Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thích ứng để không tụt hậu

Tuệ Diễm| 22/05/2017 07:13

(HNM) - Hiện nay, nhiều ý kiến từ các nhà xuất bản, công ty phát hành sách cho rằng, với hoàn cảnh đất nước đang trong quá trình phát triển và hội nhập, bản thân người hoạt động lĩnh vực này cần phải thay đổi để thích ứng với sự phát triển, để không bị lỗi thời, đi sau thời đại.


Chuyển biến tích cực

Ngày 19-5 vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ trì tổ chức Hội nghị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TƯ của Ban Bí thư về Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản. Đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các nhà xuất bản đã đưa ra nhận định, sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TƯ, cùng với sự phát triển của các nhà xuất bản, ngành Xuất bản nước ta đã thay đổi tích cực đáp ứng nhu cầu đọc của người dân và đang trên đà hội nhập cùng thế giới.

Đường sách TP Hồ Chí Minh là một trong những nỗ lực của hoạt động xuất bản nhằm thích ứng với cơ chế thị trường.


Theo ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, hoạt động xuất bản đã có nhiều chuyển biến tích cực, giữ được định hướng chính trị, thích ứng cơ chế thị trường, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Nổi bật nhất là hoạt động liên kết xuất bản tạo ra sự liên hết giữa các đối tác một cách chủ động hơn. Qua đó huy động nhiều nguồn lực xã hội tham gia, có những tác phẩm hay, thúc đẩy xây dựng và phát triển thương hiệu giữa nhà xuất bản và công ty phát hành sách.

Trong vòng 7 năm gần đây, các dòng sách văn học, kinh tế thiếu nhi quốc tế được các công ty sách Việt Nam mua bản quyền, xuất bản kịp thời phục vụ bạn đọc. Tại TP Hồ Chí Minh, sự phát triển mạnh mẽ của các công ty sách tư nhân đã giúp ngành Xuất bản nước ta hội nhập hơn với thế giới và làm tốt công tác kinh doanh.

Đặc biệt, đội ngũ tác giả trẻ, tài năng tham gia viết sách để phục vụ độc giả trẻ ngày một đông. Tác giả trẻ đã có thể xuất bản vài cuốn sách với lượng ấn bản trên thị trường lên đến 10.000 - 20.000 bản không còn là chuyện hiếm gặp. Ngoài ra, một số tác giả trẻ có công ty làm sách và lên kế hoạch quảng bá rầm rộ cho sách, khiến sách họ viết ra luôn bán chạy và tái bản nhiều lần. Nhờ đó, văn hóa đọc ở người trẻ được duy trì và phát huy tốt.

Theo bà Võ Thị Ngọc Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, qua 10 năm thành phố triển khai Chỉ thị số 42-CT/TƯ của Ban Bí thư, ngành Xuất bản, in, phát hành của thành phố đã có những đóng góp quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thành phố và phục vụ bạn đọc cả nước.

Thích ứng để tồn tại và phát triển

Trình độ độc giả Việt Nam ngày càng cao nên việc chọn lọc sách cũng khắt khe hơn. Thị trường sách đang chịu sự cạnh tranh khắc nghiệt với các phương tiện giải trí, nghe, nhìn thu hút bạn trẻ, nên chỉ có những sách đáp ứng nhu cầu người đọc mới có thể tồn tại. Trong bối cảnh mới, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc không nên xem nhà xuất bản là đơn vị sự nghiệp vì trong thời đại công nghiệp phát triển mạnh mẽ như hiện nay, các nhà xuất bản phải đổi mới, có mô hình phù hợp mới có thể phát triển ổn định.

Ông Phạm Minh Thuận - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sách TP Hồ Chí Minh (Fahasa) đề xuất, Nhà nước nên có cơ chế cho phép thành lập các nhà xuất bản tư nhân trong tương lai theo xu thế của thế giới. Thực tế, hiện nay có những nhà xuất bản có 70-80% sách được xuất bản ra thị trường là dựa vào hợp đồng liên kết với công ty sách tư nhân. Do đó, có thể chọn một số đơn vị cho thí điểm cổ phần hóa, cho phép nhà xuất bản tư nhân hoạt động để tạo điều kiện cho ngành Xuất bản có tính chủ động, tính ổn định, tích lũy nguồn lực để phát triển.

Trái lại, các nhà xuất bản địa phương cho rằng, khi đi vào cơ chế thị trường sẽ gặp trở ngại khi ngân sách bao cấp bị cắt bỏ khiến không đủ lực cạnh tranh với các đơn vị xuất bản mạnh. Theo bà Bùi Thị Ngọc, Giám đốc Nhà Xuất bản Nghệ An, nhà xuất bản địa phương khó cạnh tranh được với các nhà xuất bản lớn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh về cả nội dung, giá cả, công nghệ làm sách. Hiện nay, Nhà Xuất bản Nghệ An đang gặp phải khó khăn nếu áp dụng cơ chế tự thu tự chi, trong khi các đơn vị như Đài Truyền hình và Báo Nghệ An vẫn có cơ chế đặt hàng từ tỉnh.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong thời gian tới Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, sắp xếp lại hệ thống các nhà xuất bản bảo đảm phù hợp, hiệu quả, kiên quyết giải thể những nhà xuất bản hoạt động yếu kém, nhiều sai phạm. Trên cơ sở đó, Bộ phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng các UBND các tỉnh rà soát bổ sung các chính sách về thuế, tiền thuê nhà đất thuộc sở hữu nhà nước, đặt hàng sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, sách phục vụ thông tin đối ngoại; đồng thời hỗ trợ nhà xuất bản mua bản thảo chất lượng cao, hỗ trợ quảng bá triển lãm sách ở môi trường trong và ngoài nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thích ứng để không tụt hậu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.