Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tận dụng nội lực phát triển nghệ thuật truyền thống

Minh Ngọc| 16/07/2016 08:35

(HNM) - “Nước ta có nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống hấp dẫn đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa, nhưng vẫn còn thiếu các chương trình nghệ thuật đỉnh cao đại diện cho nền văn hóa dân tộc

Nhiều loại hình “sống” lay lắt

Hướng đi nói trên của Bộ VH,TT&DL được kỳ vọng tạo ra cú hích cho NTTT phát triển đa dạng và bền vững. Nói vậy là bởi hiện nay, ngoại trừ một số loại hình NTTT đã được UNESCO vinh danh như: Quan họ, hát xoan Phú Thọ, đờn ca tài tử Nam Bộ… có chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị bài bản, thì hầu hết các môn nghệ thuật còn lại đều đang phát triển tự phát. Ngay như hát tuồng, một trong những loại hình nghệ thuật cổ nhất Việt Nam cũng rơi vào tình trạng mai một. Theo GS Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, tuồng cổ có khoảng 500-600 vở diễn nhưng hiện tại các nghệ sĩ, nghệ nhân trong cả nước mới khôi phục được khoảng 100 vở, số còn lại lưu lạc ở nhiều nước trên thế giới.

Sân khấu ca trù vẫn chưa thu hút được đông đảo khán giả. Ảnh: Anh Tuấn


Sự tồn tại của ca trù cũng gây băn khoăn không kém. Mặc dù được UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp từ năm 2009, bức tranh về môn nghệ thuật này hiện vẫn chưa có được gam màu tươi sáng. Sân khấu ca trù ở đình Kim Ngân, số 42-44 Hàng Bạc (Hoàn Kiếm) là nơi các nghệ nhân Câu lạc bộ (CLB) Ca trù Thăng Long biểu diễn vào tối thứ tư và thứ sáu hằng tuần, nhưng rất hiếm khi kín chỗ. “Có những buổi tối, gần chục ca nương, kép đàn biểu diễn phục vụ một vài khán giả. Hiện nay, lượng khách đến với sân khấu ca trù nhiều hơn, nhưng hôm nào đông cũng chỉ có được vài chục người, chủ yếu là khách nước ngoài. Nhiều người hỏi tôi có buồn không, thực lòng mà nói thì chúng tôi buồn chứ. Số tiền thu được từ hoạt động biểu diễn chưa đủ để bù chi, song, vì mong muốn di sản sống mãi cùng thời gian nên các nghệ sĩ vẫn tiếp tục nỗ lực hết mình”, Nghệ nhân Ưu tú Bạch Vân, CLB Ca trù Thăng Long chia sẻ.

Hoạt động khó khăn là câu chuyện chung của nhiều CLB NTTT. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng thiếu kinh phí hoạt động, vắng khán giả còn xảy ra với cả các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp. Theo Cục Nghệ thuật biểu diễn, một số nhà hát tuồng cả năm nay không có vở diễn mới, sống lay lắt trong hành trình đi tìm khán giả. Một số nhà hát khác đang lúng túng trước kế hoạch tự chủ về kinh phí vì chưa đủ khả năng hoạt động độc lập. Giới nghiên cứu lo ngại rằng, tình trạng này kéo dài thì sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình khôi phục, bảo tồn, phát triển các loại hình NTTT nói riêng, bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam nói chung.

Đừng tự làm khó mình

Trên thực tế, NTTT không hẳn là thiếu đất diễn. Bằng chứng là các tiết mục NTTT trên các chương trình truyền hình thực tế thường thu hút khán giả hơn các tiết mục khác. Với tài năng biểu diễn NTTT thiên bẩm, cậu bé “Thị Màu” Đức Vĩnh đã giành ngôi quán quân trong chương trình “Tìm kiếm tài năng Việt 2015” (Vietnam’s Got Talent); "cô bé hát dân ca" Phương Mỹ Chi được rất nhiều khán giả yêu mến… Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam có thể tồn tại, phát triển từ năm 2005 đến nay là nhờ công “nuôi dưỡng” của nhạc sĩ Nguyễn Minh Khang, Thao Giang, NSND Xuân Hoạch, NSƯT Mai Tuyết Hoa, Thanh Ngoan và nhiều nghệ sĩ trẻ khác. Tương tự, nhóm “Chèo 48H” gồm các bạn trẻ thế hệ 9X đã tự nguyện đưa nghệ thuật chèo đến với giới trẻ bằng nhiều cách khác nhau. CLB Quan họ sinh viên Kinh Bắc đã mở được nhiều lớp truyền dạy quan họ miễn phí cho các bạn trẻ…

Thấy rõ NTTT có nhiều cơ hội để hồi sinh, phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ phát huy nội lực để xây dựng các chương trình nghệ thuật đỉnh cao. “Để NTTT mai một hoặc mất đi, trách nhiệm trước hết thuộc về Bộ VH,TT&DL. Chúng ta đừng kêu khó, đừng đổ lỗi, đừng tự làm khó chính chúng ta nữa. Phải có chương trình hay, có địa điểm biểu diễn thuận lợi, NTTT mới thu hút được khán giả. Có khán giả rồi thì tất yếu sẽ có kinh phí để hoạt động”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhận định. Từ sự nhìn nhận đó, Bộ trưởng kêu gọi: “Ngay từ bây giờ, các nhà hát, đơn vị nghệ thuật hãy hành động, hãy bắt tay xây dựng các chương trình nghệ thuật hay nhất trong khả năng có thể. Những chương trình nghệ thuật hấp dẫn sẽ được Bộ tạo điều kiện để biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, bắt đầu từ quý III năm nay”.

Để NTTT phát triển bền vững, các trường nghệ thuật thuộc Bộ VH,TT&DL cần nâng cao chất lượng đào tạo tài năng nghệ thuật. Ngành Du lịch cần đưa NTTT vào các tour khám phá di sản, văn hóa. Về lâu dài, theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ VH,TT&DL sẽ đưa ra các giải pháp khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí đầu tư, cách thức đặt hàng sáng tác, tạo chính sách hấp dẫn để khuyến khích thế hệ trẻ theo học các môn NTTT…

Việc bảo tồn, phát triển các loại hình NTTT chưa bao giờ là điều dễ dàng, song, với việc đưa ra các giải pháp cụ thể của ngành Văn hóa, công chúng có thể hy vọng vào sự phát triển của NTTT trong tương lai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tận dụng nội lực phát triển nghệ thuật truyền thống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.