Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thăm D67

Minh Ngọc| 30/04/2016 09:37

(HNM) - Những ngày tháng tư lịch sử này, rất nhiều du khách tìm về di tích Nhà và hầm D67, hầm chỉ huy tác chiến - nơi từng diễn ra những cuộc họp tối quan trọng, đưa ra những chỉ đạo, mệnh lệnh... có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của chiến tranh chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Du khách tham quan khu di tích Nhà và hầm D67.


Qua những hiện vật, tư liệu trưng bày tại đây, các thế hệ người Việt Nam, nhất là lớp trẻ, có cơ hội hiểu hơn về một giai đoạn rất đỗi hào hùng của dân tộc.

Tái hiện chân thực lịch sử

Di tích Nhà và hầm D67 nằm phía sau nhà Con Rồng, trên thềm điện Kính Thiên, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Nơi đây, từ tháng 9-1968 đến ngày 30-4-1975, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam, Quân ủy TƯ và Bộ Tổng tư lệnh đã làm việc liên tục, tập trung trí tuệ, năng lực, kinh nghiệm tổng chỉ huy kháng chiến, giành thắng lợi hoàn toàn cho cuộc chiến tranh thần thánh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhà D67 cao 1 tầng, tường và mái bằng bê tông, cốt thép, chịu được mảnh bom đạn và mảnh tên lửa không đối đất của không quân Mỹ. Bên trong có phòng họp, phòng làm việc, lối lên xuống hầm và rất nhiều tài liệu, hiện vật liên quan đến quá trình chỉ huy kháng chiến. Phòng họp nằm ở vị trí trung tâm là nơi Bộ Chính trị và Quân ủy TƯ họp, quyết định mở chiến dịch phản công tiêu diệt phần lớn quân địch khu vực Đường 9 - Nam Lào vào tháng 1-1971; đưa ra chủ trương phát triển thế tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam, đánh bại chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ vào tháng 5-1971, mang lại những thắng lợi có tính chất quyết định vào năm 1972, buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trong thế thua.

Tại phòng họp này, từ năm 1973 đến 1975, Bộ Chính trị họp mở rộng, phân tích tình hình giữa ta và địch, nhận định thời cơ và dồn sức cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Đây cũng là nơi các đồng chí trong Bộ Chính trị và Quân ủy TƯ theo dõi tình hình chiến trường Sài Gòn - Gia Định, thảo luận công việc và đón tin chiến thắng vào sáng 30-4-1975. Phòng họp vẫn còn nguyên bàn ghế, trên bàn có các tấm biển ghi tên, chức danh của các đồng chí tham dự những cuộc họp quan trọng cùng hệ thống bản đồ, phương tiện liên lạc, chỉ huy kháng chiến. Gần phòng họp là phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng… Hầm D67 sâu 9m, có các cầu thang nối với nhà D67, là nơi họp của Bộ Chính trị và Quân ủy TƯ khi cần thiết.

Ngoài Nhà và hầm D67, hầm Cục Tác chiến nằm đầu hồi phía tây nhà làm việc của Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu cũng là cơ sở đầu não chỉ huy kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là trận "Điện Biên Phủ trên không". Từ TP Hồ Chí Minh ra thăm những di tích này ngày 26-4, cựu chiến binh Nguyễn Hồng Quang, trú tại Phường 15, Quận 11 xúc động: "Trong điều kiện làm việc vô cùng thiếu thốn, Bộ Chính trị và lực lượng QĐND Việt Nam đã đưa ra những quyết định vô cùng sáng suốt. Điều đó cho thấy bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam được phát huy trong mọi hoàn cảnh, thế hệ sau cần học tập, kế thừa...".

Bảo tồn, phát huy giá trị di tích

Trong những năm qua, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội không ngừng nghiên cứu, sưu tầm, phục chế; đồng thời vận động nhân dân hiến tặng tài liệu, hiện vật và giới thiệu những hiện vật tiêu biểu đến công chúng. Nhờ vậy, người dân và du khách khi tham quan tổng hành dinh chỉ huy kháng chiến chống Mỹ hôm nay mới có cơ hội biết thêm nhiều điều thú vị về các sự kiện lịch sử. Tìm hiểu về tác phẩm Truyện Kiều trưng bày tại phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong di tích Nhà D67, em Nguyễn Hà Phương, sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội bộc bạch: "Em rất bất ngờ khi biết sinh thời Đại tướng rất yêu Truyện Kiều". Phía sau chiếc mũ mềm trong phòng làm việc của Đại tướng Văn Tiến Dũng là câu chuyện giản dị về vị tướng có thói quen đội mũ mềm và sự quan tâm, lo lắng của ông khi chứng kiến những người lính pháo binh phải đội mũ sắt trực chiến giữa trời nắng gắt. Để rồi sau đó, Đại tướng chỉ đạo Cục Quân trang nghiên cứu, sản xuất ra mũ mềm cho bộ đội. Ba tấm bản đồ tác nghiệp chiến sự hoàn chỉnh hiện treo tại phòng họp Nhà D67 cũng đã được trung tâm phục chế từ nhiều mảnh tách rời, giấy đã bắt đầu mục nát…

Sau gần 40 năm đóng cửa, trang thiết bị của hầm Cục Tác chiến đa phần bị hỏng, hệ thống lọc gió, làm mát không còn hoạt động, đường điện bị cắt. Để có thể mở cửa hầm phục vụ khách tham quan, từ cuối năm 2012 đến nay, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với các đơn vị chức năng phục chế gần như toàn bộ không gian di tích, từ hệ thống vách, sàn gỗ, bản đồ bằng giấy, tiêu đồ phòng không có đánh dấu đường máy bay B52 cho đến tư liệu, hình ảnh, trang thiết bị dưới hầm.

Theo nội dung "Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội" (tỷ lệ 1/500) vừa công bố, Nhà và hầm D67, hầm Cục Tác chiến sẽ tiếp tục được bảo tồn, phát huy giá trị nhằm đáp ứng tốt nhu cầu tham quan, tìm hiểu của hàng nghìn lượt khách mỗi ngày.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thăm D67

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.