Theo dõi Báo Hànộimới trên

Biển quảng cáo vi phạm: Thiếu "thuốc đặc trị"?

Thanh Thủy| 28/05/2017 06:59

(HNM) - Chồng chéo quản lý, chậm trễ, thiếu chủ động triển khai cấp phép ở cơ sở… là những nguyên nhân chủ yếu khiến công tác kiểm tra, xử lý biển quảng cáo vi phạm chưa mang lại kết quả như mong đợi.

Rõ ràng, để xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo ngoài trời theo Luật Quảng cáo và các văn bản liên quan, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và văn minh đô thị vẫn thiếu liều thuốc "đặc trị".

FPT Shop là một trong những đơn vị chậm khắc phục sai phạm trong lĩnh vực quảng cáo ngoài trời. Ảnh: Bá Hoạt


Lúng túng xử lý vi phạm

Kết quả kiểm tra ở 13 quận, huyện của Tổ kiểm tra liên ngành công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo trên địa bàn Hà Nội thời gian qua cho thấy, tình trạng vi phạm các quy định của Luật Quảng cáo, vi phạm trật tự xây dựng, phòng chống cháy nổ… xuất hiện ở tất cả các địa phương. Trong đó, các lỗi phổ biến là: Vượt diện tích quy định, quá thời hạn quảng cáo, quảng cáo không phép, quảng cáo trong khu vực quy định hạn chế… Đáng chú ý, hiện tượng “lách” kiểm tra bằng việc che phủ hoặc cuốn giấu nội dung quảng cáo xuất hiện ở nhiều quận như Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Hoàng Mai… Thậm chí, nhiều trường hợp còn ngang nhiên chống đối, không chịu ký biên bản do Tổ kiểm tra liên ngành lập.

Trưởng phòng Quản lý Văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội) Bùi Minh Hoàng cho biết: Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng biển, bảng quảng cáo sai quy định vẫn tồn tại là do các địa phương chưa quyết liệt chỉ đạo và thực hiện trách nhiệm theo đúng thẩm quyền được giao. Nhiều quận, huyện chưa triển khai cấp phép quảng cáo, biển hiệu có diện tích xây dựng hơn 20m2. Trong đợt kiểm tra gần đây, Tổ kiểm tra liên ngành đã yêu cầu các địa phương có vi phạm về quảng cáo ngoài trời khẩn trương khắc phục, xử lý và báo cáo kết quả sau 10 ngày làm việc. Thế nhưng, đã quá thời hạn trôi qua, vẫn chưa nhận được báo cáo từ các quận, huyện...

Trong khi đó, đại diện một số địa phương lại nêu lên những khó khăn, bất cập, khiến công tác xử lý, khắc phục vi phạm còn lúng túng. Cụ thể là thiếu hướng dẫn để thực hiện các quy định của Luật Quảng cáo, cũng như hướng giải quyết khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong thực tế. Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Phan Hồng Việt nêu ví dụ: Do chưa có hướng dẫn xử lý đối với những biển hiệu có diện tích trên 20m2 đã lắp đặt từ trước khi có Luật Quảng cáo nên một số bảng, biển quảng cáo không phù hợp chưa thể xử lý. Mặt khác, thiếu chế tài đối với trường hợp lắp dựng biển hiệu vượt quá số lượng cho phép ở cùng khu vực cũng dẫn đến hiện tượng doanh nghiệp lách luật bằng việc ghép nhiều tấm nhỏ thành quảng cáo tấm lớn...

Tạo hành lang pháp lý cho hoạt động quảng cáo

Cửa hàng “Thế giới di động” là một trong những đơn vị chậm khắc phục sai phạm. Ảnh: Linh Ngọc


Giới thiệu, quảng bá thương hiệu là nhu cầu thực tế và chính đáng của nhiều đơn vị, doanh nghiệp. Tuy nhiên, thay vì chấp hành các quy định của pháp luật, nhiều đơn vị, doanh nghiệp tìm mọi cách, trong đó lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của lực lượng chức năng, thậm chí là lách luật để cố tình vi phạm.

Trước thực trạng đó, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã quan tâm những giải pháp cả biện pháp trước mắt và lâu dài. Về lâu dài, đó là Sở đã hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2050 trình thành phố xem xét.

Theo đó, quy hoạch quảng cáo ngoài trời tập trung điều chỉnh quy hoạch quảng cáo trên 7 tuyến đường đã sử dụng ổn định và quy hoạch quảng cáo trên 15 tuyến phố, khu vực nội đô với các hạng mục: Bảng tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, chính sách xã hội và bảng quảng cáo thương mại thống nhất bảo đảm các nguyên tắc tuân thủ quy định pháp luật về quảng cáo, xây dựng, giao thông, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy…; phù hợp, đồng bộ quy hoạch xây dựng và các quy hoạch có liên quan; thống nhất về mật độ, kích thước, bảo đảm an toàn kết cấu, tạo bộ mặt kiến trúc đô thị khang trang, hiện đại...

Theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, Dự thảo quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2050 khi ban hành sẽ là cơ sở pháp lý để quản lý có hiệu quả và đồng bộ các hoạt động quảng cáo thương mại, tuyên truyền chính trị bằng bảng ngoài trời; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi tham gia hoạt động quảng cáo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô.

Trong khi chờ quy hoạch quảng cáo ngoài trời được các cấp thông qua, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã đề xuất xử lý các trường hợp "nhờn" Luật Quảng cáo bằng việc nêu danh các doanh nghiệp vi phạm trên Cổng thông tin của Sở và của UBND thành phố; đồng thời, ngừng cấp phép cho các đơn vị vi phạm, không cấp phép dài hạn đối với các dạng quảng cáo căng bạt, tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, sự phối hợp giữa các ngành với chính quyền địa phương trong kiểm tra và xử lý vi phạm.

Như vậy, trong lúc dự thảo quy hoạch, đề xuất chờ phê duyệt, vẫn thiếu các liều thuốc "đặc trị" đối với tình trạng vi phạm.

Qua đợt kiểm tra, nhiều cơ sở vi phạm trong lĩnh vực hoạt động quảng cáo ngoài trời đã chủ động tháo dỡ biển, bảng vi phạm; hạ diện tích về đúng kích thước được phép. Tuy nhiên, tại không ít địa chỉ như: 291 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên), 470 Xã Đàn (Đống Đa), 163 Đại La (Hai Bà Trưng), 233 Lĩnh Nam (Hoàng Mai), 238 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân)... và một số thương hiệu như: Thế giới di động, siêu thị Điện máy, siêu thị Media, FPT shop... vẫn cố tình chây ỳ, chậm trễ trong khắc phục sai phạm.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biển quảng cáo vi phạm: Thiếu "thuốc đặc trị"?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.