Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật mừng Quốc khánh

Minh Ngọc| 31/08/2015 06:35

(HNM) - Ngày 30-8, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tiến hành trưng bày bổ sung tại Di tích cách mạng nhà và hầm D67 thuộc di sản Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.


Hơn 50 tài liệu, hiện vật, bản đồ được trưng bày bổ sung đợt này là những tư liệu mới sưu tầm trong thời gian gần đây nhằm tái hiện rõ hơn không gian làm việc của một trong những cơ quan đầu não chỉ huy trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Đó là bản tổng kết Chiến dịch Hồ Chí Minh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; là bộ trang phục, thanh kiếm (do Liên Xô tặng Đại tướng Văn Tiến Dũng) mà lúc sinh thời Đại tướng rất trân trọng, nâng niu cùng các tài liệu, hiện vật liên quan đến các vị đại biểu tham dự cuộc họp Bộ Chính trị mở rộng (từ 18-12-1974 đến 8-1-1975) bàn kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Cùng với công tác trưng bày bổ sung Di tích nhà và hầm D67, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề "Di sản văn hóa - Kết nối và hội tụ" vào ngày 2-9. Đặc biệt, Trung tâm sẽ miễn phí tham quan di tích cho tất cả du khách vào ngày Quốc khánh.

Pa nô chào mừng Quốc khánh 2-9 trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Bảo Lâm


* Kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2-9, Ban Quản lý Di tích, danh thắng Hà Nội đã tiến hành tu bổ, chỉnh trang và gắn biển địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến ở nhiều di tích.

Việc tu bổ được thực hiện với Di tích 90 Thợ Nhuộm (Hoàn Kiếm), nơi đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng viết bản Luận cương Chính trị, cũng là nơi diễn ra nhiều hội nghị quan trọng của Đảng. Việc chỉnh trang được thực hiện tại Di tích nhà 48 Hàng Ngang (Hoàn Kiếm), nơi Bác Hồ soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập; Di tích 5D Hàm Long (Hoàn Kiếm), nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên; Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở phường Vạn Phúc (Hà Đông), nơi Bác Hồ ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến và Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở phường Phú Thượng (Tây Hồ)...

* Ngoài các chương trình văn hóa, nghệ thuật do trung ương và Hà Nội tổ chức diễn ra tại các sân khấu lớn và các điểm bắn pháo hoa, dịp này, nhiều quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô cũng sẽ tổ chức chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ nhân dân trong dịp nghỉ lễ 2-9. Tối 1-9, quận Ba Đình sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật tổng hợp với nhiều bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước tại ngã tư phố Núi Trúc. Tối 2-9, nhân dân quận Hoàn Kiếm có thể đến vị trí tượng đài Cảm Tử trước chợ Đồng Xuân ôn lại truyền thống cách mạng qua chương trình ca múa nhạc quần chúng. Tương tự, người dân xứ Đoài có cơ hội thưởng thức chương trình khiêu vũ thể thao đặc sắc vào tối 1-9 và chương trình nghệ thuật tổng hợp vào tối 2-9 tại vườn hoa thị xã Sơn Tây. Người dân huyện Đông Anh thêm một lần được lắng nghe những bài ca đi cùng năm tháng tại sân khấu ngoài trời gần trạm biến thế Đông Anh…

Đặc biệt, hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên đến từ Trung tâm văn hóa TP Hà Nội và các quận, huyện, thị xã sẽ mang lời ca tiếng hát của mình phục vụ nhân dân tại sân khấu ngoài trời trước Nhà văn hóa thành phố, số 4, Phùng Hưng (Hà Đông) từ 19h đến 20h30 trong chương trình "Giai điệu Tổ quốc".

* Chương trình "Vui tết Độc lập" với nhiều hoạt động sôi nổi, bổ ích sẽ diễn ra tại Làng Văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) từ ngày 2 đến 6-9. Điểm nhấn của chương trình là việc tái hiện nghi lễ vào nhà mới của dân tộc Mảng (chiều 3-9); nghi lễ cúng bản của dân tộc La Hủ (sáng 4-9); nghi lễ cúng cây Đu trong tết mùa mưa của dân tộc Hà Nhì (sáng 5-9); hôn nhân và lễ cưới của dân tộc SiLa (sáng 6-9)…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật mừng Quốc khánh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.