấm nút những phương tiện kỹ thuật hiện đại?". Còn một thành viên Hội đồng Lý luận TƯ thì kể câu chuyện giản dị mà thấm thía: Nói đến xây dựng con người Việt Nam, một vị khách nước ngoài nêu "trước hết phải làm sao để lái xe taxi luôn có đủ tiền lẻ để trả lại khách hàng". Đó không phải là câu chuyện của riêng lái xe, mà là của cả một hãng taxi và rộng ra là của tư duy kinh doanh thời hiện đại.

Phát triển văn hóa, vấn đề vĩ mô làm sao và cũng cụ thể làm sao. Điều đó khiến ta thấy rõ văn hóa đã có bước phát triển nhưng chưa đủ thấm sâu vào đời sống xã hội, là bởi các giải pháp đưa ra cũng như việc thực hiện chưa thực sự hiệu quả. Do đó, nhiều đại biểu không chỉ đề xuất ban hành Nghị quyết mới theo hướng sát với thực tế hơn, mà còn yêu cầu phải có hướng dẫn thực hiện nội dung Nghị quyết có trọng tâm, theo từng giai đoạn.

Hội đồng Lý luận TƯ cũng đã thẳng thắn nêu rõ phải đổi mới phần tổ chức thực hiện, quan trọng là xác định cụ thể đầu mối lãnh đạo, chỉ đạo chính, trách nhiệm và quyền hạn cụ thể của các cấp, ngành, đơn vị. Bởi lẽ, các nghị quyết nói chung và Nghị quyết về văn hóa đều được chuẩn bị rất công phu, song lại cũng đều có hạn chế là chưa quan tâm đầy đủ đến điều kiện thực hiện. Vì vậy, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu, công việc được nêu trong Nghị quyết không có nguồn lực để triển khai có kết quả. Hội đồng Lý luận TƯ đã đề nghị trong những văn kiện sắp tới, trước mắt là văn kiện Hội nghị lần thứ 9, BCH TƯ khóa XI cần xác định rõ khả năng, điều kiện xác lập nguồn lực để bảo đảm hiện thực hóa nội dung Nghị quyết, trên cơ sở đó mà xác định những mục tiêu, chỉ tiêu, công việc phải làm và có thể làm dứt điểm trong thời gian xác định.

Như vậy, với tinh thần phát triển văn hóa là nhiệm vụ liên quan mật thiết đến phát triển con người, tới hạnh phúc của mỗi gia đình, tới sự tồn vong của dân tộc, chúng ta không chỉ chờ đợi mà còn góp phần hoàn thiện một Nghị quyết mới về văn hóa, cách thiết thực nhất là xây dựng lề lối ứng xử có văn hóa trong đời sống hằng ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Cần có thêm giải pháp mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.