Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài đầu: “Người dẫn đường” đang ở đâu?

An Nhi| 28/11/2014 06:15

LTS:

LTS: "Công cuộc" di dời "hiện vật ngoại lai" ra khỏi di tích, cơ quan công sở trong thời gian vừa qua đã kéo ngành mỹ thuật ứng dụng vào một cuộc mổ xẻ về vấn đề này. Nghe giới mỹ thuật, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử luận về linh vật, thế nào là "hiện vật ngoại lai" hay yếu tố mỹ thuật trong sản phẩm, phần nào có thể thấy lâu nay dấu ấn của mỹ thuật nói chung, mỹ thuật ứng dụng nói riêng trong đời sống quả là hạn chế. Làm sao để mỹ thuật làm tốt vai trò dẫn đường cho cái đẹp, cho "hồn Việt" thấm sâu trong đời sống xã hội?

Bài đầu: “Người dẫn đường” đang ở đâu?

Hai cuộc hội thảo quy mô lớn về mỹ thuật ứng dụng được tổ chức liên tiếp trong thời gian gần đây: "Mỹ thuật ứng dụng trên đường tìm về bản sắc Việt" - do Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Trường ĐH Văn Lang tổ chức vào ngày 28-10 tại TP Hồ Chí Minh và "Mỹ thuật ứng dụng hiện nay và vấn đề biểu tượng trang trí trong quá trình hội nhập ở Việt Nam" do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm (Bộ VH-TT&DL) tổ chức vào ngày 22-11, tại Hà Nội. Những ý kiến được đưa ra tại hai hội thảo này cho thấy sự lai tạp đã trở thành "đại dịch" và mỹ thuật chưa thể hiện đầy đủ vai trò dẫn đường cho cái đẹp.

Phố Hàng Mã tràn ngập đèn, hoa giả, các loại đồ chơi lòe loẹt. Ảnh: Phương Thảo


Ngập tràn sự lai tạp

Khi Bộ VH-TT&DL ra Công văn 2662/BVHTTDL-MTNATL ngày 8-8-2014, yêu cầu không sử dụng biểu tượng, sản phẩm không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam, theo sau đó là sự ồn ào trong cuộc di dời hiện vật ra khỏi một số di tích lớn, không ít người trong chúng ta mới nhận ra rằng những hiện vật, hình ảnh quen thuộc, vẫn thấy ở mọi nơi trên đất Việt không hề chứa đựng hồn cốt Việt Nam. TS Trần Trọng Dương (Viện Hán Nôm) dùng từ "đại dịch sư tử đá" để nói về thứ hiện vật ngoại lai mà ta có thể gặp ở bất cứ đâu, từ đình, đền, chùa, lăng tẩm đến các khu vực công cộng, thậm chí cả làng nghề truyền thống. Họa sĩ Lê Huy Văn (Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) nói: "Đến chợ gốm Bát Tràng, chủ yếu thấy mẫu gốm nước ngoài, đón chúng ta trước cửa chợ là hàng dài chó béc giê màu vàng, tai vểnh, thè lưỡi đỏ lòm. Đến đình, đền, chùa để cầu sự bình an, từ xa đã thấy sư tử đá chễm chệ nhe nanh, giơ vuốt, nhiều con cao gấp rưỡi người thường, che lấp cửa Phật linh thiêng".

Phố Hàng Mã - nơi hội tụ sản phẩm nghề thủ công truyền thống - giờ tràn ngập đèn, hoa giả đỏ rực hoặc vàng chóe, các loại đồ chơi lòe loẹt, bói không ra chiếc đèn ông sao được trau chuốt bởi bàn tay người thợ tài hoa. Mặt tiền các dãy phố mới được trang trí giống nhau, đồng điệu và tẻ nhạt với những pano quảng cáo, biển hiệu karaoke, nhà nghỉ, tiệm xoa bóp với đủ kiểu chữ phô trương, lòe loẹt, "tiếng Anh tiếng em" nhiều khi sai bét. Đáng nói hơn ở chỗ, như những bức ảnh - dẫn chứng mà TS Trần Trọng Dương đưa ra tại hội thảo về mỹ thuật ứng dụng để minh chứng cho sự lai tạp dễ thấy, hoành phi câu đối bằng chữ Hán viết sai chẳng vào đâu, làm sai lệch nội dung mà vẫn "góp mặt" ở đền, đình, thậm chí độc bình lớn trên có ghi… thơ tình được rước vào tận tam bảo…

Trong nhiều sản phẩm tiêu dùng như kẹo, bánh trung thu, sữa, chăn ga, nước ngọt, bao bì mẫu mã sản phẩm có sử dụng mô típ trang trí dựa trên điển tích, nhân vật lịch sử nước ngoài. Nhiều người thấy được sự bất cập cả về giá trị sử dụng lẫn giá trị thẩm mỹ của những hiện vật, sản phẩm ngoại lai nhưng vẫn sử dụng, bởi về cơ bản, chúng ta ít có sự lựa chọn.

"Người dẫn đường" ở đâu?

Sự phổ biến hiện vật ngoại lai, những hình thức trang trí, mẫu mã bao bì quá lố được ví như "đại dịch", tất yếu dẫn đến câu hỏi "tại sao". Mỹ thuật ứng dụng - loại hình nghệ thuật mà tác phẩm của nó là sự giao thoa, kết hợp chặt chẽ giữa giá trị thẩm mỹ (cái đẹp) và giá trị sử dụng (sự hữu ích) - có vai trò dẫn đường cho cái đẹp, cho "hồn Việt", đang ở đâu?

Ở nhiều quốc gia, mỹ thuật ứng dụng được coi là "kim chỉ nam" để Nhà nước định hướng phát triển, là phương tiện để nhận diện bản sắc văn hóa. Thế nhưng, tại Việt Nam, như nhận xét của họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam thì đây lại là một trong những ngành "bị lãng quên, như thể làm nền cho mỹ thuật tạo hình", "không được tính đến khi xem xét biểu hiện bề ngoài của bất cứ sự vật, hiện tượng nào". Nhà điêu khắc Đào Châu Hải thì cho rằng, ở ta, muốn làm đẹp cho nhà mới, nơi làm việc, người bình dân thì dùng tranh chép, đồ thủ công; nhiều người lắm tiền thì ra nước ngoài tìm mua những tảng đá phong thủy lớn hoặc những con vật khổng lồ, dữ dằn về để trang trí… Biểu hiện ấy đủ để những người có tâm trong giới mỹ thuật ứng dụng phải tủi hổ, xót xa.

Nguyên nhân của hiện tượng nói trên có nhiều, từ vấn đề nhận thức, khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhà sản xuất trong nước đến công tác tuyên truyền… nhưng cũng có nguyên nhân từ việc xa rời sứ mạng "dẫn đường" của mỹ thuật. Nói về điều này, nhiều nghệ sĩ cho rằng mỹ thuật ứng dụng Việt Nam còn non trẻ, "cả đời nó" tính đến nay chỉ có được 3 kỳ triển lãm toàn quốc và đa số nghệ sĩ sáng tạo đều phải tự thân vận động để thực hiện sản phẩm của mình - thứ không tùy thuộc vào quan điểm thẩm mỹ của họ, mà còn phụ thuộc vào ý đồ của phía bỏ tiền đầu tư. Tại kỳ triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc (5 năm mới tổ chức một lần) năm 2014, chỉ có 189 tác phẩm tham gia, được chọn từ 500 tác phẩm dự thi. Phần lớn chúng thuộc về mỹ thuật thủ công, thiếu vắng các mảng trang trí nội - ngoại thất, kim hoàn - đá quý, thiết kế mỹ thuật trong ngành xây dựng cơ bản hay các công trình phục vụ đời sống xã hội. Về điểm này, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm giải thích: "Số lượng trưng bày ít là do BTC chỉ chọn những tác phẩm mang bản sắc Việt". Câu trả lời cho thấy "yếu tố thuần Việt" còn là gì đó xa vời đối với giới sáng tạo và chưa được quan tâm đúng mức. Hơn nữa, không chỉ là vấn đề bản sắc, mà còn ở cách mỹ thuật ứng dụng quan tâm đến đời sống như thế nào. Vì sao, tại triển lãm, những tác phẩm được trưng bày đôi khi khiến người xem không tránh khỏi cảm giác "khó gần", ví dụ như tấm gương trang trí quá khổ hay tượng trừ tà kỳ dị? Tính ứng dụng ở đâu?

Có người cho rằng mỹ thuật ứng dụng đang mất phương hướng, đặc biệt là mảng thiết kế biểu tượng trang trí. Phải đến gần đây, khi câu chuyện hiện vật ngoại lai trở nên nóng bỏng thì lần đầu tiên ở nước ta mới có cuộc trưng bày nghê, sư tử thuần Việt nhằm "định hướng sáng tạo cho các họa sĩ, nghệ nhân và các làng nghề" - lời của đại diện BTC - Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Theo PGS. TS Tống Trung Tín (Viện Khảo cổ học), nếu chỉ phê bình, bắt người ta loại bỏ các hiện vật ngoại lai mà không chỉ ra hay chứng minh cho người ta biết đâu là mẫu thuần Việt, phù hợp với thuần phong mỹ tục thì đương nhiên là sự sáng tạo vẫn khó ứng dụng, không được ưa chuộng.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh: "Để xảy ra tình trạng sử dụng tràn lan hiện vật ngoại lai là do giới nghệ sĩ của ta chưa tạo ra được những sản phẩm bản địa thích hợp, được người dân ưa dùng".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài đầu: “Người dẫn đường” đang ở đâu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.