Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội thảo “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng”

Mai Hoa| 05/11/2016 15:31

(HNMO) – Diễn ra ngày 5-11 tại Hà Nội, Hội thảo khoa học “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng” thực sự rất giá trị với nhiều đề xuất, giải pháp mang tính khả thi.


Hội thảo do Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam phối hợp tổ chức, thu hút gần 300 báo cáo khoa học và gần 100 bài viết, ý kiến của những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà văn, nhà báo và công chúng báo chí trên cả nước. Khẳng định tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia, BTC mong muốn thông qua hội thảo, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt không chỉ là nguyện vọng, khuyến nghị, mà cần phải đi vào cuộc sống, tiến tới được luật hóa, để nếu ai sử dụng tiếng Việt không đúng thì nhắc nhở, điều chỉnh; ai cố tình vi phạm thì phải có chế tài xử lý.

Tới dự và chỉ đạo Hội thảo, UVTƯ Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: ““Tiếng Việt rất giàu. Tiếng Việt rất đẹp. Tiếng Việt là của cải vô cùng quý báu mà chúng ta phải giữ gìn – đó là nhiệm vụ được pháp luật quy định, là trách nhiệm của mỗi người, đặc biệt là các nhà báo, nhà giáo, nhà văn, nhà ngôn ngữ học”. Đồng chí nêu ra những trăn trở thực sự của mình về chủ đề này: “Có một thực tế hiện nay là ngoài xã hội, trên các diễn đàn, kể cả trên các ấn phẩm thông tin đại chúng và sách giáo khoa, đang có nhiều, ngày càng nhiều những biểu hiện thiếu chuẩn mực trong sử dụng tiếng Việt, quá dễ dãi trong phát triển, làm mới tiếng Việt, lạm dụng sử dụng ngôn từ từ tiếng nước ngoài.

Trong khi đó, chúng ta có không nhiều, không đủ những sự phân tích, phê phán, nhắc nhở về những biểu hiện đó”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý: “Giữ gìn sự trong sáng phải đi đôi với phát triển, làm mới tiếng Việt. Trong quá trình phát triển nói chung, làm giàu tiếng Việt nói riêng, việc tiếp thu những thành tựu của văn minh nhân loại, hay việc mượn tiếng nước ngoài để làm cho tiếng Việt đầy đủ hơn - như Bác Hồ đã nói - là yêu cầu khách quan. Tuy nhiên, việc tiếp thu phải có chọn lọc, không để làm mất bản sắc”.

Bàn về những vấn đề đặt ra xung quanh việc sử dụng ngôn ngữ trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ - UVTƯ Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam khẳng định: “Những năm gần đây, có khá nhiều vấn đề nổi cộm liên quan đến ngôn ngữ báo chí được dư luận quan tâm, lo lắng. Đó là việc dùng từ ngữ, câu văn tùy tiện, cẩu thả; cách đặt tiêu đề, rút “tít” thiếu cân nhắc, sai thực tế, thậm chí giật gân câu khách; thiếu sự đổi mới trong thể hiện văn phong báo chí; sử dụng tiếng nước ngoài thiếu chọn lọc, thiếu nhất quán, tâm lý chuộng ngoại, sính chữ còn khá phổ biến”. Đồng chí nhấn mạnh: “Những sai sót, lệch chuẩn về ngôn ngữ, về sử dụng tiếng Việt trên báo chí – truyền thông sẽ tác động tiêu cực, nhanh chóng, rộng khắp đến đông đảo công chúng, nhất là giới trẻ, nhiều khi trở thành hiệu ứng lan truyền”.

Hàng loạt giải pháp đã được nêu ra, bao gồm: Phải tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý đối với việc sử dụng tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng; hoàn thiện luật pháp, chính sách về ngôn ngữ, về tiếng Việt, tiến tới xây dựng bộ luật tiếng Việt, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nỗ lực và thành tích trong công tác này, đồng thời, chấn chỉnh, xử phạt nghiêm minh các hành vi sai trái, lệch lạc. Với các cơ quan báo chí, mỗi cơ quan nên có một bộ phận thường xuyên chăm lo trau dồi ngôn ngữ, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các ấn phẩm, chương trình, kênh sóng, trang báo của mình.

Đề cập đến vai trò của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam trong việc góp phần giữ gìn sự trong sáng và bản sắc tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi nêu giải pháp: “Ở cấp độ quốc gia, cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Hội Nhà báo Việt Nam với Hội Ngôn ngữ học Việt Nam; giữa các cơ sở nghiên cứu, đào tạo về ngôn ngữ và báo chí với các cơ quan báo chí hàng đầu, có sức ảnh hưởng lớn về tiếng Việt trong công chúng”.

Cụ thể hơn, đồng chí cho rằng, Hội Nhà báo Việt Nam các cấp phải coi việc bồi dưỡng nghiệp vụ nhận thức và kĩ năng sử dụng tiếng Việt cho hội viên – phóng viên, biên tập viên, là một chỉ tiêu bắt buộc và thường xuyên hằng năm. Đối với các cơ qua báo chí, cần có cơ chế và chính sách cụ thể, đủ mạnh đối với phóng viên, biên tập viên trong việc dùng tiếng Việt trên báo chí, nhằm khuyến khích người có sáng tạo và nhắc nhở, xử phạt đối với người coi nhẹ, người vi phạm hoặc người làm hỏng tiếng Việt, gây hậu quả xấu./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.