Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đừng để hiện vật “ngủ quên”

Thanh Thủy| 18/06/2017 06:57

(HNM) - Có một nghịch cảnh trong ngành Bảo tàng, khiến người chứng kiến không khỏi suy nghĩ là: Nơi miễn phí tham quan thì “vắng như chùa Bà Đanh”, nơi bán vé lại nườm nượp du khách tham quan...

Tham quan bảo tàng giúp học sinh tiếp thu kiến thức văn hóa, lịch sử, xã hội hiệu quả hơn.
Ảnh: Hải Anh


Nghịch cảnh khó lý giải?

Có một nghịch cảnh trong ngành Bảo tàng, khiến người chứng kiến không khỏi suy nghĩ là: Nơi miễn phí tham quan thì “vắng như chùa Bà Đanh”, nơi bán vé lại nườm nượp du khách tham quan. Câu chuyện của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và Bảo tàng Hà Nội là một ví dụ. Ngoài sở hữu khối lượng hiện vật đa dạng, phong phú, giàu bản sắc, không gian trưng bày gắn kết với thiên nhiên, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam còn phát huy sức hấp dẫn từ việc thường xuyên cập nhật, đổi mới hoạt động trải nghiệm đậm tính dân gian, lồng ghép nội dung giáo dục di sản phù hợp với mọi lứa tuổi. Chính những yếu tố này đã góp phần kéo khách tham quan quay trở lại bảo tàng.

Chứng kiến cảnh du khách hào hứng tham gia kéo co, giã gạo, điều khiển rối nước…, trong sự cổ vũ hào hứng của người xung quanh mới thấy hết những tác động của việc được trải nghiệm trong các hoạt động bảo tàng giá trị, hấp dẫn thế nào.

Trái ngược với không khí ồn ã, cuốn hút ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là Bảo tàng Hà Nội nằm cách đó không xa. Có vị trí giao thông thuận lợi, công trình thiết kế hoành tráng, hiện đại, hệ thống máy lạnh hoạt động và miễn phí vé vào cửa, song Bảo tàng Hà Nội lại chìm trong tĩnh lặng. Cả bãi gửi xe mênh mông thưa vắng phương tiện dừng, đỗ; thỉnh thoảng mới có 1 vài vị khách tiến vào, nhưng cũng không dừng chân lại lâu.

Đàm Thanh Tùng, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho hay: Em vào xem vì tò mò, nhưng Bảo tàng chưa có nhiều hiện vật để tìm hiểu, chưa kể cách trưng bày vẫn còn đơn điệu, chưa thực sự hấp dẫn. Báo cáo từ Bảo tàng Hà Nội cũng phản ánh thực trạng này, khi số lượt khách tham quan giảm sút trong những năm trở lại đây: Từ 313 nghìn lượt khách năm 2010, còn 122 nghìn lượt khách năm 2014 và 110 nghìn lượt khách năm 2016. Cùng chung tình cảnh thiếu vắng người xem như Bảo tàng Hà Nội là Bảo tàng Văn học Việt Nam; Bảo tàng Tôn Đức Thắng; Bảo tàng Thông tin; Bảo tàng Công an Hà Nội… cũng chỉ thu hút trên dưới 100 nghìn lượt khách mỗi năm.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đánh giá: Cả nước có hơn 120 bảo tàng với khối lượng hiện vật đồ sộ để khai thác chuyên sâu, song về cơ bản đều gặp khó khăn trong việc thu hút công chúng, vì công tác trưng bày còn lạc hậu, nội dung trưng bày mờ nhạt, thiếu điểm nhấn, chưa có nhiều hoạt động trải nghiệm phụ trợ để du khách được hòa mình vào không gian văn hóa, lịch sử, hào hứng tìm hiểu, khám phá.

Đồng tình với quan điểm trên, Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, PGS.TS Đỗ Văn Trụ cho rằng, nếu không theo kịp yêu cầu, đòi hỏi của xã hội, không đem lại lợi ích thiết thực cho công chúng, bảo tàng sẽ không có "chỗ đứng" đồng nghĩa mất đi vai trò lưu giữ ký ức và giáo dục di sản. Hiện vật chứa đựng trong nó cũng sẽ mãi “ngủ quên”.

Tăng “sức sống” cho bảo tàng

Du khách tham quan Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.


Để cải thiện hình ảnh, thu hẹp dần khoảng cách giữa người xem với nội dung trưng bày, không ít bảo tàng đã tích cực đổi mới phương thức hoạt động, thực hiện phương pháp tiếp cận giáo dục trải nghiệm, trong đó chủ yếu thay đổi cách thức tổ chức các chương trình giáo dục với tài liệu học mang tính trực quan sinh động, tạo điều kiện cho học sinh tự do sáng tạo. Điển hình là Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thường xuyên thay đổi nội dung trưng bày; chủ động kết nối với các hãng lữ hành, các trường học... đưa người xem đến với bảo tàng; tổ chức các sự kiện chuyên đề hướng tới các đối tượng phục vụ khác nhau.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia với hoạt động trải nghiệm đa dạng tại “Phòng khám phá”… Với những nỗ lực này, hy vọng sẽ tăng thêm màu sắc cho hoạt động của các bảo tàng, góp phần thay đổi định kiến bảo tàng là nơi buồn tẻ, lưu giữ những hiện vật cũ kỹ. Bà Nguyễn Thu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục, Công chúng (Bảo tàng Lịch sử quốc gia) cho biết: Các hoạt động đã và đang triển khai tại các bảo tàng không chỉ mang đến những giờ phút giải trí thú vị, mà còn tạo cơ hội để công chúng, nhất là giới trẻ chia sẻ cảm xúc, khám phá thẩm mỹ, năng khiếu cá nhân, đồng thời cập nhật kiến thức lịch sử qua những trải nghiệm thực tế. Nhờ vậy, các bảo tàng đã và đang nhận được những phản hồi tích cực.

Để tăng tính hấp dẫn, đánh thức những giá trị tiềm ẩn trong các hiện vật, ngành Bảo tàng cần tập trung đầu tư cho công tác truyền thông, mở rộng quảng bá, tránh tình trạng “áo gấm đi đêm”, khiến cho những nỗ lực của bảo tàng không đến được rộng rãi với công chúng. Theo TS Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản Việt Nam, số bảo tàng hiện có đơn vị chuyên trách về quảng bá thương hiệu còn hạn chế và hoạt động truyền thông mới chỉ dừng lại ở việc tập hợp danh sách các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý để gửi giấy mời mỗi khi có sự kiện.

Ngoài ra, để khách tham quan đến với bảo tàng một cách bền vững, ngành Bảo tàng cần tích cực ứng dụng công nghệ trong trưng bày, giúp khách tham quan hiểu rõ hơn, chính xác, chi tiết hơn về hiện vật, sự kiện lịch sử, tác phẩm nghệ thuật… Vấn đề quan trọng nữa là, bản thân các bảo tàng cần chú ý đến việc khuyến khích, tạo cơ hội cho cộng đồng tham gia quá trình chuẩn bị trưng bày cùng các hoạt động bên lề nội dung trưng bày; lắng nghe, tiếp nhận những góp ý của khách tham quan; áp dụng các kỹ thuật thiết kế không gian phù hợp với văn hóa, thẩm mỹ và thói quen của đại bộ phận dân chúng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng để hiện vật “ngủ quên”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.