Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ lịch sử để nhìn về hiện tại

Hải Giang| 21/04/2015 07:03

(HNM) - Chiều 20-4, tại Thư viện Hà Nội, các nhà văn Trần Chiến, Nguyễn Ngọc Tiến, TS Hán Nôm trẻ Trần Trọng Dương cùng các nhà nghiên cứu, nhà phê bình văn học đã tham gia tọa đàm


Đúng như PGS.TS Lưu Khánh Thơ nói thì "đây có thể là chủ đề của một hội thảo lớn", nhưng có hai nội dung được các nhà nghiên cứu, nhà phê bình văn học, nhà văn trao đổi sâu là sự cần thiết của việc xuất bản những bộ biên khảo sử và chuyện bếp núc của các tác phẩm văn học có chất liệu, không khí lịch sử. Đáng chú ý là buổi tọa đàm có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu trẻ như: TS Trần Trọng Dương, TS Trần Trọng Hiếu, nhà phê bình Mai Anh Tuấn...

Các ý kiến đều cho rằng, chủ trương in lại những bộ sách mang tính chất "cảo thơm" về lịch sử nói chung và giai đoạn cận, trung đại nói riêng là rất đáng khuyến khích. Đây đều là những tác phẩm hàng đầu, những bộ sách kinh điển nhưng bạn đọc không phải lúc nào cũng có thể tiếp cận do ít tái bản. Có thể kể đến một số tên sách đã giới thiệu gần đây như "Lịch triều hiến chương loại chí" (Phan Huy Chú), "Kiến văn tiểu lục", "Đại Việt thông sử" (Lê Quý Đôn)...

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Hán Nôm Trần Trọng Dương cũng đặt ra vấn đề, các NXB nên tập trung vào những bộ biên khảo được xử lý tốt về sử liệu, tránh tình trạng in đi in lại một bản dịch mà không có những khảo cứu từ bản gốc, hoặc không có chú giải của các nhà khoa học... TS Trần Trọng Dương cũng nêu ví dụ một vài gương mặt nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã có những lao động thực sự nghiêm túc về một triều đại, một giai đoạn lịch sử cụ thể mà các NXB của ta chưa khai thác được để giới thiệu với bạn đọc Việt Nam. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi về việc: Nếu chỉ tin tưởng vào bản gốc mà không tin tưởng bản dịch thì bạn đọc phổ thông (không thông thạo Hán Nôm) làm sao có thể kiểm chứng được chất lượng những cuốn sách biên khảo lịch sử hiện nay? TS Trần Trọng Dương thừa nhận đấy là khó khăn chung và việc có thể làm là cố gắng hạn chế tối đa những sai sót khi thực hiện các công trình liên quan đến lịch sử, các văn bản cổ.

Từ câu chuyện về việc tái bản, giới thiệu các công trình biên khảo lịch sử, buổi tọa đàm cũng đặt vấn đề các nhà văn xử lý tư liệu ra sao để sáng tạo tác phẩm văn học. Với "Gót Thị Mầu, đầu Châu Long" nhà văn Trần Chiến cho rằng những sự kiện liên quan trực tiếp đến lịch sử thì ít nhưng không khí văn hóa của một thời kỳ lịch sử thì đã nhào cuộn trong ông từ bé và cứ thế đi vào trang sách. Với "Cậu ấm" - một tiểu thuyết đậm chất Hà Nội, Trần Chiến cho biết nhân vật cha con Đỗ Như Thản và "Cậu ấm" được lấy nguyên mẫu một phần từ các nhân vật lịch sử như Nguyễn Văn Vĩnh, Vũ Đình Long. Với ông "Người ta có thể quên tên tác phẩm, tác giả nhưng chỉ cần nhớ nhân vật là đã thành công rồi".

Còn với "Me Tư Hồng", các nhà phê bình cũng giống như nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến đều nhận ra nhân vật có thật - bà Tư Hồng với những thăng trầm của số phận là một nhân vật văn học thú vị. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến đã viết về "Me Tư Hồng" với những nguồn khảo cứu tư liệu mà ông tin cậy, trong đó có tư liệu từ hồi ký của một viên toàn quyền Đông Dương. Tuy nhiên, không phải là minh họa lại lịch sử, Nguyễn Ngọc Tiến xây dựng hình ảnh Me Tư Hồng theo cách nhìn của ông với những hư cấu tạo hấp dẫn cho tác phẩm mà vẫn tuân thủ mạch lô-gic.

Có thể nói, đúng như họa sĩ, nhà văn Đỗ Phấn nhận định thì chất liệu chính làm nên tác phẩm của hai nhà văn trên là văn chương chứ không phải là lịch sử. Tuy nhiên, không có văn chương nào là không bao hàm lịch sử trong nó. Cụ thể hơn, theo nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan thì bản thân ngôn ngữ của các nhân vật trong "Cậu ấm" và "Me Tư Hồng" đã có thể được coi là một dạng "tư liệu lịch sử" rồi.

Thấy rõ, cảm hứng suy tư về quá khứ để nói về hiện tại là một dòng mạch chính của văn học đương đại. Và chính quá khứ được nhìn nhận, được suy tư sẽ làm ta sống trong hiện đại một cách đích đáng hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ lịch sử để nhìn về hiện tại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.