Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ý tưởng nhiều, thể hiện được bao nhiêu?

An Nhi| 30/08/2014 06:33

(HNM) - Hơn chục ngày mở Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc 2014 tại ĐH Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu - Hà Nội) giúp công chúng hiểu thêm về thế hệ nghệ sĩ trẻ của Việt Nam đang làm gì, hướng sáng tác ra sao?

Ngay lễ khai mạc (ngày 20-8) đã cho thấy một festival mỹ thuật không "trẻ" như tên gọi. Cả 3 phòng triển lãm và khu ngoài trời khá trầm lắng, không có những màn nghệ thuật trình diễn gây bất ngờ; không có hiệu ứng ánh sáng nổi bật, những tia laser sắc cạnh, những màn hình trình chiếu lớn như mọi năm… 110 tác phẩm của 100 tác giả được Hội đồng Nghệ thuật của Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và Triển lãm - Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam tuyển chọn từ 762 tác phẩm, phần lớn là hội họa, đồ họa, số ít là điêu khắc, sắp đặt và video art. Đây là những tác phẩm được sáng tạo trong ba năm (2011-2014), theo nhận xét của Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh & Triển lãm Vi Kiến Thành cho thấy "khuynh hướng sáng tác của những người trẻ quay về với những hình thức thể hiện xưa".

Đã có một thời gian, nghệ thuật đương đại được sử dụng như một trào lưu, phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ, nhưng quá trình trở lại với hình thức cổ điển đã được các nghệ sĩ trẻ đào sâu song làm "tới" được hay chưa thì cần xem xét thêm.

Lướt qua các phòng trưng bày, có thể thấy đề tài được lựa chọn khá đa dạng, từ quá khứ đến cuộc sống hiện đại, từ những vấn đề riêng tư đến nỗi bức xúc chung, rồi là những vấn đề đang "nóng" như môi trường, công nghệ… Các tác phẩm thường phản ánh mặt trái của xã hội với ý đồ cảnh báo. Đáng chú ý, nhiều tác giả sử dụng hình thức sáng tạo 3D trong tác phẩm để mở rộng không gian thưởng thức cho người xem. Ở đây, khán giả cũng được tiếp cận khá nhiều chất liệu sáng tạo thú vị như len, giấy bồi, in lưới, in nhựa thìa nĩa inox, lụa, trúc chỉ, giấy báo…

Tự thân nghệ thuật tạo hình nói lên tất cả, chỉ cần nhìn tác phẩm là hiểu vấn đề, không cần giải thích thêm. Song tại festival, có thể gặp kha khá tác phẩm giãi bày ý tưởng dài dòng, vòng vèo, thậm chí tối nghĩa: "Vì tình yêu là cho đủ tình yêu" của Bảo Vi cần đến một trang giấy "mô tả" tình yêu là gì; "Mùa đông của mẹ" của Hiền Lê miêu tả quá tỉ mỉ công việc của mình để tạo ra tác phẩm; "Âm nhạc ngay đây" của Trần Quốc Trường bắt người xem phải đọc những dòng lê thê về tình yêu âm nhạc và sự cần thiết của nó đối với cuộc sống… Những người trẻ có nhiều ý tưởng lớn, táo bạo nhưng cách thể hiện còn non.

Nghệ sĩ trẻ luôn là những người mạnh dạn, dám nghĩ dám làm và đó là điểm mạnh, giúp họ được đánh giá cao. Tuy thế, suy cho cùng, trong nghệ thuật tạo hình thì ý tưởng sáng tạo và tay nghề thể hiện giữ vai trò ngang nhau. Có thể nhận thấy rõ điều đó qua tranh của các tác giả trẻ mà "cứng" nghề, như "Trong thành phố" (Hoàng Duy Vàng), "Ở nơi đây" (Phạm Tuấn Tú), "Tìm kiếm gương mặt thật" (Nguyễn Khắc Chinh), "Biệt thự liền kề" (Đỗ Hiệp)…

Ông Vi Kiến Thành cho biết, có đến 80% tác phẩm tại festival là của tác giả ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế, Hải Phòng. Có độ chênh khá lớn về chất lượng tác phẩm của các tác giả ở từng địa phương.

Chiều 5-9, festival sẽ bế mạc và có phần trao giải thưởng. "Đánh giá đúng tình hình sáng tạo của những người trẻ hôm nay sẽ xác định được chất lượng nền nghệ thuật nước nhà trong tương lai", thành viên Hội đồng giám khảo Nguyễn Như Huy nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ý tưởng nhiều, thể hiện được bao nhiêu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.