Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khai mạc Lễ hội áo dài Hà Nội 2016: Có một Hà Nội lãng mạn và rất xưa

Hoàng Lân - Việt Bùi| 14/10/2016 21:17

(HNMO) – 20h tối nay (14/10), Lễ khai mạc Lễ hội áo dài Hà Nội chính thức diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long. Trước đó, từ lúc 16h chiều, Lễ hội áo dài Hà Nội đã khai mạc các khu trưng bày.

Lễ hội áo dài Hà Nội diễn ra trong không gian cổ kính của Hoàng thành Thăng Long


Đến dự Lễ khai mạc, về phía Trung ương có đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam; Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Lê Thị Nga Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc Hội.

Về phía Hà Nội có các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Vũ Hồng Khanh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch MTTQ Việt Nam TP Hà Nội; Ngô Văn Quý, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức Festival áo dài Hà Nội 2016 cùng sự hiện diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, lãnh đạo các sở, ngành của Hà Nội; đại diện các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các nghệ nhân, các nhà thiết kế cùng đông đảo người dân Hà Nội và du khách trong và ngoài nước.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đọc diễn văn khai mạc

NSƯT Chiều Xuân trình diễn cùng khách mời và người mẫu


Phát biểu khai mạc Lễ hội áo dài Hà Nội 2016, đồng chí Ngô Văn Quý, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng BTC Lễ hội áo dài Hà Nội 2016 nhấn mạnh: Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, là trung tâm lớn về kinh tế, khoa học, giáo dục, văn hóa của cả nước. Hà Nội được đánh giá là nơi có tiềm năng du lịch hấp dẫn cả nước. Nhân kỷ niệm 62 năm ngày Giải phóng Thủ đô và 86 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, UBND TP Hà Nội cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Festival áo dài Hà Nội tại di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long.

Đồng chí Ngô Văn Quý khẳng định, Festival Áo dài Hà Nội là một trong những hoạt động thiết thực triển khai Nghị quyết của Thành ủy Hà Nội về phát triển du lịch Hà Nội trở thành ngành kinh tế mũi nhọn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo. Chương trình có sự tham gia của nhiều nghệ nhân nổi tiếng, nghệ sĩ và người dân Hà Nội, Festival giới thiệu tới nhân dân Thủ đô, nhân dân cả nước những nét đẹp áo dài truyền thống của Thăng Long Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng giới thiệu Festival áo dài Hà Nội có nhiều hoạt động phong phú như hoạt động trưng bày, triển lãm, biểu diễn áo dài, hội thảo, trình diễn áo dài của các nhà thiết kế hàng đầu khu vực Bắc, Trung, Nam... Đây thực sự là ý tưởng sáng tạo, sản phẩm du lịch mới góp phần quảng bá văn hóa Hà Nội đến với khách du lịch.

Ca sĩ Thùy Chi trình diễn trong chương trình



Sau phần đọc diễn văn khai mạc là phần trình diễn các bộ sưu tập áo dài của 32 NTK của 3 miền Bắc – Trung – Nam. Không gian của di sản Hoàng Thành Thăng Long trở thành sân khấu lớn, rực rỡ ánh đèn và lãng mạn trong sắc tím của hoa thạch thảo. Trên nền nhạc các bài hát về Hà Nội, các bộ sưu tập thể hiện nét đẹp tinh tế và dịu dàng của người con gái Hà Nội nói riêng và của người phụ nữ Việt Nam nói chung.

Mở màn là phần trình diễn “Lụa Vạn Phúc với bộ sưu tập của NTK La Hằng và NTK Trịnh Bích Thủy. Tiếp đến là BST của các NTK Cao Minh Tiến, Hà Duy, Nhi Hoàng, Đức Hải, Thanh Thúy…Trong phần trình diễn này, ngoài sự tham gia trình diễn của các người mẫu còn có sự tham gia nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như NSƯT Thu Hà, NSƯT Thanh Loan, NSƯT Thanh Tú, NSƯT Lan Hương…

Lễ hội áo dài Hà Nội diễn ra trong 3 ngày (từ 14 – 16/10) tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long với nhiều hoạt động phong phú. Từ 16h chiều nay, BTC sẽ khai mạc các khu trưng bày, đó là: Trưng bày, giới thiệu lịch sử phát triển áo dài bằng hình ảnh; Trưng bày bộ sưu tập trang phục áo dài xưa độc đáo của nhà sưu tầm Trần Đình Sơn; Trưng bày khung dệt, nguyên liệu dệt của lụa Vạn Phúc và lụa Hội An, dệt lanh H.Mông và dệt Zèng người Tà Ôi; Khu giới thiệu ẩm thực 3 miền; Khu tổ chức trò chơi dân gian; Khu trưng bày sản phẩm của các nhà thiết kế; Khu thiết kế, in hình ảnh và may áo dài cho khách…

Vào ngày 15/10, Lễ hội áo dài Hà Nội sẽ tiếp tục với nhiều hoạt động bên lề hấp dẫn như thi vẽ tranh trên áo dài dành cho trẻ em diễn ra vào lúc 9h – 12h. Ngoài ra, còn có hoạt động dạy nấu ăn ở khu ẩm thực; Thi cắm hoa trên áo dài; Biểu diễn áo dài và nhạc dân tộc.

Vào ngày 16/10, tại Hoàng thành Thăng Long diễn ra Hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của Áo dài trong du lịch. Một trong những hoạt động hấp dẫn của Lễ hội Áo dài Hà Nội là sự kiện diễu hành với sự tham gia của 50 xe xích lô chở 50 người mẫu mặc áo dài và 200 nữ sinh mặc áo dài đạp xe đạp hoa trên các con phố từ Hoàng Diệu – Điện Biên Phủ - Độc Lập – Hùng Vương – Thanh Niên.

* Một số hình ảnh trình diễn trong đêm khai mạc Lễ hội áo dài Hà Nội 2016:








(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc Lễ hội áo dài Hà Nội 2016: Có một Hà Nội lãng mạn và rất xưa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.