Theo dõi Báo Hànộimới trên

NSND Chu Thúy Quỳnh: Nghệ thuật múa - niềm đam mê bất tận

Nguyễn Linh| 10/10/2015 07:56

(HNM) - Hơn 60 năm theo đuổi nghề múa, giờ đã ở tuổi 74, NSND Chu Thúy Quỳnh vẫn say mê nghiên cứu, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ tình yêu nghệ thuật và khát khao cống hiến cho vẻ đẹp của những điệu múa cổ Hà Nội.

Tiết mục “Hoa đất nước” (Biên đạo: NSND Chu Thúy Quỳnh, nhóm múa Âu Cơ biểu diễn) .


Suốt cuộc đời, nỗ lực để nghệ thuật múa đến với đời sống đương đại, trong các dự án, chương trình mà NSND Chu Thúy Quỳnh trực tiếp biểu diễn hay chỉ đạo dàn dựng, có thể nói từng chi tiết nhỏ đều có sắc thái riêng, để lại nhiều ấn tượng. Năm 2010, khi đạo diễn chương trình múa cổ Thăng Long có tên là "Thăng Long mở hội - Tìm lại dấu xưa" với hàng nghìn diễn viên múa là các "nghệ sĩ" nhân dân thực thụ, bà đã phải mất hàng tháng trời tìm hiểu, nghiên cứu để tạo dựng một chương trình quy mô và độc đáo.

Ngoài phần mở đầu và kết thúc do các nghệ sĩ chuyên nghiệp trình diễn, phần xương sống của chương trình với 12 điệu múa cổ do các nghệ nhân dân gian, người dân các làng, xã trên địa bàn Hà Nội biểu diễn đã toát lên những sắc thái tự nhiên từ chính cuộc sống của người dân ở các làng quê. Từ màn múa Chạy cờ do các nghệ nhân làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) thể hiện cùng với tiếng hò, trống phách tạo khí thế của những cánh quân tụ hợp thành sức mạnh đoàn kết để chiến thắng mọi kẻ thù đến màn múa Thiên long bát bộ của các nhà sư chùa Đống Lim (quận Long Biên) đầy quyền uy và sức mạnh của võ thuật...

Rồi các tiết mục múa Bài bông của làng Phú Nhiêu (xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên) ca ngợi tình yêu lao động, tình yêu đôi lứa, múa Lục cúng trong những ngày lễ Vu lan, múa trống bồng (làng Triều Khúc), múa trống cổ (Phú Xuyên), múa giảo long (làng Lệ Mật, Long Biên) … mỗi màn múa là một sự kết tinh của đam mê, của nghệ thuật được thể hiện vừa đa dạng, vừa thăng hoa, vừa chân thực. Để có được thành công của chương trình này, NSND Chu Thúy Quỳnh đã mất nhiều tháng đi thực tế, nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng từng điệu múa. Từng tiết mục được bà thử nghiệm, rồi dàn dựng thành chương trình tổng thể hài hòa, chân thực và sống động.

Trong suốt quá trình đó, tình yêu nghệ thuật, thái độ lao động nghiêm túc của NSND Chu Thúy Quỳnh đã truyền cảm hứng cho hàng nghìn "nghệ sĩ" không chuyên - những người nông dân, nhà tu hành. Họ đã dốc sức khổ luyện, cống hiến cho thành công của chương trình. Nhờ vậy, Chương trình "Thăng Long mở hội - Tìm lại dấu xưa" đã được các chuyên gia, nghệ sĩ trong và ngoài nước đánh giá cao.

NSND Chu Thúy Quỳnh.


Làm việc gì bà cũng tận tâm, tận sức để đạt hiệu quả cao nhất. Từng là Giám đốc chỉ đạo nghệ thuật Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam; từ năm 1995 đến nay là Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, NSND Chu Thúy Quỳnh đã cùng đồng nghiệp tổ chức nhiều trại sáng tác, lớp tập huấn chuyên môn; những hội nghị, hội thảo mang tính lý luận phê bình và không ít cuộc thi để góp phần quảng bá nghệ thuật múa, tạo điều kiện cho hàng trăm tác phẩm, chương trình nghệ thuật mới ra đời, đi vào đời sống.

NSND Chu Thúy Quỳnh từng làm tổng đạo diễn và đồng tổng đạo diễn nhiều chương trình phục vụ các ngày lễ trọng đại của đất nước và thành phố như lễ hội 990 năm Thăng Long - Hà Nội, lễ khai mạc và bế mạc Đại hội thể thao Đông Nam Á - SEA Games 22 (tại Hà Nội)… Năm 2010, bà là thành viên Hội đồng Nghệ thuật Hà Nội, thành viên Hội đồng Cố vấn nghệ thuật trong chương trình Đại lễ hội 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và tổng đạo diễn chương trình múa cổ "Thăng Long mở hội - Tìm lại dấu xưa"…

Với những cống hiến cho nghệ thuật múa của Thủ đô và đất nước, nhiều năm liền bà là Chiến sĩ thi đua ngành Văn hóa và Chiến sĩ thi đua toàn quốc; 4 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Bà được tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1983, Nghệ sĩ Nhân dân năm 1987, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1998…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
NSND Chu Thúy Quỳnh: Nghệ thuật múa - niềm đam mê bất tận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.