Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cúng ông Công, ông Táo: Cốt ở tâm thành

Nhóm phóng viên| 01/02/2016 06:24

(HNM) - Hôm nay 23 tháng Chạp, theo truyền thống, nhân dân cúng tất niên, làm điều tốt, ôn lại chuyện cũ trong năm, tiễn ông Công, ông Táo về trời báo cáo những việc làm được trong năm...


Phố Hàng Mã luôn tấp nập trong những ngày cuối năm bởi đây là nơi cung cấp hàng bán buôn cho các chợ. Giá một bộ ông Công, ông Táo loại đẹp dao động từ 120.000 đến 200.000 đồng, tùy kích cỡ. Tại chợ Nguyễn Cao (quận Hai Bà Trưng), bà Nguyễn Thu Trang, chủ cửa hàng bán vàng mã cho biết, năm nay, người dân vẫn chuộng mua các mặt hàng mã truyền thống, với mức giá bình dân, khoảng 30.000-60.000 đồng/bộ.

Khách chọn mua đồ lễ trên phố Hàng Mã. Ảnh: Giang Sơn


Để phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng, bà Trang còn nhập thêm những bộ ông Công, ông Táo được làm bằng chất liệu giấy bóng, cứng đẹp, có hoa văn rõ nét, cách trang trí tinh xảo; có giá bán cao hơn, từ 100.000 đến 160.000 đồng/bộ, tùy kích cỡ, nhưng cũng được nhiều khách hàng chọn mua.

Bên cạnh tiền vàng mã, bộ đồ lễ thì cá chép cũng được tiêu thụ nhiều. Theo một tiểu thương tại chợ Nguyễn Công Trứ, giá cá chép vàng năm nay tăng nhẹ so với năm ngoái khoảng 2.000-5.000 đồng/con, dao động từ 25.000 đến 40.000 đồng/3 con, tùy loại. Trong khi đó, mặt hàng cau xanh tăng giá khá mạnh so với ngày thường, dao động từ 10.000 đến 20.000 đồng/quả. Các loại hoa quả tươi như cam, bưởi, thanh long, chuối… cũng tăng từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg. Tương tự, nhu cầu mua gà cúng, thực phẩm tươi sống, hoa quả để làm lễ tăng cao, khiến giá bán cũng tăng 10-15%.

Theo phong tục, ngày 23 tháng Chạp, hầu như nhà nào cũng sắm sửa mâm lễ để tiễn ông Táo về chầu trời, nên lượng vàng mã được hóa cũng rất lớn. Nhằm hạn chế tình trạng người dân thả cá, tro hóa vàng, túi nilon và đồ khó phân hủy ra môi trường, các cơ quan tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân. Ngày 31-1 (22 tháng Chạp), tại nhiều nơi, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thủ đô tham gia chiến dịch tuyên truyền, vận động người dân thả cá nhưng không thả túi nilon xuống ao, hồ, sông. Hệ thống đài truyền thanh các xã, phường thường xuyên đưa tin, bài nói về ý nghĩa của ngày Tết ông Công, ông Táo kết hợp với việc vận động, nhắc nhở nhân dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn vệ sinh, môi trường. Chị Phương Mai, nhà tại phố 8-3 (quận Hai Bà Trưng) cho biết: Nhà tôi ở tập thể, mỗi lần hóa tiền vàng khói, tro bụi gây ô nhiễm lắm, nên tôi chỉ mua bộ nhỏ thôi, miễn có lòng thành là được.

Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhã, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Cúng tất niên, làm điều tốt, ôn lại chuyện cũ trong năm, tiễn đưa ông Công, ông Táo về trời báo cáo những việc làm được trong năm, lễ to hay nhỏ tùy hoàn cảnh gia đình, gọi là tùy duyên, không nên quá câu nệ. Có điều kiện thì làm mâm cơm canh (cỗ mặn), còn không thì thành tâm cúng hoa quả (cỗ chay) cũng được. Cúng cỗ mặn hay chay cốt phải thành tâm, tránh cầu kỳ, lãng phí tiền bạc và không phải mua nhiều lễ. Đặc biệt, với tục đốt vàng mã, nên "tá giả thành chân", chỉ đốt ít, gọi là. Theo truyền thống, người dân thả cá chép, phóng sinh lấy phúc cho gia đình, cho đời theo phép phóng sinh của nhà Phật, từ bi hỷ xả cho đời. Thả cá chép thật là phát tâm từ bi phóng sinh cho muôn loài, muôn vật, là nét đẹp văn hóa của đạo Phật. Nhưng phóng sinh thì cũng phải tuân thủ nếp sống văn hóa, không được vứt túi nilon bừa bãi, không vứt xuống sông, hồ...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cúng ông Công, ông Táo: Cốt ở tâm thành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.