Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Mai Hoa| 05/08/2015 06:26

(HNM) - Đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ TP Hà Nội (nhiệm kỳ 2010-2015), dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XVI của BCH Đảng bộ TP Hà Nội đã khẳng định những kết quả nổi bật trong phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Phát huy giá trị truyền thống thông qua phục dựng lễ hội, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa được đặc biệt đề cao. Ảnh: Thái Hiền



Những điểm sáng đáng ghi nhận

Không thể phủ nhận những bước tiến mạnh mẽ về sự phát triển văn hóa - xã hội ở Thủ đô những năm qua. Dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ TP Hà Nội chỉ rõ nhiều chuyển biến tích cực, bao gồm việc thực hiện tốt các chủ trương về nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa ở cơ sở, đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân Thủ đô được cải thiện rõ rệt. Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư, hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển văn hóa của cộng đồng và bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường. Trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới về những điểm sáng đáng ghi nhận này, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội Nguyễn Khắc Lợi khẳng định: "Thị sát, kiểm tra các hoạt động phát triển văn hóa ở nhiều quận, huyện, thị xã, tôi thấy rõ 3 điểm chính: Thứ nhất, sự tham gia đồng bộ và mạnh mẽ của các cấp ủy, chính quyền địa phương, đoàn thể, khu vực dân cư trong việc đầu tư, xây dựng thiết chế văn hóa cũng như xây dựng chương trình hoạt động nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Thứ hai, nhiệm vụ bảo vệ và giữ gìn truyền thống thông qua việc phục dựng lễ hội, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, lưu giữ các nét đẹp truyền thống được đặc biệt đề cao. Thứ ba, nhiệm vụ phát huy, khai thác các giá trị văn hóa từng bước được chú trọng, gắn với nhịp sống của một đất nước đang trên đà phát triển... Vậy nên, có thể khẳng định Hà Nội đã đạt được những bước chuyển rõ rệt về mọi lĩnh vực của đời sống văn hóa".

Nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cũng luôn được chú trọng và đạt kết quả đáng ghi nhận. Nhiều phong trào, mô hình văn hóa ở cơ sở tiếp tục được triển khai đạt kết quả tốt; những giá trị, nét đẹp văn hóa của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, truyền thống trong gia đình, họ tộc và cộng đồng dân cư được kế thừa, phát huy. Đã có 85% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa, 55% làng được công nhận và giữ vững danh hiệu Làng văn hóa, 70% tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa. Đặc biệt, nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, nhất là trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội đã từng bước có sự chuyển biến tốt. Việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn minh nơi công cộng và đưa vào giảng dạy bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Thủ đô đang trong quá trình triển khai, từng bước góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào, điều chỉnh hành vi của người Hà Nội, nhất là thế hệ trẻ.

Không nóng vội

Khẳng định những kết quả đạt được, nhưng dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ TP Hà Nội cũng thẳng thắn đánh giá: "Lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chưa tương xứng với vị thế, vai trò Thủ đô. Hiệu quả phát huy các giá trị di sản văn hóa chưa cao; nếp sống văn hóa, trật tự, kỷ cương, văn minh đô thị có mặt còn yếu kém". Bàn về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa chia sẻ: "Những năm qua, lãnh đạo TP Hà Nội rất quyết tâm thực hiện các mục tiêu phát triển văn hóa - xã hội. Đây là vấn đề lớn, cũng khiến rất nhiều người yêu Hà Nội trăn trở và đây đó vẫn còn những lúng túng, loay hoay, lựa chọn cách đi, cách làm như thế nào cho phù hợp đời sống đương đại".

Riêng về vấn đề xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng: "Xây dựng nếp sống, đời sống văn minh là cả một quá trình dài. Đô thị hóa quá nhanh, dân số bùng nổ, như kết quả nghiên cứu nhân học, xã hội học cho thấy... quá trình ấy là một tác động, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, nếp sống đô thị".

Nếu chúng ta muốn văn hóa ứng xử có sự thay đổi thực sự tích cực, đi vào bản chất thì phải tiến hành đồng bộ các biện pháp một cách kiên trì, không nóng vội. Do vậy, trong định hướng những vấn đề trọng tâm phát triển Thủ đô 5 năm tới, BCH Đảng bộ TP Hà Nội đã chỉ rõ mục tiêu tổng quát là: "...Đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Thủ đô phát triển nhanh, bền vững. Văn hóa - xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của Thủ đô". PGS.TS Nguyễn Văn Huy tham vấn: "Trước tiên, chúng ta phải đặc biệt chú trọng mối quan hệ gia đình - nhà trường - xã hội (bao gồm các đoàn thể). Từng tế bào gia đình sẽ góp phần xây dựng nền tảng, nề nếp giáo dục, giúp xã hội văn minh hơn, bền vững hơn. Với nhà trường, các thầy cô giáo cần phát huy vai trò gương mẫu không chỉ trong trường học mà cả trong cuộc sống hằng ngày, luôn là tấm gương mới mong rèn giũa các thế hệ học sinh một cách đúng nghĩa. Với xã hội, trách nhiệm của nhà quản lý, lãnh đạo là tạo ra môi trường xã hội trong sạch, góp phần giúp mỗi cá nhân tự kiểm soát hành vi của mình và kiểm soát hành vi của người khác, biết cách ứng xử văn hóa". Song song với giáo dục, nâng cao nhận thức chúng ta cũng cần phải có chế tài và thực thi nghiêm mọi quy định của pháp luật trong lĩnh vực văn hóa.

Sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng với định hướng chỉ đạo rõ ràng, hiểu rõ nguyên nhân nội tại và kiên trì trong quá trình thực hiện, chắc chắn nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh sẽ được thực hiện ngày một tốt hơn!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.