Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tôi đứng vui nghe giữa đất trời!

Cao Hải Giang| 03/09/2015 06:40

(HNM) - Sớm thu mùng 2-9-2015, tiết trời dìu dịu, trong dòng người đổ về Nguyễn Thái Học, Kim Mã, Liễu Giai, Tràng Thi, Hàng Khay, Tràng tiền…đón bước chân diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Quốc khánh. Tết độc lập! Thiêng liêng và xúc động! Tinh thần “Người Việt Nam là một! Dân tộc Việt Nam là một” hiện diện bình dị mà sâu sắc hơn bao giờ.


Sống lại một mùa thu Tháng Tám

Sớm thu Hà Nội trong ngày tết Độc lập. Khi truyền hình cận cảnh đoàn diễu binh oai dũng đi trong niềm tự hào, bà tôi ngừng tay đan, ngước lên: "Thế là lại đến ngày tết Độc lập rồi! Ngày đi như hội...!". Tôi đã thuộc câu nói của bà từ mấy chục năm qua, mỗi khi đến ngày này, ngày nhắc nhớ sự kiện 2-9-1945 khi dòng người đi như nước chảy kéo đến Quảng trường Ba Đình để lắng nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập mang ý nghĩa lịch sử. Để từ đây, không chỉ bà mà mỗi người dân nước Việt có thể tự hào mình đã là dân của một nước độc lập, có tên là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau này là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ảnh: Viết Thành


70 năm mà như mới hôm qua, khi trước ta là sớm thu Hà Nội trong ngày 2-9-2015, khi dòng người đủ cả nam phụ lão ấu đổ ra những con đường "trọng điểm" trong ngày lễ trọng, nơi mà đoàn diễu binh, diễu hành sẽ đi qua. Khó có thể nói điều gì hơn ngoài từ "cảm động" để dành cho những người dân đã có mặt ngoài phố, từ 5h sáng và thậm chí là từ nửa đêm trước. Chị Phạm Thu Hằng, từ ban công ngôi nhà trên phố Tràng Tiền đã ghi lại hình ảnh đoàn diễu binh, diễu hành gợi tả cảm xúc về một khí thế hào hùng lan chảy trong mỗi người dân nước Việt. Như hình ảnh đoàn quân tiến về Thủ đô trong ngày giải phóng năm nào. Còn chị Đào Thu Nhài, một cán bộ ngân hàng vui vẻ chia sẻ: "Ở nhiều vùng quê, truyền hình đưa tin bà con gói bánh chưng, mổ lợn ăn tết Độc lập như tết Nguyên đán. Người dân ra đường vui lắm! Hô vang phố!".

Có lẽ lâu lắm mới có cảnh tượng ấy, không khí ấy! Cùng với những bước chân đổ ra đường phố đón tết Độc lập, các nghệ sĩ, các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật cũng "ra quân" để phục vụ nhân dân. Chương trình nghệ thuật "Việt Nam - Thời đại Hồ Chí Minh" đã diễn ra với không khí sử thi hoành tráng tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, truyền hình trực tiếp trên VTV1. Trước đó, vào chiều 2-9, tại Nhà hát Lớn - Hà Nội, những giai điệu của lòng tự hào dân tộc được cất lên trong chương trình hòa nhạc quốc gia "Điều còn mãi".

Giản đơn một nhẽ đồng bào

Có thể bắt gặp trong sáng 2-9 những ngôi nhà đỏ rực màu cờ. Mỗi ô cửa một lá cờ đón ngày Quốc khánh. Những lá cờ tung bay làm ta không thể không nhớ đến không khí của 70 năm về trước mà nhà văn - nhà báo Trần Chiến đã viết trong tiểu thuyết "Cậu ấm": "Bao nhiêu ban công thì ngần nấy gia đình có mặt, tay lớn tay bé thi nhau vẫy như vòm lá cả gió... Cờ đuôi nheo, cờ phướn lúc lặng rủ lúc tung lên cuồn cuộn... Đồng bào cả rồi. Người trong một nhà, cái nhẽ đơn giản mà sao thiêng liêng đến vậy, phải bao nhiêu nhức nhối, cả tù ngục, máu xương mới có nổi".

70 năm kể từ khoảnh khắc ấy, chúng ta lại có dịp cảm nhận tường tận "nhẽ đồng bào", khi mọi người cùng hướng về Tổ quốc, hướng về nhau! Những bạn trẻ đi trên phố với chiếc áo đỏ sao vàng và dòng chữ "Mỗi trái tim một ngọn lửa anh hùng!". Trên mạng xã hội, một hình ảnh cảm động thu hút hơn 20 nghìn lượt người quan tâm, đó là hình ảnh người lính đứng phía sau một cháu nhỏ, âm thầm lấy mũ của mình che nắng cho cháu trong suốt thời gian đoàn diễu binh, diễu hành đi ngang phố Tràng Tiền. Ở khắp nơi trên thế giới, kiều bào ta cũng gửi theo người thân nỗi nhớ quê hương khi xem những hình ảnh về mùa thu Tháng Tám, về tết Độc lập. Và nữa, những người lính trẻ từ khắp nơi cũng có những nỗi niềm chung. Chị Phạm Thị Thu Hương, cán bộ Phòng 2, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã nói với phóng viên Báo Hànộimới: "Những giây phút chứng kiến lễ diễu binh, diễu hành là những giây phút cho tôi và gia đình một cảm nhận rõ rệt về lòng yêu nước. Tôi ấn tượng nhất với những gương mặt trẻ trong đoàn diễu binh, diễu hành, một niềm tự hào và cảm xúc rưng rưng thật khó diễn tả!".

Thấy rõ không khí "Tôi đứng vui nghe giữa đất trời", như nhà thơ Nguyễn Đình Thi năm nào đã viết. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn viết trên trang cá nhân: "Các bạn ơi, mình vẫn xúc động như ngày xưa khi còn là học sinh đi từ 3 đến 4h sáng xếp hàng ở đường Quán Thánh chờ được vẫy cờ cổ vũ đội diễu binh. Nhìn gương mặt các em gái mọi miền Tổ quốc mà rưng rưng!". Nhà văn Lê Phương Liên thì cảm ơn những người bạn đã chia sẻ niềm vui ngày tết Độc lập, theo bà nói là niềm vui giản dị, ý nghĩa.

Nhiều hơn khuôn khổ một lễ kỷ niệm, sự kiện 70 năm Quốc khánh là sự kiểm chứng về lòng yêu nước của người Việt Nam - điều mà ai ai cũng thấy rõ trong sớm thu Hà Nội 2-9. Một tinh thần đoàn kết trong khát vọng hòa bình và nỗ lực vươn lên. Điều đó cho thấy khi người với người cùng hướng về Tổ quốc, khi mỗi người hướng về nhau thì nói như một bạn trẻ, đó chính là sức mạnh "hơn cả nỏ thần năm xưa", không gì có thể sánh bằng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tôi đứng vui nghe giữa đất trời!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.