Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Ta phải tự nhìn lại thấy xẩu hổ"...

Hoàng Quyên| 24/04/2015 15:51

(HNMO) – Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Hà Nội trao đổi với HNMO về vấn đề quy hoạch du lịch và văn hóa ứng xử của người Hà Nội.

Vụ việc tại Công viên nước Hồ Tây gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về văn hóa ứng xử nơi công cộng


* Từ vụ việc Công viên nước Hồ Tây diễn ra vào ngày 19-4 và hàng loạt những vụ trước đó như vụ người dân tràn vào quán ăn để tranh nhau món sushi miễn phí; phá nát phố Hoa tổ chức ở khu trung tâm Hà Nội vào Tết dương lịch; hái trụi hoa anh đào trong Lễ hội Hoa anh đào tổ chức tại Hà Nội… có vẻ như những gì là “miễn phí” đều dễ kích thích khiến cho con người mất kiểm soát hành động của mình, ông có nghĩ vậy không?

- Trong ngành du lịch, các doanh nghiệp luôn có những việc làm kích thích nhu cầu của người dân, và họ thường tung ra những sản phẩm giảm giá, khuyến mại thậm chí là miễn phí. Tôi cho rằng, đó là những việc làm bình thường và cần thiết, nhiều quốc gia cũng làm như vậy chứ không riêng gì Việt Nam. Vấn đề ở đây là đơn vị tổ chức khi “tung” ra những gói sản phẩm kích thích thị trường như vậy cần phải kiểm soát được số lượng người đến sẽ đông ra sao, chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình có đảm bảo đáp ứng với khối lượng người tham gia đông hay không. Trong trường hợp cụ thể là công viên nước Hồ Tây nước Hồ Tây thì lỗi tại đơn vị tổ chức đã không lường trước được số lượng đông để xử lý các tình huống phát sinh.

* Nhìn ở góc độ dịch vụ, ở ta vẫn hay xảy ra những hiện tượng “của rẻ là của ôi”, hàng miễn phí thường là chất lượng kém điển hình như hiện tượng ở Công viên nước Hồ Tây vừa qua, do đông quá nên không có đủ phao cứu hộ, các bể bơi cũng biến thành bề vầy. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

- Ở nước ngoài, các nhà sản xuất, kinh doanh vẫn hay có những chương trình giảm giá, khuyến mại và thực sự đã kích cầu. Điển hình như Mỹ có “Ngày thứ 6 đen tối”, giám giá hàng loạt các mặt hàng về thời trang, may mặc, người dân xếp hàng rất đông để mua sắm. Câu chuyện, hàng “rẻ”, hàng khuyến mại với chất lượng có đảm bảo hay không vẫn đang là yêu cầu đặt ra đối với các đơn vị tổ chức hiện nay.

Lễ hội Hoa anh đào Hà Nội từng bị bẻ trụi


Với tư cách là nhà quản lý văn hóa, du lịch, chúng tôi luôn yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh về du lịch, dịch vụ phải đảm bảo chất lượng sản phẩm cho du khách. Đơn vị nào để xảy ra sự cố phải báo cáo và nghiêm khắc khắc phục.

Trường hợp của Công viên nước Hồ Tây khi để xảy ra sự cố vừa qua cần rút kinh nghiệm sâu sắc về cách thức tổ chức. Khi anh đã bày một mâm cỗ mời đông đảo người dân tham gia thì anh phải chắc chắn mâm cỗ ấy phải có đủ món, đủ lượng.

* Từ rất nhiều vụ việc vừa qua phần nào cũng cho thấy Hà Nội tuy rất rộng nhưng vẫn thiếu những khu vui chơi thường xuyên, chưa đáp ứng được nhu cầu giải trí của người dân, ông nghĩ sao?

- Đúng là Hà Nội chưa có nhiều các khu vui chơi đáp ứng được nhu cầu của người dân. Mặc dù hiện nay nhiều đơn vị tổ chức tư nhân cũng đã tạo ra một số địa điểm vui chơi tại các khu đô thị mới nhưng vẫn chưa đủ với nhu cầu thực sự.

Chúng tôi mong muốn, tương lai sẽ quy hoạch được nhiều khu vui chơi hơn nữa cho người dân Thủ đô, chẳng hạn như chúng ta có thể nghĩ đến việc xây dựng một trường đua xe công thức 1 ở khu vực ngoại thành Hà Nội. Người dân tùy theo nhu cầu giải trí có thể lựa chọn các địa điểm vui chơi phù hợp với điều kiện kinh tế và nhu cầu của mình.

* Một trong những vấn đề mà nhiều người đặt câu hỏi là văn hóa ứng xử nơi công cộng của người dân Việt Nam nói chung, trong đó có cả một bộ phận không nhỏ người Hà Nội đang bị báo động. Cảnh tượng chen lấn xô đẩy, hái hoa, bẻ cành ở những lễ hội, việc tranh giành những suất ăn miễn phí… là một hành động phản cảm, rất xấu cần phải lên án mạnh mẽ. Là nhà quản lý văn hóa, ông suy nghĩ thế nào về những hiện tượng nói trên?

Lễ hội phố hoa ở Hà Nội từng bị phá tan hoang vì sự thiếu ý thức của người dân


- Thật sự là rất đau lòng khi xem những bức ảnh dân ta có những cư xử, hành đồng thiếu chuẩn mực ở nơi cộng đồng. Cứ nhìn người Nhật họ cư xử thế nào ở nơi công cộng vào thời điểm dân tộc họ phải đối mặt với thiên tai, đói rét, thiếu thốn khi bị sóng thần mà chúng ta phải tự nhìn lại và xấu hổ. Họ ngăn nắp, trật tự, kỷ luật xếp hàng lấy nước, lấy đồ ăn, tôn trọng người xung quanh.

Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng trong những vụ việc vừa qua là sự lệch chuẩn về ứng xử văn hóa của một bộ phận người dân thôi chứ cũng không thể “vơ đũa cả nắm” đánh đồng cho tất cả. Những con người thiếu ý thức đó đã vô tình tạo nên hình ảnh xấu trong mắt con trẻ, du khách đến với Việt Nam.

* Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến hệ lụy này, liệu có phải vì chúng ta đang bị hội chứng “tâm lý đám đông”, “ném đá cộng đồng” hay bị tác động của mạng xã hội?

- Tôi nghĩ chúng ta đang thiếu cái nền mà để thay đổi sẽ phải là sự vận động của nhiều thế hệ. Hiện nay, Sở VHTT&DL đang được TP Hà Nội xây dựng bộ quy tắc ứng xử, xây dựng nếp sống người Hà Nội văn minh, thanh lịch. Chúng tôi hy vọng rằng, khi những quy tắc ứng xử được hình thành, mỗi cá nhân cần phải ý thức rõ hơn về hành động của mình, để sau đó truyền dạy cho con cái. Một hành động đẹp sẽ được lan tỏa nếu như các cá nhân được rèn rũa từ chính gia đình của mình.

* Cám ơn ông về những chia sẻ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Ta phải tự nhìn lại thấy xẩu hổ"...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.