Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tình người, tình đất phương Nam

Vân Sơn - Thanh Tàu| 30/04/2014 07:26

(HNM) - Khi đờn ca tài tử (ĐCTT) trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh: Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc là một nhiệm vụ then chốt trong Chiến lược phát triển văn hóa của đất nước, góp phần giữ gìn cốt cách, tâm hồn và bản lĩnh


Sức sống

Những ngày cuối tháng 4 này, đến với Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014, ta được chứng kiến một không gian nghệ thuật khoáng đạt. Không cầu kỳ tiết tấu, không sân khấu rực rỡ mà giữa sông nước mênh mang những tiếng đờn đưa đẩy lời ca mộc mạc, đằm thắm cũng đủ làm say lòng du khách. Giáo sư Trần Văn Khuê nói, cái đặc biệt của nghệ thuật ĐCTT là bất cứ ở đâu, trên đường đi cày, đi cấy, gặt lúa, khi chèo xuồng một mình trên sông hay giữa mênh mông đồng nước Tháp Mười, những người dân Nam bộ bất chợt trở thành người nghệ sĩ ĐCTT khi cất tiếng của tâm hồn. ĐCTT đã đi vào tâm hồn và "ăn vào máu" người dân Nam bộ một cách tự nhiên, bền bỉ đến lạ thường.

Trình diễn tại Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014.


Theo ông Võ Văn Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu, đồng Trưởng ban Chỉ đạo Festival, từ những năm giữa và cuối thế kỷ XVII, khi khai phá đất phương Nam, sự thay đổi của phong thổ, đất đai cùng sự hào phóng của thiên nhiên vùng đất mới đã làm thay đổi tính cách những lưu dân và hình thành nên tính cách phóng khoáng, hào hiệp, nghĩa tình của người dân nơi đây; hình thành nền văn hóa sông nước, văn hóa miệt vườn trong giao thoa của nền văn hóa cộng cư Kinh, Khmer, Hoa, Chăm… Cùng với đó, một loại hình nghệ thuật mới đã ra đời trên nền tảng âm nhạc cung đình Huế, nhạc lễ Nam bộ và dân ca, đó chính là ĐCTT. Nghệ thuật ĐCTT mang đậm tâm hồn, tính cách người phương Nam và là nền tảng tinh thần, là động lực trực tiếp, là sức mạnh nội sinh giúp người dân chiến thắng muỗi mòng, thú dữ để sinh cơ, lập nghiệp; chiến thắng thiên tai và giặc ngoại xâm để giữ yên bờ cõi…

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhiều bài ĐCTT đã ra đời, khóc lên nỗi đau mất nước, cảnh mẹ mất con, vợ lìa chồng… như bài "Văn thiên tường" tưởng nhớ thủ khoa Nguyễn Hữu Huân khi bị thực dân Pháp giết hại; bài "Tứ bửu" diễn tả nỗi thương tâm cùng tột của con người sống trong cảnh nước mất nhà tan… Trong kháng chiến, ĐCTT là linh hồn của phong trào "Tiếng hát át tiếng bom" ở Nam bộ. Một số bản nhạc tài tử thời kỳ đó trở thành bất hủ như: Mặt trận Tầm Vu, Chống Bảo Đại… Sau khi đất nước thống nhất, ĐCTT không chỉ lan tỏa sâu rộng ở vùng sâu, vùng xa nơi quê mùa chất phác mà còn khơi mạch thành dòng chảy mạnh mẽ ở chốn thị thành. Từ em nhỏ đến cụ già đều thuộc lòng những bài vọng cổ. Già, trẻ, gái, trai, người lao động, dân trí thức… đều xoay quanh tiếng đàn, tiếng hát. Đó là tiếng nói của tình mẫu tử, tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ, ca ngợi các bậc hiền tài đã góp công cho dân, cho nước…

Những câu ca, điệu đờn ấy chính là tình người, tình đất của phương Nam, vì vậy mà nó không chỉ tồn tại và thăng hoa trong phạm vi Nam bộ, mà còn lan tỏa mạnh mẽ để rồi ĐCTT được thế giới vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo thống kê, tại 21 tỉnh, thành Nam bộ có 2.019 câu lạc bộ ĐCTT sinh hoạt thường xuyên và thu hút hơn 23.000 thành viên tham gia. Người nhỏ nhất 9 tuổi, lớn nhất cũng đã gần trăm tuổi.

Thách thức mới

Khi ĐCTT đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của cả thế giới, nhiệm vụ bảo vệ và phát huy những giá trị đó cho thế hệ mai sau trở thành thách thức không nhỏ. Bởi theo GS-TS Trần Văn Khê, ĐCTT trong giai đoạn phát triển hiện nay đã mất dần chất tài tử mà biến thành tiết mục biểu diễn hoặc trên sóng các đài phát thanh, truyền hình thì bị sân khấu hóa. Nhiều chương trình nặng phần trình diễn, chú trọng nhiều đến phần ca hơn là hòa đàn.

Trong khi đó, theo nghệ nhân Nguyễn Tấn Nhì, ĐCTT có tính thính phòng, đờn ca trong một không gian vừa đủ cho người chơi và người nghe. Dù ban ngày hay ban đêm, việc cùng nhau thưởng thức tiếng đờn và lời ca mà không cần phải có máy móc tăng âm, dùng tai để nghe là chính nhưng đôi khi phải nhắm mắt lại, dùng trái tim để cảm nhận nghệ thuật ĐCTT. Chơi ĐCTT là chơi bài bản và phải chơi trọn bài, trọn bản, thời lượng trình tấu càng nhiều càng dễ có ngẫu hứng sáng tạo cho tiếng đờn lời ca, chứ không thể áp đặt sự trình diễn.

Bên cạnh khắc phục những vấn đề trên, GS Trần Văn Khê cho rằng, nên phổ biến ĐCTT không chỉ trong lễ hội mà có thể tổ chức những buổi ĐCTT có giải thích cho học sinh tiểu học, trung học. Những xưởng đóng đàn ngoài việc tạo ra nhạc khí cao cấp, nên tạo ra những nhạc khí trung bình với mức giá vừa phải để người mới vào nghề và học sinh tập sự có thể mua được. Những doanh nghiệp lớn có thể tài trợ tổ chức hằng năm những cuộc liên hoan ĐCTT. Công việc giữ gìn, phát triển và phổ biến ĐCTT không phải của riêng giới chuyên môn mà là của mọi người. Chính quyền nên chung tay, tạo mọi điều kiện thuận lợi, có chế độ ưu đãi cho nghệ nhân, nhạc sĩ, nghệ sĩ truyền nghề, tạo cho dân chúng điều kiện để hưởng ứng những chương trình ĐCTT đúng nghĩa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tình người, tình đất phương Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.